LSO-Trong lịch sử những năm kháng chiến chống Mỹ, Lạng Sơn là một “cảng nổi” cung cấp lương thực, vũ khí, khí tài cho cuộc kháng chiến thần kỳ của cả dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới, Lạng Sơn tiếp tục giữ vai trò quan trọng, trở thành cửa ngõ giao thương giữa hai nước Việt - Trung. Quá trình chuyển đổi của Lạng Sơn từ một “cảng nổi” trong chiến tranh trở thành “cảng thương mại” trong hội nhập mang những dấu ấn sâu đậm của quan hệ hợp tác Việt - Trung. Năm 2010, kim ngạch mậu dịch hai nước được dự báo sẽ đạt 25 tỉ USD, trong đó riêng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn Lạng Sơn vào khoảng 2 tỉ USD, chiếm gần 1/10. Con số trên cho thấy sự phát triển của ngoại thương Việt Nam và vị thế của Lạng Sơn trong sự phát triển ấy. Năm 2008, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được thành lập đã nâng vị thế của Lạng Sơn lên một tầm cao mới. Tiềm năng, lợi thế, cơ hội đã được khẳng định, bài toán hiện nay chính là làm...
LSO-Trong lịch sử những năm kháng chiến chống Mỹ, Lạng Sơn là một “cảng nổi” cung cấp lương thực, vũ khí, khí tài cho cuộc kháng chiến thần kỳ của cả dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới, Lạng Sơn tiếp tục giữ vai trò quan trọng, trở thành cửa ngõ giao thương giữa hai nước Việt – Trung. Quá trình chuyển đổi của Lạng Sơn từ một “cảng nổi” trong chiến tranh trở thành “cảng thương mại” trong hội nhập mang những dấu ấn sâu đậm của quan hệ hợp tác Việt – Trung.
Năm 2010, kim ngạch mậu dịch hai nước được dự báo sẽ đạt 25 tỉ USD, trong đó riêng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn Lạng Sơn vào khoảng 2 tỉ USD, chiếm gần 1/10. Con số trên cho thấy sự phát triển của ngoại thương Việt Nam và vị thế của Lạng Sơn trong sự phát triển ấy. Năm 2008, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được thành lập đã nâng vị thế của Lạng Sơn lên một tầm cao mới. Tiềm năng, lợi thế, cơ hội đã được khẳng định, bài toán hiện nay chính là làm sao để phát huy mạnh mẽ tiềm năng, khai thác tối đa lợi thế và nắm bắt tốt cơ hội. Có được những yếu tố ấy, Lạng Sơn sẽ thực sự trở thành “Cảng thương mại lớn trên đất liền” chứ không phải là một tên gọi mang tính “mệnh danh” nữa.
Nhân “Năm hữu nghị Việt – Trung 2010”, Báo Lạng Sơn xin giới thiệu một số bài viết nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin đa chiều xoay quanh vấn đề trên.
Bài 1: Bức tranh toàn cảnh thương mại Việt Nam – Trung Quốc
Sau gần 20 năm khôi phục và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc có những bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Năm 2009, kim ngạch mậu dịch song phương đã tăng gấp 566 lần so với năm 1991, năm đầu tiên hai nước nối lại quan hệ thương mại. Năm 2009, mặc dù ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn tới kim ngạch thương mại của Việt Nam với các nước đều suy giảm, nhưng duy nhất chỉ có quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc vẫn giữ được mức tăng trưởng đáng khích lệ là 5,8%. Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam (đứng đầu về nhập khẩu và thứ 3 về xuất khẩu). Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2010, kim ngạch mậu dịch hai nước đã đạt xấp xỉ 16,56 tỉ USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, đã có đầy đủ cơ sở để khẳng định kim ngạch mậu dịch hai nước cả năm 2010 sẽ đạt mốc 25 tỉ USD, hoàn thành mục tiêu do lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra. Phương thức buôn bán ngày càng phong phú, trước năm 2000, kim ngạch mậu dịch chủ yếu thông qua buôn bán biên giới, từ năm 2001 đến nay, buôn bán chính ngạch với các loại hình mậu dịch tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, gia công, quá cảnh… đã chiếm vị trí chủ đạo, tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng và tính bổ sung lẫn nhau giữa hai nền kinh tế. Cơ cấu hàng hoá hàng hoá trao đổi đã có những thay đổi cơ bản về chúng loại và quy mô, phản ánh đúng trình độ và thực lực kinh tế của mỗi nước. Trước năm 2000, trên 80 % hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng tiêu dùng và trên 85% hàng xuất sang Trung Quốc là hàng tài nguyên khoáng sản, nguyên, nhiên liệu. Sau năm 2000 đến nay, 85% kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng nguyên, nhiên liệu, phụ liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước và gia công xuất khẩu. Ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trên 80% kim ngạch là khoáng sản, hàng nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, sản phẩm gia công…
|
Hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung tại Lạng Sơn – một sự kiện nhân năm “Hữu nghị Việt Trung năm 2010” |
Trung Quốc, một thị trường rộng lớn với hơn 1,3 tỉ dân, với tổng GDP năm 2009 đạt gần 5000 tỉ USD, tháng 8/2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Việt nam có lợi thế rất lớn khi là quốc gia có vị trí địa lý láng giềng với Trung Quốc. Nếu tận dụng được lợi thế này, các doanh nghiệp Việt Nam cung như doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có cơ hội lớn khi hợp tác trên các lĩnh vực không chỉ là thương mại mà còn có cả đầu tư, du lịch, khoa học kỹ thuật, giáo dục… cùng mang nhiều lợi ích cho cả hai bên. Bên cạnh đó, cơ cấu ngoại thương hai nước lại có tính bổ trợ lẫn nhau, đặc biệt là các tỉnh phía Đông và phía nam Trung Quốc có vị trí địa lý gần với Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam luôn coi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trong hàng đầu hiện tại và trong tương lai. Về xuất khẩu, có thể thấy thị trường Trung Quốc đóng vai trò ngày một to lớn trong ngoại thương của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 8,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (đứng thứ 3, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản). Mặc dù vây kim ngạch xuất khẩu này chỉ chiếm chưa đầy 0,48% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc (năm 2009). Điều đó cho thấy tiềm năng của thị trường Trung Quốc cũng như không gian cho hàng xuất khẩu của Việt Nam là vô cùng to lớn.Với lợi thế về địa lý, hàng hoá Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu sang thị trường này trước hết là ở các địa phương gần với Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông sau đó là các tỉnh xa hơn, bao gồm cả khu vực phía Tây và Tây Nam Trung Quốc. Về nhập khẩu, trong các thị trường trên thế giới, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là lớn nhất. Có thể nói thị trường Trung Quốc hiện nay vẫn đóng vai trò quan trọng, góp phần nhất định trong công cuộc hiện đại hoá cũng như phát triển kinh tế chung của Việt Nam. Trong suốt những năm qua, thị trường Trung Quốc đã là đối tác chính trong việc cung cấp những nguyên vật liệu, nhiên liệu và hàng hoá thiết yếu cho các mắt xích sản xuất hàng hoá và nâng cao giá trị của hàng hoá Việt Nam. Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước trong giai đoạn 2011 – 2015 đang đứng trước triển vọng tiếp tục phát triển tốt đẹp và nâng lên tầm cao mới, phù hợp với quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Trung Quốc bởi nhiều nhân tố quan trọng. Trong đó, Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 với việc trên 6000 sản phẩm chiếm trên 90% danh mục trao đổi hàng hoá giữa 2 nước có thuế xuất từ 0% – 5%. Việc đó tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng quy mô, khối lượng hàng hoá của mỗi nước. Dự án hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa hai nước nằm trong trục hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore đang được khởi động mạnh mẽ và dần trở thành hiện thực, nối thông hai thị trường lớn là Trung Quốc – ASEAN qua cửa ngõ Việt Nam, thúc đẩy trao đổi mậu dịch giữa hai nước và giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, góp phần phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ và thu hút đầu tư từ Trung Quốc cũng như từ các nước trong và ngoài khu vực. Các chính sách ưu đãi của Việt Nam đã khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Trung Quốc để đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị gia tăng. Các khu công nghiệp như Long Giang (Tiền Giang), Khu công nghiệp Việt – Thâm (Hải Phòng) đang tạo ra sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư Trung Quốc khai thác các tiềm năng về lao động, tài nguyên còn rất phong phú góp phần tăng nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác.
Đặc biệt, qua các chuyến thăm song phương, hai nước đã tiếp tục khẳng định quyết tâm đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại ổn định và phát triển, đồng thời, hai bên cũng cam kết phối hợp chặt chẽ đưa quan hệ mậu dịch biên giới phát triển mạnh mẽ thông qua các cơ chế phối hợp đa chiều, nhiều cấp. Với những điều kiện thuận lợi nêu trên, cùng với tiềm năng, tính bổ sung lẫn nhau giữ hai nước còn rất lớn và phong phú, cơ hội đang thực sự rộng mở cho doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực hợp tác, đầu tư, thương mại song phương và khu vực. Hy vọng các doanh nghiệp hai nước sẽ chủ động nắm bắt thời cơ quý giá này, cùng hợp tác xây dựng mối quan hệ bạn hàng, đối tác lâu dài trên cơ sở cùng có lợi vì sự thành đạt của doanh nghiệp và phồn vinh của hai nước.
Mai Hoa - Trúc Lam
Ý kiến ()