Thứ 4, 25/12/2024 01:35 [(GMT +7)]
Lạng Sơn dự trữ hàng để bình ổn giá
Thứ 5, 01/11/2012 | 09:54:00 [(GMT +7)] A A
Theo nhận định của ngành công thương, với việc tính trước và dự trữ đủ hàng của các DN phân phối hàng hóa bán lẻ trên địa bàn nếu có biến động về giá xảy ra thì cũng chỉ mang tính cục bộ do việc luân chuyển hàng hoá giữa khu vực này đến khu vực khác chứ không có tình trạng biến động đột ngột và lớn.
LSO-Để chuẩn bị cho các dịp lễ, tết cuối năm 2012 như: Noel, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, ngoài các doanh nghiệp, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai công tác dự trữ hàng, cùng với việc quyết tâm thực hiện các biện pháp bình ổn.
Các siêu thị trên địa bàn thành phố đã dự trữ đầy đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu khách
Theo quy luật, việc tăng giá vào dịp cuối năm, lễ, tết là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất nhằm tăng lượng hàng hoá cung ứng ra thị trường để ổn định giá bán hàng hoá, dịch vụ. Đồng thời các đơn vị này không lợi dụng biến động của thị trường để tăng giá hàng hoá. Hàng thuộc danh mục bình ổn giá phải kê khai để loại trừ các yếu tố hình thành giá không phù hợp. Các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá bán hàng của tiểu thương, theo dõi diễn biến giá cả, cung cầu hàng hoá trên địa bàn, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước về đầu cơ, liên kết độc quyền, lợi dụng nhu cầu tăng cao trong dịp lễ, tết để trục lợi bất chính. Lãnh đạo UBND tỉnh còn yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ hàng hoá, mở rộng nguồn hàng và các mạng lưới bán hàng bình ổn giá tới các chợ dân sinh, đảm bảo phù hợp với nguồn hàng cung ứng theo nhu cầu tiêu dùng.
Giá cả hàng hóa sẽ có chiều hướng tăng trong thời gian tới, đó là dự báo của Sở Công Thương Lạng Sơn và thực tế trong tháng 10/2012, tình hình giá cả thị trường đã tăng nhẹ, trong đó tăng cá biệt là các mặt hàng thực phẩm như: thịt lợn, thịt gia cầm, rau xanh… tăng cao hơn từ 2 – 5%. Với đà tăng này, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 và 12 sẽ tăng từ trên 1% trở lên. Qua kiểm tra thực tế của một số ngành cho thấy, giá tăng là do tác động tâm lý của người kinh doanh, họ tự ý nâng với lý do chi phí vận chuyển tăng, thực chất, nguồn hàng không thiếu. Theo lãnh đạo Sở Công Thương, giá hàng hóa dịp tết tăng chủ yếu theo quy luật chung, giá tăng là khó tránh khỏi, mặc dù tỉnh đang cố gắng kiểm soát vấn đề về giá. Nguyên nhân chính là do sức mua tăng cao, tâm lý của người bán hàng là trông chờ dịp lễ, tết để tăng giá.
Để chặn đứng “cơn sốt giá” tâm lý này, một trong những biện pháp của UBND tỉnh là, cho các doanh nghiệp thương mại lớn trên địa bàn vay tiền, hỗ trợ trong 6 tháng với lãi suất 0%. Và với hơn 80 chợ trên toàn tỉnh, trong đó có 59 chợ tại khu vực nông thôn, ngành chức năng xây dựng các điểm bình ổn giá để mua hàng bán với giá chênh lệnh hoặc để dự trữ dần hàng tết. Tìm hiểu qua các doanh nghiệp được biết, các mặt hàng tạm trữ, luân chuyển đã được chuẩn bị một cách cụ thể, hợp lý. Theo đó, các mặt hàng chính sách được quan tâm đầu tiên: muối I-ốt sẽ dự trữ từ 800 – 1000 tấn, dầu hỏa 20 tấn, gạo tẻ dự trữ thường xuyên tối thiểu sẽ là 200 tấn và luân chuyển khoảng 500 tấn (tùy theo nhu cầu các doanh nghiệp sẽ nhập hàng), gạo nếp là 50 – 100 tấn; đường trắng tinh luyện là 42,7 tấn, sữa hộp các loại gần 55 nghìn hộp, dầu ăn hơn 1000 tấn; ngoài ra, từ tháng 9 các doanh nghiệp đã nhập một số mặt hàng bánh kẹo… Tính sơ bộ, các doanh nghiệp (cả nhà nước và tư nhân) đã chuẩn bị và dự trữ được 10 – 15 loại hàng hóa, trong đó có nhiều mặt hàng thiết yếu để đảm bảo đủ cung ứng cho người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Siêu thị Lasvilla – nơi bán hàng bình ổn giá năm 2012 – Ảnh: Hồng Yến
Ngoài các mặt hàng trên, tỉnh đang có chủ trương tiến đến việc đa dạng hoá các mặt hàng bình ổn, nhằm hạn chế việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường. Theo ông Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công Thương thì, nhằm đa dạng hoá nguồn hàng, tỉnh sẽ mời gọi các DN có khả năng cung ứng các mặt hàng, chẳng hạn như thủy hải sản là tôm, cá mực… đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá và cũng sẽ không hạn chế số lượng DN ở các địa phương khác đăng ký tham gia. Khi được chọn, các DN dù không được hỗ trợ vốn nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định về bình ổn giá của Nhà nước. Như tổng hợp ở trên, với các mặt hàng đã dự trữ, trong thời gian tới có thể sẽ có thêm một số doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn giá thì chắc chắn đủ các mặt hàng để phục vụ người tiêu dùng.
Theo nhận định của ngành công thương, với việc tính trước và dự trữ đủ hàng của các DN phân phối hàng hóa bán lẻ trên địa bàn nếu có biến động về giá xảy ra thì cũng chỉ mang tính cục bộ do việc luân chuyển hàng hoá giữa khu vực này đến khu vực khác chứ không có tình trạng biến động đột ngột và lớn.
Trí Dũng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()