Lạng Sơn đã và đang triển khai nhiệm vụ theo “tình huống 1”
LSO-Theo nhận định của Bộ Y tế, khả năng dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Lạng Sơn, với đặc điểm của một tỉnh có nhiều cửa khẩu, lối mở, nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh là rất cao…
![]() |
Diễn tập phòng chống dịch tại thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) |
Hiện Việt Nam đang ở trong tình huống 1 trong 4 tình huống mà Bộ Y tế dự trù (tình huống chưa có trường hợp bệnh trên người). Xử lý “tình huống 1”này là trọng trách của các tỉnh biên giới, trong đó có tỉnh ta. Đó là thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại các cửa khẩu và khu vực biên giới. Kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua công tác kiểm tra thân nhiệt. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng với tình huống 2 (tình huống phát hiện người nhiễm cúm A/H7N9).
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng, tình hình bệnh truyền nhiễm trong 2 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn Lạng Sơn cơ bản ổn định, có 1098 ca nhiễm cúm mùa thông thường. Ngay từ đầu năm 2013, khi Trung Quốc xuất hiện ca nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên, thực hiện Công điện của Bộ Y tế, Lạng Sơn đã bắt tay vào thực hiện ngay một số nhiệm vụ theo “tình huống 1”. Theo đó, xác định là một “mắt xích” quan trọng trong phòng tuyến an ninh y tế quốc gia, nên một mặt tăng cường nghiêm ngặt công tác chống gia cầm nhập lậu, mặt khác đẩy mạnh các hoạt động giám sát, thông tin báo dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để thực hiện biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời. Tiến hành đều đặn việc lấy mẫu giám sát cúm thuộc dự án giám sát cúm Quốc gia tại Bệnh viện huyện Cao Lộc và bệnh viện Đa khoa (BVĐK); lấy mẫu bệnh phẩm trên gia cầm và trên người tại các điểm chợ gia cầm; giám sát lưu hành cúm gia cầm nhập lậu tại 6 chợ trên địa bàn. Kết quả, lấy 262 mẫu bệnh phẩm tại Bệnh viện Cao Lộc, có 5 mẫu dương tính với cúm A/H1, 2 mẫu dương tính với cúm B; lấy 19 mẫu tại BV ĐK, có 1 mẫu dương tính với cúm B. Lấy 216 mẫu gộp tại 6 chợ trên địa bàn, có 34/162 mẫu dương tính với vi rút cúm A. Năm 2013, tại 5 cửa khẩu chính đã giám sát 750.620 khách nhập cảnh, 775.920 khách xuất cảnh, phát hiện 1 trường hợp sốt cao, song sau khi xét nghiệm thì âm tính với H7N9.
Trong 2 tháng đầu năm 2014, thực hiện các Công điện của Bộ Y tế, đặc biệt là Công điện hỏa tốc số 133/CĐ-TTg, ngày 23/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm cấp tỉnh, ngành y tế đã chỉ đạo Trung tâm kiểm dịch y tế Quốc tế tăng cường hoạt động, kiểm soát 100% người và phương tiện qua lại biên giới. Kết quả đã giám sát 197.055 khách nhập cảnh, 197.541 khách xuất cảnh, giám sát, xử lý y tế trên 30.000 phương tiện hàng hóa xuất nhập cảnh, chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9.
Về nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ theo 4 tình huống: Để xử lý tình huống 1, ngành y tế đã chuẩn bị 2 khu cách ly, điều trị tuyến chủ yếu của tỉnh là Phòng khám Đa khoa khu vực Đồng Đăng cho các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Đồng Đăng với 15 giường bệnh, 1 khu cách ly tại BVĐK tỉnh với 25 giường bệnh. Nếu có tình huống 2 thì 2 khu này sẽ tăng lên 50 giường mỗi khu, đồng thời chuẩn bị 11 khu cách ly và điều trị trên cơ sở khoa truyền nhiễm tại các bệnh viện huyện với quy mô từ 10-20 giường và sẽ nâng lên đến 50 giường mỗi cơ sở cho tình huống 3 và 4. Chuẩn bị kế hoạch thành lập bệnh viện dã chiến tuyến II ở BVĐK tỉnh với quy mô 70-100 giường và một số bệnh viện dã chiến tuyến III cho tình huống 4. Về phương tiện, thiết bị phòng chống dịch, hiện nay toàn tỉnh có thể huy động được 30 xe ô tô, 26 máy thở, 3 máy Xquang di động, hàng chục máy theo dõi bệnh nhân, máy tạo ô xy, máy đo độ bão hòa ô xy, máy xét nghiệm, các cơ số thuốc điều trị triệu chứng, dịch truyền…
Công tác phối hợp liên ngành, liên quốc gia trong phòng chống dịch được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực. Huy động các lực lượng xã hội như Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân, hội Chữ thập đỏ trong phòng chống. Hiện nay tất cả 11/11 huyện, thành phố, nhiều ban ngành đoàn thể đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và ban hành các văn bản chỉ đạo. Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế đã thiết lập kênh thông tin trao đổi với Cục Kiểm dịch xuất nhập cảnh Bằng Tường (Quảng Tây-Trung Quốc) để nắm bắt, cập nhật thông tin dịch cúm A/H7N9, phối hợp tuyên truyền phòng chống dịch qua biên giới.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Văn Tạo, phó Giám đốc Sở Y tế nói rằng, Lạng Sơn vì cả nước, cùng cả nước trong một ý chí chung là phòng chống dịch bệnh nguy hiểm. Với vị trí cửa ngõ của đất nước, Lạng Sơn đã và sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này theo từng cấp độ tình huống mà Bộ Y tế dự trù.
TRẦN KIM

Ý kiến ()