Lạng Sơn gồng mình chống rét
LSO-Đúng như dự báo, đợt không khí lạnh tăng cường từ ngày 23/1/2016 đến nay đã biến Lạng Sơn thành “chiếc tủ lạnh khổng lồ”. Toàn tỉnh chìm trong rét hại, mưa băng xuất hiện hầu như ở mọi nơi, tuyết trắng bao phủ khu vực núi cao. Với nỗ lực cao nhất, các cấp, ngành đã chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng với nhân dân phòng, chống rét, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất.
Cán bộ Trạm thú y thành phố Lạng Sơn kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc trong đợt rét |
Trước và trong đợt rét hại diện rộng này, UBND tỉnh đã liên tiếp ban hành 2 công điện khẩn về phòng, chống rét. Trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành trong kiểm tra, hướng dẫn nhân dân ứng phó với đợt rét được đánh giá là có cường độ mạnh nhất trong vụ đông xuân năm nay.
Có thể nói chưa bao giờ công tác hỗ trợ phòng, chống rét được triển khai nhanh chóng và kịp thời đến thế. Ngay sau công điện khẩn số 02 của Chủ tịch UBND tỉnh, các huyện được đánh giá là vùng có nguy cơ thiệt hại nhiều nhất như: Lộc Bình, Cao Lộc đã đưa gạo hỗ trợ đến tay người chăn nuôi.
Ông Lý Quang Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Ngay trong ngày 25/1/2016, huyện đã xuất gạo dự trữ, rà soát, tổng hợp danh sách các hộ chăn nuôi trâu, bò của xã Mẫu Sơn và chuyển toàn bộ số hàng hỗ trợ đến tay bà con. Trên địa bàn huyện Cao Lộc cũng vậy, các hộ chăn nuôi thuộc các xã Công Sơn, Mẫu Sơn cũng nhanh chóng nhận được gạo hỗ trợ đến bổ sung thức ăn cho gia súc trong đợt rét kỷ lục này.
Trước và trong đợt rét, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nhân dân bảo vệ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: các huyện, xã đã rất chủ động, đặc biệt những khu vực được dự báo là sẽ ảnh hưởng nặng nề đã chuẩn bị phòng chống rất chu đáo.
Ví dụ như huyện Chi Lăng, trước diễn biến xấu của thời tiết đã chủ động hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Hữu Kiên 2 tấn gạo và trên 26,6 nghìn mét vuông bạt che để bà con phủ kín chuồng trại. Các huyện, thành phố đều thành lập các đoàn kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh và chủ động từ nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ nhân dân phòng, chống rét hại. Theo thống kê, từ ngày 23-27/1/2016, các huyện trọng điểm về ảnh hưởng của đợt rét đã hỗ trợ nhân dân trên 5.000 kg gạo để bổ sung thức ăn cho gia súc.
Mặc dù đã rất chủ động nhưng với đặc thù của tỉnh, ảnh hưởng của đợt rét đối với sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn rất nặng nề. Theo tổng hợp nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết ngày 26/1/2016, trên địa bàn tỉnh đã có 571 con gia súc bị chết rét. Trong đó có 172 con trâu; 42 con bò; 275 con bê, nghé; còn lại là dê và lợn. So với đợt rét lịch sử 2008 (thiệt hại hơn 25 nghìn con gia súc) thì con số vừa qua chưa phải là nhiều, nhưng xét về giá trị kinh tế cũng đã là rất lớn.
Đến sáng 27/1/2016, con số báo cáo của các huyện về gia súc chết rét vẫn tiếp tục tăng. Thêm vào đó khoảng 4.000 ha rau màu trong vụ đông cũng được xác định là bị ảnh hưởng của đợt rét này. Đợt rét hại diện rộng vẫn chưa kết thúc và theo các cán bộ chuyên môn, khi thời tiết ấm dần lên, nếu không thực hiện tốt các khuyến cáo thì số lượng gia súc chết vẫn có thể tăng lên.
Kiểm tra công tác phòng, chống rét cho gia súc tại xã Châu Sơn, huyện Đình Lập |
Điều quan trọng nhất trong thời điểm này là các cấp, ngành cần tiếp tục bám, nắm tình hình và tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng nhân dân bảo vệ sản xuất. Hiện nay, các ngành hữu quan cũng đang xây dựng các phương án, tham mưu cho UBND tỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân để khôi phục sản xuất sau rét. Cũng trong lúc này, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đang đẩy mạnh các chương trình thiện nguyện, hỗ trợ đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Sự chung sức, đồng lòng là động lực quan trọng để Lạng Sơn khắc phục khó khăn, vượt qua đợt rét với cường độ rất mạnh này.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()