Lạng Sơn chủ động ngăn dịch tả lợn Châu Phi
LSO-Chiều 19/2/2019, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chính thức họp báo thông tin tại Việt Nam đã phát hiện có 8 ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch.
Cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tuyên truyền
cho người dân về cách phòng chống nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Chủ động ngăn chặn
Lạng Sơn có đường biên giới dài hơn 230 km tiếp giáp với Quảng Tây, Trung Quốc với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính và các cửa khẩu tiểu ngạch khác. Ngoài ra, địa bàn tỉnh còn có rất nhiều đường mòn, lối mở có cư dân biên giới đi lại, trao đổi hàng hóa. Do đó, nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi thâm nhập vào nội địa rất cao.
Để ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, ngày 31/1/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng như: Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bội đội biên phòng, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn phối hợp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Ông Chu Nguyên Thạch, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn cho biết: Chi cục đã và đang phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn sản phẩm động vật nhập lậu từ cửa khẩu. Chi cục cũng chỉ đạo các trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu tăng cường tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh, đặc biệt là không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển và các sản phẩm từ lợn từ biên kia biên giới vào trong nội địa.
Tại khu vực biên giới, lực lượng chức năng tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở đối với người và phương tiện vận chuyển; tuyên truyền, phát tờ rơi cho cư dân biên giới để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ; tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu vận chuyển trái phép vào Việt Nam.
Từ tháng 10 năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã bắt 9 lô hàng nhập lậu thịt lợn, nầm, mỡ lợn tại các cửa khẩu: Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị với hơn 1.800 kg. Các đơn vị đã giao Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn lấy mẫu kiểm tra và mang tiêu hủy. Kết quả trên 9 mẫu thịt lợn, nầm lợn, mỡ lợn đều âm tính đối với dịch tả lợn Châu Phi.
Lãnh đạo Cục Thú y kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bãi Gianh,
cửa khẩu Hữu Nghị
Sẵn sàng ứng phó kịp thời
Trước tình hình tại Việt Nam đã phát hiện có 8 ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đang tập trung thực hiện các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn, không để dịch thâm nhập vào tỉnh.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh: Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh nguy hiểm. Bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng và tỷ lệ chết lên tới 100% nên việc phòng chống dịch là quan trọng nhất. Chi cục đã tiến hành phun hơn 3.000 lít thuốc tiêu độc, khử trùng tại các huyện, thành phố. Chi cục cũng lên kế hoạch tổ chức tập huấn cho các cán bộ chuyên môn của Chi cục Thú y, thú y viên, khuyến nông viên của 5 huyện có đường biên giới giáp với Trung Quốc về bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm địa bàn. Cụ thể, nếu phát hiện ổ dịch bệnh tả lợn Châu Phi, đơn vị sẽ tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.
Song song với đó là tổ chức khoanh vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát; đồng thời thiết lập các trạm, chốt kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn; cũng như các trạm dừng phương tiện giao thông để thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát ra bên ngoài… Kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát tại cơ sở… Tổ chức việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo trong vùng bị dịch uy hiếp; tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/tuần trong vòng 1 tháng trong vùng giám sát…
Bên cạnh việc xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp khi có dịch xảy ra, đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền về mức độ nguy hại của dịch tả lợn Châu Phi và cách phòng tránh tới người dân. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên thông qua các buổi họp dân, phát tờ rơi có thông tin về dịch bệnh đến người dân… Qua đó, nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không có nguồn gốc rõ ràng vào trong nước tiêu thụ; không mua bán lợn, sản phẩm lợn không có nguồn gốc rõ ràng…
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để, không để bệnh lây lan diện rộng nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm bệnh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội, môi trường do bệnh gây ra.
HOÀNG CƯỜNG – TRANG VÂN
Ý kiến ()