Lạng Sơn đẩy nhanh tiến độ xóa bỏ lò gạch nung thủ công
>>> Đẩy nhanh lộ trình phát triển vật liệu xây không nung>>> Thành công từ những viên gạch
LSO-Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 13/4/2012 và kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 5/9/2012 của UBND tỉnh, trong thời gian qua, cùng với việc phát triển các cơ sở sản xuất và nâng cấp hoàn thiện quy trình kiểm định vật liệu xây không nung trên địa bàn, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xóa bỏ các lò gạch đất sét nung trên địa bàn.
Sản xuất gạch Tuynel tại Công ty cổ phần Toàn Phát |
Nhiều năm qua, các lò gạch đất sét nung truyền thống đã làm tiêu hao một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên đang ngày một cạn kiệt như than, gỗ và đất. Cùng với đó là mất diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nhất là ở các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, vốn diện tích thuận lợi để canh tác nông nghiệp không nhiều. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất gạch gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh, đặc biệt các lò đứng thủ công đã tận dụng phế thải công nghiệp để làm chất đốt nên thải ra bầu khí quyển một lượng lớn khí thải độc hại CO2, SO2 ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng cư dân sinh sống trong khu vực, giảm năng suất cây trồng làm cho môi trường sống ngày càng xuống cấp, về lâu dài sẽ tác động đến hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và đẩy nhanh lộ trình phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn, trong thời gian qua, các cấp, các ngành và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân phá bỏ các lò gạch đất sét nung thủ công. Tuy nhiên, do thói quen lâu đời và gạch sản xuất thủ công có giá thành rẻ hơn nên nhu cầu sử dụng gạch đất nung thủ công của người dân vẫn còn. Vì vậy, theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến hết tháng 7/2014, trên địa bàn tỉnh có 4 huyện vẫn còn tồn tại các lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến gồm huyện Tràng Định có 19 lò, Cao Lộc có 12 lò, Hữu Lũng có 11 lò và Đình Lập có 2 lò. Đa số các lò gạch đều do hộ gia đình xây dựng. Để xóa bỏ các lò thủ công, tại Công văn số 715/UBND-KTN ngày 23/7/2014, UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo và phân công nghiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tuyên truyền về việc xóa bỏ lò thủ công, lò thủ công cải tiến tại địa bàn quản lý. Đồng thời, không cho phép đầu tư xây dựng mới cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nguyên liệu hóa thạch.
Bên cạnh việc tuyên truyền xóa bỏ lò gạch đất nung thủ công, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan vận động và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cấp các lò thủ công lên lò nung công nghệ Tuynel và xây dựng các cơ sở sản xuất gạch không nung. Được sự vận động, đầu tư và quan tâm của tỉnh, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 cơ sở sản xuất gạch đất nung truyền thống đầu tư nâng cấp lên công nghệ Tuynel và 2 công ty lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu lớn. Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xóa bỏ lò gạch đất nung thủ công và phát triển vật liệu xây không nung, từ năm 2012 đến nay, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp xây dựng các đề án khuyến công địa phương hỗ trợ các cơ sở đang sản xuất gạch đất nung thủ công, đầu tư, lắp đặt dây chuyền sản xuất công nghệ Tuynel. Tiêu biểu như đề án hỗ trợ Công ty Cổ phần Toàn Phát xây dựng nhà máy gạch Tuynel tại Cụm công nghiệp Na Dương, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình. Sau khi nhà máy được xây dựng thì trên địa bàn huyện đến nay không còn tồn tại lò gạch thủ công. Cùng với đó, đầu năm 2014 đã thực hiện hoàn thành đề án hỗ trợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Phú Lộc nâng cấp dây chuyền sản xuất gạch xây không nung xi măng cốt liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng và chỉ tiêu cơ lý theo quy định.
Theo lộ trình và mục tiêu phát triển vật liệu xây không nung của tỉnh thì đến hết năm 2015, cơ bản trên địa bàn tỉnh sẽ không còn các lò gạch đất sét nung thủ công.
ANH DŨNG
Ý kiến ()