LSO-Từ 15/12/2011-15/1/2012, cùng với nhiều tỉnh thành trong cả nước, Lạng Sơn triển khai thực hiện “tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường” nhằm phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Nông dân xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia phun thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôiVới tập quán chăn nuôi còn lạc hậu, ý thức của các hộ chăn nuôi chưa cao, đặc biệt là nhiều mầm bệnh xuất hiện ở bãi rác khổng lồ trên địa bàn xã Tân Lang, dịch bệnh gia súc, gia cầm luôn là nguy cơ thường trực đối với huyện Văn Lãng. Thực tế trong đợt bùng phát dịch lở mồm long móng kéo dài từ cuối năm 2010 sang đầu năm 2011, Văn Lãng là một trong những địa phương đầu tiên xuất hiện dịch. Ông Chu Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm thú y Văn Lãng cho biết: thực hiện kế hoạch triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, Trạm đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn huyện thành lập đội phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại thị trấn Na Sầm, xã Tân Lang và các xã giáp biên như...
LSO-Từ 15/12/2011-15/1/2012, cùng với nhiều tỉnh thành trong cả nước, Lạng Sơn triển khai thực hiện “tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường” nhằm phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Nông dân xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia phun thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi
Với tập quán chăn nuôi còn lạc hậu, ý thức của các hộ chăn nuôi chưa cao, đặc biệt là nhiều mầm bệnh xuất hiện ở bãi rác khổng lồ trên địa bàn xã Tân Lang, dịch bệnh gia súc, gia cầm luôn là nguy cơ thường trực đối với huyện Văn Lãng. Thực tế trong đợt bùng phát dịch lở mồm long móng kéo dài từ cuối năm 2010 sang đầu năm 2011, Văn Lãng là một trong những địa phương đầu tiên xuất hiện dịch. Ông Chu Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm thú y Văn Lãng cho biết: thực hiện kế hoạch triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, Trạm đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn huyện thành lập đội phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại thị trấn Na Sầm, xã Tân Lang và các xã giáp biên như Tân Mỹ, Thanh Long, Tân Thanh. Không chỉ là câu chuyện về tăng cường vệ sinh trong chăn nuôi, mà kết hợp với đó, cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác tiêm phòng, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi một cách hợp lý, hiệu quả.
Tính đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không phát sinh các bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, theo nhận định của Chi cục Thú y, nguy cơ một số bệnh dịch ở gia súc, gia cầm tái phát và lây lan trong thời gian cuối năm này là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu do vi rút cúm gia cầm đã biến đổi chưa có vắc xin phòng bệnh thích hợp, trong khi đó vi rút lở mồm long móng và tai xanh vẫn còn lưu hành trong đàn gia súc đã khỏi bệnh. Chính vì vậy tăng cường vệ sinh chăn nuôi và đẩy mạnh tiêm phòng là những biện pháp hàng đầu để phòng, chống bệnh dịch. Do đó, ngay khi có chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Thú y khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp cuối năm. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: tất cả 11 huyện, thành phố trong toàn tỉnh đều thành lập các đội phun hóa chất tại các xã trọng điểm, nguy cơ cao về lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh. Thời điểm hiện tại, Chi cục Thú y đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, hóa chất bảo hộ lao động… cho công tác vệ sinh, khử trùng. Tại những xã trọng điểm, các khu vực được tập trung nhất là các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, cơ sở giết mổ và các khu vực chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống.
Một mặt, các địa phương tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh dịch gia súc, gia cầm đối với sức khỏe của con người và ảnh hưởng đối với kinh tế. Mặt khác, huy động sức dân trên địa bàn chung sức cùng cơ quan chuyên môn vừa triển khai phun hóa chất, vừa vệ sinh đường làng, ngõ xóm và khu vực chăn nuôi. Trong tháng hành động này, công tác tuyên truyền và triển khai tiêm phòng cũng được thực hiện đồng loạt. Theo thống kê của Chi cục Thú y, trong năm 2011 tỷ lệ tiêm phòng tăng khá cao so với năm trước, điển hình như tiêm phòng tụ huyết trùng cho trâu, bò tăng 19,57%, tiêm phòng các bệnh trên đàn lợn tăng 11,6%. Đặc biệt là mặc dù không thuộc diện các tỉnh được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, nhưng trong năm 2011, các hộ chăn nuôi đã có ý thức tiêm phòng các bệnh thông thường như niu cát sơn, tụ huyết trùng với mức tăng 2,6%…Đây là những con số rất đáng ghi nhận, thể hiện ý thức phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên một bước.
Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã và đang được triển khai một cách đồng loạt với nhiều hoạt động tích cực. Lạng Sơn đang nỗ lực cho sự phát triển bền vững của chăn nuôi.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()