LSO- Các chuyên gia kinh tế đã khẳng định: muốn đánh giá về mức độ phát triển của một địa phương, hãy nhìn vào tốc độ phát triển của hệ thống doanh nghiệp và những đóng góp của các doanh nghiệp cho địa phương đó. Trong câu khẳng định trên hàm chứa 2 câu hỏi với nhiều trăn trở: Địa phương có tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống doanh nghiệp phát triển hay không và ngược lại, các doanh nghiệp có thực sự xây dựng doanh nghiệp vì sự giàu mạnh của địa phương hay không? Trong giai đoạn 2006 - 2010, Lạng Sơn phát triển mới được gần 1000 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 3000 tỉ đồng, bình quân vốn của mỗi doanh nghiệp là trên 3 tỉ đồng, trung bình mỗi năm phát triển mới được khoảng gần 200 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập giai đoạn này tăng gấp 2 lần số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong giai đoạn 2000 - 2005. Đồng thời với việc thành lập mới, trung bình mỗi năm có trên 60 doanh nghiệp bị xóa tên do giải thể, chấm dứt hoạt...
LSO- Các chuyên gia kinh tế đã khẳng định: muốn đánh giá về mức độ phát triển của một địa phương, hãy nhìn vào tốc độ phát triển của hệ thống doanh nghiệp và những đóng góp của các doanh nghiệp cho địa phương đó. Trong câu khẳng định trên hàm chứa 2 câu hỏi với nhiều trăn trở: Địa phương có tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống doanh nghiệp phát triển hay không và ngược lại, các doanh nghiệp có thực sự xây dựng doanh nghiệp vì sự giàu mạnh của địa phương hay không?
Trong giai đoạn 2006 – 2010, Lạng Sơn phát triển mới được gần 1000 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 3000 tỉ đồng, bình quân vốn của mỗi doanh nghiệp là trên 3 tỉ đồng, trung bình mỗi năm phát triển mới được khoảng gần 200 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập giai đoạn này tăng gấp 2 lần số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong giai đoạn 2000 – 2005. Đồng thời với việc thành lập mới, trung bình mỗi năm có trên 60 doanh nghiệp bị xóa tên do giải thể, chấm dứt hoạt động, con số này chiếm khoảng 1/3. Từ những con số trên, có thể thấy trong những năm qua hệ thống doanh nghiệp tại Lạng Sơn đang có xu hướng phát triển mạnh, được quan tâm chú trọng và khuyến khích hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ấy, các doanh nghiệp tại Lạng Sơn cũng bộc lộ nhiều hạn chế về quy mô, năng lực sản xuất kinh doanh, tính liên kết và đặc biệt là sức sống trong biến động của thị trường. Một năm thành lập mới khoảng 200 doanh nghiệp, xóa tên khoảng 1/3, thương trường, kinh doanh trồi sụt là chuyện thường, con số ấy chưa hẳn là thảm họa nhưng đó cũng là một điều cảnh báo về tính bền vững trong định hướng phát triển, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm dây chuyền sản xuất máy bơm nước Công ty TNHH Bảo Long
Nhìn chung, các doanh nghiệp được thành lập mới trong những năm gần đây thường hướng nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: thương mại, dịch vụ chiếm 51%; sản xuất, chế biến, khoáng sản, xây dựng chiếm 40%; trồng trọt, chăn nuôi và lĩnh vực khác chiếm 9%. Cơ cấu theo loại hình doanh nghiệp: công ty cổ phần chiếm 35%, công ty TNHH chiếm 45%, doanh nghiệp tư nhân chiếm 20%. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển hướng từ hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại đơn thuần sang lĩnh vực sản xuất, chế biến như: sản xuất đồ nội thất, thiết bị văn phòng; sản xuất các sản phẩm phục vụ trong xây dựng, sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng… đồng thời mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh như: dịch vụ nhà hàng, khách sạn; dịch vụ du lịch; vận tải hành khách bằng xe taxi, xe buýt; giáo dục, dạy nghề; trồng rừng; khai thác chế biến khoáng sản. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Lạng Sơn xuất hiện một số loại hình doanh nghiệp đòi hỏi trình độ cao như tư vấn tài chính, kiểm toán, tư vấn luật… góp phần làm phong phú thêm các loại hình sản phẩm trên địa bàn. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện nhiều chính sách mở để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, trong đó có nhưng ưu đãi về thuế, giá cho thuê đất tại các dự án đang kêu gọi vốn đầu tư, hằng năm tỉnh cũng tổ chức nhiều cuộc gặp mặt giữa doanh nghiệp và chính quyền nhằm thắt chặt hơn mối liên kết vì sự phát triển chung, cùng chia sẻ khó khăn, vượt qua thách thức. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng để hệ thống các doanh nghiệp hoạt động, thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh.
Sản phẩm gạch xây dựng Hợp Thành tiêu thụ mạnh trên thị trường
Đến hết năm 2010, toàn tỉnh có 1.233 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó: 1.190 doanh nghiệp dân doanh, 14 doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50%), 29 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp khoảng 9.600 tỉ đồng (trong đó vốn đăng ký của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm khoảng 40%); có 262 chi nhánh và 64 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký hoạt động. Hằng năm, các doanh nghiệp của tỉnh đã đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách trên địa bàn và khoảng 12% kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn; tạo việc làm cho trên 17.800 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 1,5 triệu đồng/tháng, các doanh nghiệp cũng rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm của tỉnh.
Năm 2011 đã bắt đầu với những khó khăn do tác động tiêu cực của lạm phát, lãi xuất cho vay của các ngân hàng thương mại tăng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Hệ thống doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục đương đầu với những thử thách mới, còn nhớ vào giai đoạn cao điểm của lạm phát năm 2009, các doanh nghiệp Lạng Sơn đã thực hiện nhiều cải tổ mạnh mẽ, táo bạo để vững vàng vượt qua khủng hoảng. Tin rằng với “kinh nghiệm vượt khó” đã trải qua, các doanh nghiệp tại Lạng Sơn sẽ tiếp tục vượt qua năm 2011 với những kết quả sản xuất kinh doanh thắng lợi, cùng với chính quyền tỉnh thực hiên tốt chỉ Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Trúc Lam
Ý kiến ()