Lạng Sơn cảnh giác trước nguy cơ cao
LSO-Theo thống kê Bộ Y tế, trong thời gian qua, một số địa phương đã có một số trường hợp nhiễm cúm A, trong đó đã có 2 trường hợp tử vong (từ ngày 18 - 28/1/2014 đã có 2 ca tử vong do nhiễm cúm A (H5N1) tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp). Mới nhất, tính đến sáng ngày 14/2/2014, tại bệnh viên Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đang điều trị 3 trường hợp nhiễm cúm H1N1, phán đoán ban đầu, những trường hợp nhiễm cúm này đều có tiếp xúc với gia cầm. Nêu để thấy nguy cơ lây nhiễm cúm A từ gia cầm sang người trong thời điểm này rất cao.
Theo báo cáo của ngành chức năng, tính đến thời điểm hiện tại (14/2), trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa phát hiện dịch cúm gia cầm và cũng chưa ghi nhân có ca nào nhiễm bệnh cúm H5N1, nhưng trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch cúm gia cầm tại một số địa phương, trong đó có một số địa phương giáp lân cận như Bắc Ninh, nguy cơ lây nhiễm cúm A (H5N1) từ gia cầm tại Lạng Sơn cũng rất cao.
Cán bộ thú y bắt giữ gia cầm nhập lậu |
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, thời tiết rét như hiện nay nếu kéo dài có thể gây suy giảm khả năng miễn dịch của gia cầm, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho vi-rút gây bệnh sinh trưởng và phát triển, đây là một nguy nhân khiến nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát trở lại. Điều đáng lo ngại hơn nữa là tại Lạng Sơn, phần lớn chăn nuôi gia cầm vẫn còn ở quy mô nhỏ, lẻ. Ở quy mô này, khâu chăn nuôi, chăm sóc gia cầm vẫn chưa theo quy trình sinh học cụ thể, do vậy, việc gia cầm nhiễm bệnh cũng trở nên cao hơn. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh xảy ra, ngành Thú y tỉnh đã tham mưu cho các huyện, thành phố củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm các xã, phường, thị trấn; tiếp tục tuyên truyền cho người dân tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và thường xuyên phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại, nâng cao ý thức cảnh giác với dịch bệnh của người dân.
Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm không chỉ ở khâu chăn nuôi, ở khâu lưu thông, buôn bán, giết mổ hiện nay tại các chợ trên địa bàn tỉnh cũng rất cao. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2013, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với cơ quan Thú y vùng II và Ban Quản lý dự án VAHIP đã thực hiện chương trình giám sát vi-rút cúm gia cầm tại 6 chợ, lấy 234 mẫu gộp, sau khi xét nghiệm đã có 9/162 mẫu dương tính với cúm gia cầm H5N1 (72 mẫu đang chờ kết quả xét nghiệm). Cũng theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Liên ngành về VSATTP tỉnh, gần như 100% các điểm giết mổ gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh đều không đủ điều kiện giết mổ và đảm bảo vệ sinh trong khi giết mổ gia cầm. Hiện trên toàn địa bàn Lạng Sơn có hơn 510 điểm giết mổ đều do tư nhân quản lý. Quy mô các điểm giết đều nhỏ, lẻ, phân tán, nằm giải rác trong các khu dân cư, vì vậy việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ kiểm soát giết mổ gia cầm thông qua kiểm tra trong thời gian qua chỉ đạt 15 – 20% trên tổng số điểm giết mổ hiện có trên toàn địa bàn. Thực trạng này khiến thị trường sản phẩm thịt gia cầm gần như đang “thả nổi”, vì thế việc kiểm soát dịch bệnh đối với gia cầm cũng không đảm bảo được.
Hiện nay có rất nhiều nguy cơ có thể gây xâm nhiễm hoặc gây bùng phát dịch cúm gia cầm. Ngoài hai vấn đề đã nêu ở trên, còn phải kể đến đó là nguy cơ xâm nhiễm từ gia cầm nhập lậu qua biên giới. Về việc này, tại cuộc họp báo toàn quốc ngày 13/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã chỉ đạo rõ các ngành, các địa phương. Đó là: “Cấm nhập tất cả gia cầm giống, gia cầm chưa qua làm chín, đặc biệt là từ Trung Quốc”. Đối diện với thực tế này, là một tỉnh biên giới, việc đầu tiên Lạng Sơn sẽ phải tăng cường ngăn chặn gia cầm nhập lậu ngay từ biên giới. Thống kê, trong cả năm 2013, các lực lượng chức năng của tỉnh đã bắt giữ và tiêu hủy gần 900 nghìn con gà, vịt giống; gần 13 nghìn kg chim bồ câu; hơn 115 nghìn kg gà thịt, gần 6.000kg vịt thịt… Con số này đã khẳng định sự nỗ lực của các ngành chức năng trong việc ngăn chặn nạn gia cầm nhập lậu. Tuy vậy, tình hình thực tế vẫn rất phức tạp, để ngăn chặn nạn gia cầm nhập lậu làm lây lan dịch bệnh, cùng đó để công tác phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả thì ngành chức năng, chính quyền các địa phương giáp biên giới cần tập trung chỉ đạo từng xã, thôn biên giới, tuyên truyền vận động người dân cam kết không tham gia vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Đồng thời, các địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Cán bộ thú y tiêu hủy gia cầm nhập lậu |
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch cúm gia cầm và dịch H5N1, nhằm phòng tránh dịch cúm A lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế đã có khuyến cáo rất cụ thể. Đó là: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng có văn bản chỉ đạo các địa phương cần cảnh giác trước nguy cơ cao trong việc dịch cúm gia cầm có thể bùng phát và lây lan trên diện rộng.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()