LSO-Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) thông qua quyết định tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954 và tháng 12 năm 1953 quyết định mở chiến dịch Điện Biên phủ. Cùng với dân và quân các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu 4, Liên khu 3, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ đẩy mạnh các hoạt động giữ vững giao thông, đảm bảo chi viện sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ. Khách du lịch thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên - Ảnh: Mai HoaHai đại đội 44 và 45 của Tiểu đoàn 88 đóng trên địa bàn Lạng Sơn được lệnh phối hợp với lực lượng dân công và đồng bào các dân tộc gấp rút sửa chữa nâng cấp các tuyến đường trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, bố trí các trạm gác máy bay trên các điểm cao dọc các tuyến đường quan trọng. Sau hơn 2 tháng lao động khẩn trương huy động mọi phương tiện và 1.162 dân công tham gia vận chuyển hàng chục tấn lương...
LSO-Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) thông qua quyết định tác chiến Đông – Xuân 1953 – 1954 và tháng 12 năm 1953 quyết định mở chiến dịch Điện Biên phủ. Cùng với dân và quân các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu 4, Liên khu 3, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ đẩy mạnh các hoạt động giữ vững giao thông, đảm bảo chi viện sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Khách du lịch thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên – Ảnh: Mai Hoa
Hai đại đội 44 và 45 của Tiểu đoàn 88 đóng trên địa bàn Lạng Sơn được lệnh phối hợp với lực lượng dân công và đồng bào các dân tộc gấp rút sửa chữa nâng cấp các tuyến đường trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, bố trí các trạm gác máy bay trên các điểm cao dọc các tuyến đường quan trọng. Sau hơn 2 tháng lao động khẩn trương huy động mọi phương tiện và 1.162 dân công tham gia vận chuyển hàng chục tấn lương thực, thực phẩm lên công trường đảm bảo cho các lực luợng hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Sự đóng góp 293.432 ngày công của quân và dân Lạng Sơn đã hoàn thành nâng cấp các tuyến đường đảm bảo cho các phương tiện vận tải và dân công vận chuyển hàng hoá chi viện kịp thời cho chiến trường. Ngay trong 2 tháng đầu năm 1954, giặc Pháp, đã ném 11.100 quả bom các loại xuống dọc tuyến đường số 1 và số 4 trên địa bàn tỉnh. Những địa danh Sài Hồ, Mỏ Chảo, Cáp Mèo trên đường số 1 liên tục bị đánh phá ác liệt, đặc biệt bọn biệt kích ngày càng tăng cường hoạt động phá hoại dọc tuyến 1A. Với tinh thần địch phá một ta làm hai, từ sáng sớm đến chiều tối, các đoàn dân công tham gia vận chuyển hàng nghìn mét khối đất đá, gỗ và làm thêm nhiều đường vòng, bến vượt qua các cầu cống bị đánh sập, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Tỉnh uỷ đã phát động 11.577 dân công trong đợt 1, trong đó có 1.577 dân quân xung phong các huyện phía Đông và Nam của tỉnh tham gia và 3.800 dân công sẵn sàng được huy động cho đợt 2 để kịp thời chi viện khi cần thiết. Hoạt động của mạng lưới quân báo nhân dân được chú trọng từ tỉnh đội đến xã đội. Đến tháng 5 năm 1954, toàn tỉnh có 95 tổ quân báo nhân dân, 202 quân báo viên và hàng nghìn cộng tác viên nhân dân đi vào hoạt động có hiệu quả, ngăn chặn, phát hiện kịp thời sự phá hoại của bọn biệt kích và phần tử phản động. Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang và mạng lưới quân báo nhân dân rộng rãi, các trục đường giao thông, kho tàng của tỉnh, huyện được bảo vệ an toàn. Ngày 13/3/1954, theo lệnh của Trung ương, quân ta bắt đầu mở cuộc tiến công cứ điểm tập đoàn Điện Biên Phủ. Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã vận chuyển một khối lượng lớn vật chất, kỹ thuật, trực tiếp chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ và quyên góp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, hơn 200 con trâu, bò… góp phần tiếp thêm vật chất, đảm bảo cho các lực lượng vũ trang của ta tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đó là thắng lợi chung của quân và dân cả nước, trong đó có sự đóng góp của quân và dân Lạng Sơn. Trong 9 năm kháng chiến, Lạng Sơn có 1.504 liệt sĩ đã ngã xuống trên các mặt trận và 251 thương binh.
Khách du lịch tham quan cầu treo bắc qua sông Nậm Rốm
tại bản Phiêng Lơi, thuộc TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên – Ảnh: Tư liệu
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) đầy gian khổ và rực rỡ chiến công, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ giang sơn gấm vóc oanh liệt của dân tộc ta. Lớp lớp thanh niên Lạng Sơn hăng hái lên đường nhập ngũ, trong đó có nhiều người chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều tấm gương chiến đấu mưu trí, lập công xuất sắc, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ”; nhiều người mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người con thân yêu nhất của mình được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Tỉnh Lạng Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong đó, cấp tỉnh được phong tặng 1 danh hiệu “Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Lạng Sơn”, cấp huyện 6 đơn vị trong đó Tràng Định vinh dự đón nhận 2 lần danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, cấp xã có 28 đơn vị gồm: Đình Lập: 2; Văn Lãng: 4; Tràng Định: 9; Bắc Sơn: 5; Bình Gia 2, Lộc Bình 5.
Trương Anh Tuấn
Ý kiến ()