LSO-Bắt đầu từ cửa khẩu Hữu Nghị, đi dọc theo quốc lộ 1A chúng ta vẫn thấy tấm biển xanh đề chữ AH1, đó là chữ viết tắt của cụm từ Asian Highway - đường xuyên Á số 1, đây là tuyến đường bộ dài nhất của hệ thống xa lộ xuyên Á với tổng chiều dài lên tới 20.557 km bắt đầu từ Tokyo, Nhật Bản đi qua 14 nước đến Thổ Nhĩ Kỳ. AH1 là tuyến đường bộ ngoại giao, kinh tế đặc biệt quan trọng của Châu Á, nó nối hai nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 2 thế giới là Nhật Bản và Trung Quốc với khu vực ASEAN đang phát triển rất năng động sang tới quốc gia mới nổi Ấn Độ và vùng Tây Á giàu tiềm năng. Tại buổi hội thảo về thúc đẩy hoạt động XNK giữa Lạng Sơn- Việt Nam và Quảng Tấy - Trung Quốc, một chuyên gia kinh tế của Vụ Thương mại miền núi đã gọi Lạng Sơn là “ngôi nhà mặt tiền” trên tuyến xa lộ xuyên Á, cách gọi này có phần hình ảnh nhưng đúng với vị trí địa chính trị, địa kinh...
LSO-Bắt đầu từ cửa khẩu Hữu Nghị, đi dọc theo quốc lộ 1A chúng ta vẫn thấy tấm biển xanh đề chữ AH1, đó là chữ viết tắt của cụm từ Asian Highway – đường xuyên Á số 1, đây là tuyến đường bộ dài nhất của hệ thống xa lộ xuyên Á với tổng chiều dài lên tới 20.557 km bắt đầu từ Tokyo, Nhật Bản đi qua 14 nước đến Thổ Nhĩ Kỳ. AH1 là tuyến đường bộ ngoại giao, kinh tế đặc biệt quan trọng của Châu Á, nó nối hai nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 2 thế giới là Nhật Bản và Trung Quốc với khu vực ASEAN đang phát triển rất năng động sang tới quốc gia mới nổi Ấn Độ và vùng Tây Á giàu tiềm năng. Tại buổi hội thảo về thúc đẩy hoạt động XNK giữa Lạng Sơn- Việt Nam và Quảng Tấy – Trung Quốc, một chuyên gia kinh tế của Vụ Thương mại miền núi đã gọi Lạng Sơn là “ngôi nhà mặt tiền” trên tuyến xa lộ xuyên Á, cách gọi này có phần hình ảnh nhưng đúng với vị trí địa chính trị, địa kinh tế rất đặc biệt của Lạng Sơn. Năm 2008, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được thành lập đã đem đến cho ngôi nhà mặt tiền Lạng Sơn một diện mạo và tầm vóc mới. Lạng Sơn đang làm tất cả để đón lấy những cơ hội từ quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước, để vươn lên trở thành một “cảng thương mại lớn trên đất liền” xứng tầm kỳ vọng.
Để Lạng Sơn vươn lên xứng tầm kỳ vọng
Với vị trí địa lý địa lý nhiều thuận lợi, từ trước khi Khu kinh tế cửa khẩu được thành lập, Lạng Sơn vẫn được xếp vào một trong những tỉnh có hoạt động giao thương sôi động nhất trên tuyến biên giới Việt – Trung. Tuy nhiên, những thuận lợi ấy chưa thể đủ lực để giúp Lạng Sơn có những bước phát triển vượt bậc, đến nay, Lạng Sơn cơ bản vẫn là một tỉnh nghèo, có xuất phát điểm thấp với nhiều vùng còn đặc biệt khó khăn. Và tại các cuộc họp bàn đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, chúng ta vẫn thường được nghe một câu nói dường như đã trở thành quen thuộc đối với Lạng Sơn: “Sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế”. Câu nói ấy là một thực tế mang theo nhiều trăn trở, nhiều tâm huyết và cả chút nuối tiếc nữa. Vào những thời điểm như thế, ai cũng mong muốn Lạng Sơn có được một nguồn lực đủ mạnh để khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng, tạo bước đột phá đi lên. Năm 2008, vận hội đến với Lạng Sơn khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Với diện tích 394km2, Khu kinh tế cửa khẩu bao gồm toàn bộ thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng, thị trấn Cao Lộc và một số xã của huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Văn Quan và huyện Chi Lăng. Với mục tiêu là xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn trở thành vùng kinh tế động lực, phát triển đô thị, công nghiệp thương mại và dịch vụ, cùng với sự phát triển của Khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để sau năm 2010 phát triển thành trục tứ giác kinh tế trong điểm Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; giữ vai trò trọng yếu là đầu mối giao lưu quan trọng của tuyến hành lang kinh tế và vành đai kinh tế ven vịnh Bắc Bộ. Đối với riêng Lạng Sơn, Khu kinh tế cửa khẩu sau khi đi vào hoạt động sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đóng góp vào GDP chung của tỉnh, nâng cao một bước thu nhập bình quân đầu người trong những năm tới, góp phần xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện và hiện đại hơn, tạo ra hàng vạn công ăn việc làm mới. Đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu tuy có ranh giới địa lý được xác định cụ thể, có không gian kinh tế riêng biệt nhưng được xây dựng theo mô hình và hướng mở nên có tác dụng là động lực để các vùng phụ cận triển mạnh trong đó có nhiều địa phương còn nhiều khó khăn, tạo ra sức lan toả rộng khắp, đưa nền kinh tế toàn tỉnh bứt phá vươn lên.
Có thể đến nay, sau gần 2 năm thành lập, nhiều người vẫn chưa cảm nhận rõ vai trò của Khu kinh tế cửa khẩu đối với tỉnh, thậm chí đang sống trong không gian của Khu kinh tế cửa khẩu mà không biết. Tuy nhiên, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn là dự án được xây dựng trên cơ sở tầm nhìn dài hạn và tiến trình xây dựng Khu kinh tế không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai. Theo dõi tiến trình ấy, có thể nhận thấy Khu kinh tế đang có những bước chuyển rất mạnh mẽ từ công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, phân kỳ thực hiện cụ thể từng giai đoạn đến việc khởi động một số dự án quan trọng. Với việc kêu gọi nguồn lực đầu tư từ nay đến năm 2020 lên đến trên 66 nghìn tỉ đồng, Lạng Sơn đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều ưu đãi mang tính đặc thù dành riêng cho Khu kinh tế cửa khẩu để thu hút các nhà đầu tư, biến Lạng Sơn trở thành một “ mảnh đất lành đối với các nhà đầu tư” như kỳ vọng của Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn tháng 5 năm 2009. Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn là dự án nhận được nhiều sự quan tâm của Trung ương. Từ năm 2008 đến nay, Lạng Sơn đã vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đến thăm và làm việc tại tỉnh. Qua mỗi chuyến thăm, các đồng chí lãnh đạo đều bày tỏ những kỳ vọng vọng sự phát triển của Lạng Sơn và Khu kinh tế cửa khẩu, bởi Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được xây dựng thành công, đưa vào vận hành đạt hiệu quả cao không chỉ tạo đột phá cho tỉnh mà còn là sự khẳng định tính đúng đắn của chủ trương xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu dọc tuyến biên giới Việt – Trung, là động lực phát triển của cả vùng và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nay, tiến trình xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu gặp hai thách thức lớn nhất là nguồn vốn và nguồn nhân lực, giải quyết được hai vấn đề trên, Khu kinh tế cửa khẩu sẽ đạt được tiến độ xây dựng như đã đề ra theo phân kỳ. Mỗi giai đoạn đòi hỏi phương pháp và cách làm khác nhau tuỳ theo tình hình thực tế, tuy nhiên có một điều mà mọi giai đoạn, mọi tầm nhìn đều hướng tới đó là việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất cao trong các cấp ngành và phát huy tối đa sự đồng thuận của nhân dân trong tiến trình xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu. Sau gần 2 năm thành lập, việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu đã có những nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh, có quyết định ưu đãi đầu tư mang tính đặc thù của UBND tỉnh và có Ban Quản lý riêng do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban. Tất cả những yếu tố đó đã thể hiện rõ nét quyết tâm của tỉnh trong tiến trình xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu từ khâu chỉ đạo điều hành, xây dựng cơ chế chính sách đến công tác triển khai thực tiễn.
Có thể nói chưa bao giờ Lạng Sơn đứng trước nhiều cơ hội để bứt phá vươn lên như hiện nay, từ bối cảnh chung của đất nước và quốc tế đến những vận hội mới dành riêng cho tỉnh. Cũng giống như việc nằm trên tuyến xa lộ xuyên Á – AH1, Lạng Sơn đã và đang tích cực vận động theo dòng chảy của con đường hội nhập. Vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội, khai thác tốt tiềm năng lợi thế, trong tương lại không xa, Lạng Sơn sẽ thực sự chuyển mình để trở thành “cảng thương mại lớn trên đất liền” đúng nghĩa, xứng tầm với những kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho tỉnh.
Mai Hoa - Trúc Lam
Ý kiến ()