Lạng Sơn: Chuẩn bị cho đáo cho Hội chợ Thương mại và Nông nghiệp vùng Đông Bắc 2014
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức các chương trình hội chợ, nhưng đây là lần đầu tiên tỉnh Lạng Sơn được chọn đăng cai tổ chức Hội chợ nông nghiệp và thương mại cấp vùng thuộc khu vực Đông Bắc.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, |
Phóng viên (PV): Xin bà cho biết các thông tin cơ bản về Hội chợ Thương mại và Nông nghiệp vùng Đông Bắc 2014 được tổ chức tại Lạng Sơn trong tháng 9 tới đây?
Bá Lê Thị Thanh Nhàn: Hội chợ là một trong các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư được Bộ NN&PTNT tổ chức thường niên tại các tỉnh, thành phố để giới thiệu tiến bộ khoa học và công nghệ mới; phát triển hoạt động khuyến nông, khuyến ngư của các địa phương, trong đó Lạng Sơn đã được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức trong năm 2014.
Mục đích của Hội chợ lần này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm, trao đổi thông tin xúc tiến thương mại (XTTM); đẩy mạnh phát triển hoạt động khuyến nông khuyến ngư, tăng cường hoạt động mua bán thiết bị máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm; giới thiệu các chương trình công nghệ sinh học trong sản suất nông nghiệp; giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà quản lý – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông; tuyên truyền cảnh báo các loại dịch bệnh, chế phẩm sinh học có hại gây ảnh hưởng đến cộng đồng và các biện pháp phòng ngừa nhằm nâng cao ý thức của người dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hoá; tăng cường xúc tiến thương mại thị trường nội địa, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hội chợ sẽ diễn ra tại thành phố Lạng Sơn từ ngày 25 – 29/9/2014, với quy mô từ 200-250 gian hàng, đối tượng tham gia gồm: các cơ quan nhà nước; doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông nghiệp, thương mại; các đơn vị Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu; Trung tâm xúc tiến thương mại; Tổ chức ngành nghề; Hiệp hội; Trang trại. Ngoài ra còn có sự tham gia của một số tổ chức, doanh nghiệp đến từ Trung Quốc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.Đặc biệt, Hội chợ sẽ tập trung bày bán, giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng vùng Đông Bắc: Gạo séng cù, nếp Tú Lệ (Yên Bái); mật ong bạc hà, chè shan tuyết (Hà Giang); măng vầu, miến dong Na Rì (Bắc Kạn); quýt vàng Bắc Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm (Lạng Sơn); chè Tân Cương (Thái Nguyên); bánh đa kế, rượu làng Vân (Bắc Giang)…
PV: Như bà đã đề cập, đây là lần đầu tiên Lạng Sơn đăng cai tổ chức một Hội chợ thương mại và nông nghiệp quy mô cấp vùng. Vậy địa phương có thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình tổ chức, thưa bà?
Bá Lê Thị Thanh Nhàn: Lạng Sơn là tỉnh miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam; cách thủ đô Hà Nội 154 km đường bộ và 165 km đường sắt; phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía đông bắc giáp Trung quốc, phía đông nam giáp tỉnh Quảng Ninh, phía nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía tây nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía tây giáp tỉnh Bắc Cạn. Trong những năm qua, thương mại và nông nghiệp của tỉnh cũng có nhiều khởi sắc. Ngoài hoạt động cửa khẩu sôi động, Lạng Sơn còn là đầu mối cung cấp nhiều mặt hàng nông sản về các địa phương trong khu vực phía Bắc trong đó có Hà Nội.
Tỉnh cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tỉnh Lạng Sơn được chọn đăng cai tổ chức Hội chợ nông nghiệp và thương mại cấp vùng thuộc khu vực Đông Bắc,do đó, khi nhận được yêu cầu từ phía Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đã ngay lập tức ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 21/7/2014 UBND nhằm chuẩn bị chu đáo cho Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại vùng Đông Bắc năm 2014 với chủ đề “Nâng cao giá trị và phát triển bền vững’’.
UBND tỉnh cũng thành lập Ban tổ chức và chỉ đạo Hội chợ do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban cùng nhiều tiểu ban phục vụ cho Hội chợ gồm: Tiểu ban nội dung, tiểu ban hàng hóa, tiểu ban an ninh… nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Hội chợ.
Các sản vật nổi tiếng vùng Đông Bắc sẽ được mang tới Hội chợ lần này (Ảnh: HNV) |
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ NN&PTNT, tỉnh cũng đã lên sơ đồ hội chợ khá chi tiết và quy mô. Theo đó, hàng hóa sẽ được bố trí trưng bày theo nhiều khu, trong đó: khu gian hàng của các đơn vị khối Trung ương và các tỉnh phía Bắc (100 gian hàng); khu gian hàng của tỉnh Lạng Sơn (30 gian hàng); khu gian hàng của các doanh nghiệp hoạt động về nông lâm nghiệp (30 gian hàng); khu gian hàng thương mại (50 gian hàng); khu gian hàng của các doanh nghiệp Trung Quốc (20 gian hàng).
Tham gia Hội chợ lần này, hàng hóa chủ yếu là các máy móc thiết bị nông lâm nghiệp, chế biến nông lâm sản, vật tư, phân bón, công nghệ sinh học, giống cây trồng, vật nuôi, thuốc BVTV, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, sinh vật cảnh, sản phẩm nông lâm nghiệp, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội chợ, Ban tổ chức chúng tôi sẽ triển khai chương trình Nhịp cầu nhà nông, Diễn đàn “Khuyến nông @ nông nghiệp” với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn tại các tỉnh miền núi phía Bắc tại các tỉnh miền núi phía Bắc”; tổ chức đoàn nông dân tham quan, học tập tại Hội chợ…
PV: Theo bà, Hội chợ lần này sẽ mang lại những cơ hội nào cho Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung?
Bá Lê Thị Thanh Nhàn: Trong giai đoạn phát triển kinh tế của nước ta hiện nay, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, sản xuất nông nghiệp vẫn đang chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, việc tổ chức Hội chợ mang tính chất khuyến nông, khuyến ngư trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không những tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường, mà còn là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân có cơ hội để giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, thúc đẩy việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, từng bước nâng cao năng suất lao động trong ngành nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra.
Với Hội chợ, Lạng Sơn mong muốn được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm thông qua việc lần đầu tiên phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức loại hình Hội chợ này. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước hiểu hơn về Lạng Sơn, tìm các đối tác trong lĩnh vực thương mại và nông nghiệp, thúc đẩy phát triển thương mại và nông nghiệp một cách bền vững.
PV: Tính đến thời điểm này, đã có bao nhiêu đơn vị đăng ký tham dự Hội chợ?
Bá Lê Thị Thanh Nhàn: Tính đến thời điểm hiện nay, đã có Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Quảng Ninh đăng ký đưa các doanh nghiệp và tổ chức tham dự Hội chợ, trong đó Hà Nội đã đăng ký 12 doanh nghiệp tham gia. Từ nay đến thời điểm Hội chợ diễn ra, Ban Tổ chức vẫn tiếp tục nhận đăng ký tham dự của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp…
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()