Lạng Sơn cần tiếp tục chủ động triển khai biện pháp phòng chống thiên tai
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lạng Sơn báo cáo công tác triển khai PCTT&TKCN của tỉnh tại buổi làm việc
– Chiều 18/7, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai do ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Khí tượng thủy văn, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai làm trưởng đoàn làm việc trực tuyến với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh. Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lạng Sơn chủ trì buổi làm việc với đoàn kiểm tra.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lạng Sơn, năm 2022, trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi các đợt thiên tai như: rét đậm, rét hại; mưa lớn, giông lốc và nắng nóng gay gắt. Đặc biệt trong các ngày từ 10/5 đến 12/5/2022, mưa lớn trên diện rộng đã gây một số thiệt hại về tài sản, tổng thiệt hại ước tính trên 710 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Lạng Sơn chịu ảnh hưởng của các dạng hình thái thiên tai như: rét đậm, rét hại, mưa lũ. Trong đó điển hình là đợt mưa lớn vào cuối tháng 6 đã gây ra lũ trên các sông chính trên địa bàn tỉnh. Thiên tai đã gây ra thiệt hại về người, tài sản, ước tính thiệt hại trên 8,3 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và lực lượng quân đội đóng trên địa bàn huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, ổn cuộc sống. Tổng nguồn lực huy động hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai (từ nguồn ngân sách tỉnh, hỗ trợ từ Trung ương, Quỹ Phòng chống thiên tai, nguồn từ các tổ chức xã hội…) hơn 56,3 tỷ đồng.
Trong năm 2022, cũng như 6 tháng đầu năm 2023, căn cứ vào tình hình thực tế, bám sát sự chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT – cơ quan thường trực phòng chống thiên tai chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng, triển khai kế hoạch và phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro; triển khai thực hiện duy tu, bảo dưỡng, thi công một số công trình phục vụ phòng chống thiên tai… Cùng đó, phương châm “bốn tại chỗ” ở địa phương được triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, tổng số người tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai là 12.036 người.
Trong chương trình làm việc, đại diện các sở, ngành của tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương cho tỉnh để thực hiện gia cố khẩn cấp 6 khu vực sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm; hỗ trợ kinh phí tổ chức thực hiện “Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”; tiếp tục quan tâm bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; xem xét có cơ chế phù hợp, bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện các nội dung trong quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về công tác phòng chống thiên tai của tỉnh Lạng Sơn; đề xuất một số giải pháp nhằm triển khai công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.
Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn kiểm tra đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn trong việc xây dựng, thực hiện các kế hoạch và triển khai công tác PCTT&TKCN trong thời gian qua.
Thời gian tới, Lạng Sơn cần tiếp tục chủ động triển khai biện pháp phòng chống thiên tai; chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả khi có thiên tai gây ra; tăng cường công tác diễn tập ứng phó sự cố phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Cùng với đó, tập trung rà soát, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; tiếp tục bố trí kinh phí để xây dựng và cải tạo, xử lý các vị trí bờ sông nguy cơ sạt lở cao…
Đối với những kiến nghị của tỉnh, trưởng đoàn kiểm tra ghi nhận, tổng hợp để báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành liên quan.
Ý kiến ()