Lạng Sơn đi đầu trong kháng chiến toàn quốc
LSO-Tháng 6/1946, khi bọn phản động Tưởng Giới Thạch phải cuốn gói rời Lạng Sơn về nước, thì tháng 7/1946, giặc Pháp thay thế quân Tưởng kéo vào chiếm đóng; từ thời điểm này, Lạng Sơn đã thực sự trở thành địa phương tiên phong trong kháng chiến toàn quốc.
Núi Hang Dê, nơi diễn ra cuộc chiến đấu giữa lực lượng vũ trang ta và thực dân Pháp, sự kiện mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Lạng Sơn |
Với lực lượng 1 trung đoàn viễn chinh 2.000 tên được trang bị đầy đủ vũ khí, quân trang, quân dụng, thực dân Pháp đã ồ ạt tiến vào chiếm đóng khu vực Cửa Đông, một phần Cửa Nam (phường Chi Lăng) và khu vực Mai Pha. Cùng với đó, chúng tiến hành khiêu khích tại nhiều nơi tại phía bắc thị xã Lạng Sơn, Đồng Đăng, Lộc Bình, Đình Lập…
Nhớ lại những ngày đó, cụ Bế Chu Lang, cán bộ lão thành cách mạng nói rằng: Có thể nói Lạng Sơn chính thức bước vào kháng chiến toàn quốc từ “sự kiện” núi Hang Dê (khu vực sau Nhà khách Tỉnh ủy hiện nay). Ngọn núi tuy thấp, song có một vị trí vô cùng quan trọng về quân sự. Vì đứng trên ngọn núi này có thể quan sát tình hình quân sự và dân sinh từ khu vực thành Lạng Sơn đến khu trụ sở chính quyền; án ngữ từ khu vực Cửa Nam đến quốc lộ 1A (cũ) dẫn vào thị xã. Ngay từ khi giành chính quyền, ngọn núi này đã có 1 đại đội của ta chiếm giữ. Có được Hang Dê là đã ở thế đứng trên đầu đối phương. Với nhận thức như vậy, quân Pháp tìm mọi cách để chiếm núi này. Mượn cớ trên núi còn có mộ lính Pháp, chúng nằng nặc đòi ta cho lên. Với tính nhân đạo cao cả và thái độ nhân nhượng, chỉ huy của ta đã đồng ý. Song với dã tâm chiếm giữ, chúng cứ ở lỳ trên đó mà không chịu xuống. Ngày 25/11/1946, địch tập trung hỏa lực tiến công ngọn núi này theo kiểu “trên đánh xuống, dưới đánh lên” và tỏa ra khu vực Cửa Nam, bất chấp sự phản đối quyết liệt của ta. Âm mưu của chúng là muốn đánh chiếm thị xã, khống chế 2 con đường chiến lược là 1A từ Hà Nội lên và 1B sang Thái Nguyên để làm chủ tuyến Đông Bắc; cắt đứt sự liên hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Nhận biết âm mưu đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã triệu tập cuộc họp bất thường để quyết định những công việc trước mắt. Theo đó, Ủy ban Hành chính tỉnh được kiện toàn, Ban Hậu cần của tỉnh được thành lập nhằm tập trung mọi nhân vật lực chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Trung đoàn chủ lực 125 của tỉnh, các trung đội dân quân địa phương đã triển khai trận địa chiến đấu ở khu vực Ba Toa, Trường Nữ học, cầu Kỳ Cùng. Nhân dân được sơ tán về an toàn khu Ba Xã. Cuộc chiến đấu trong lòng thị xã ở thế giằng co trong nhiều ngày; sau đó lực lựơng vũ trang ta rút ra khỏi thị xã để củng cố lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Đêm 19/12/1946, từng đoàn quân lặng lẽ rời khỏi thị xã theo đường 1A rút về khu Ba Xã. Đúng khi ấy, Ủy ban Hành chính tỉnh phổ biến một văn kiện quan trọng: Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Ông Bế Chu Lang nhớ lại: Giữa đêm đông lạnh giá, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch như ngọn đuốc soi đường cho từng người lính, cho cả đoàn quân: “Hỡi đồng bào toàn quốc. Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa !…”
Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lạng Sơn anh dũng bước vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược với một quyết tâm sắt đá “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.” Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh, các địa phương khẩn trương bắt tay thực hiện các nhiệm vụ kháng chiến. Những nơi có quân Pháp chiếm đóng như Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Na Sầm…người dân tiến hành “tiêu thổ kháng chiến”, bất hợp tác và tiến hành bao vây kinh tế, gây cho địch nhiều khốn quẫn. Lực lượng vũ trang tiến hành phá cầu đường, bố trí chướng ngại vật tại nhiều đoạn đường số 4 để cản bước tiến của địch. Những nơi địch chưa chiếm đóng, nhân nhân hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để dự trữ, cung cấp lượng thực cho kháng chiến.
Với tất cả lòng nồng nàn yêu nước, ý thức tự hào và lòng tự tôn dân tộc, Lạng Sơn đã cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài 9 năm ròng rã và kết thúc bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
MINH HỒNG
Ý kiến ()