Lạng Sơn: 5 năm liên tục giảm tai nạn giao thông
LSO - Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông luôn giảm cả 3 tiêu chí từ 5 – 10%. Có được kết quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc làm tốt nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT.
Cảnh sát giao thông hướng dẫn người dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn
Năm 2009, toàn tỉnh xảy ra 170 vụ tai nạn giao thông làm chết 139 người, bị thương 188 người; năm 2012, tai nạn giảm xuống còn 107 vụ; làm 93 người chết, 76 người bị thường. Trong 11 tháng của năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 71 vụ tai nạn, làm 66 người chết, 41 người bị thương. Với những kết quả đó, Lạng Sơn luôn là tỉnh đứng trong danh sách các địa phương giảm mạnh về tai nạn giao thông và thường xuyên được tuyên dương tại các hội nghị của Ban ATGT quốc gia. Năm 2012, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 18 – CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Thực hiện chương trình hành động, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo, lãnh đạo xã ký cam kết với huyện, tổ chức cho lãnh đạo huyện ký với Chủ tịch UBND tỉnh về giảm thiểu tai nạn giao thông.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Nếu địa phương nào để xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước cấp trên. Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố kiện toàn Ban ATGT cấp xã, tổ chức các hội nghị hướng dẫn cách tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật về ATGT, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Lực lượng chức năng là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an xã cũng được huy động phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở, tuần tra đảm bảo ATGT tại các xã, thị trấn. Xác định nâng cao nhận thức cho người dân là yếu tố quan trọng góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng, đặc biệt là đối với người điều khiển phương tiện. Không dừng lại ở một số hình thức, nội dung đơn điệu mà công tác tuyên truyền thường xuyên được đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể như sân khấu hóa, hội thi tìm hiểu, phát tờ rơi, xuống đường tuần hành… Mỗi năm, toàn tỉnh đều cấp phát gần 20.000 tờ rơi, tổ chức các buổi tuyên truyền cho hơn 12.000 lượt người.
Cảnh báo cho những lái xe chạy quá tốc độ, Ban ATGT tỉnh đã bố trí một số biển báo “đoạn đường thường xuyên kiểm soát tốc độ xe” tại những nơi có nguy cơ tai nạn cao để lái xe chú ý giảm tốc độ, đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông. Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh cũng được bố trí rất nhiều trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Song song với tuyên truyền thì công tác quản lý nhà nước về phương tiện được đặc biệt chú trọng. Ban ATGT tỉnh đã phối hợp tổ chức kiểm tra sức khỏe cho lái xe tại các đơn vị kinh doanh vận tải khách và vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể như năm 2014, đã có 820 lái xe được khám sức khỏe, qua đó đã phát hiện 1 trường hợp dương tính với ma túy, 2 lái xe không đảm bảo sức khỏe. Lực lượng thanh tra giao thông, Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức kiểm tra điều kiện kinh doanh tại 100% doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải khách trên địa bàn toàn tỉnh. Tại các bến xe, lực lượng thanh tra giao thông, đăng kiểm viên được bố trí để kiểm tra mức độ an toàn của các phương tiện vận tải khách. Những phương tiện không đảm bảo an toàn sẽ không được xuất bến, vì vậy đã nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với sự an toàn của hành khách.
Cùng với đó, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cũng được chú trọng, bên cạnh 5 trạm cân cố định, Ban ATGT còn trang bị thêm 6 cân xách tay để kiểm soát tải trọng các phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông qua địa bàn. Từ 2013 đến nay, ngành chức năng đã thực hiện cân trọng tải đối với 11.400 phương tiện, phát hiện, xử lý hơn 400 trường hợp quá tải trọng cho phép. Công tác bảo trì đường bộ thường xuyên được triển khai. Hàng năm, toàn tỉnh sửa chữa gần 400 km đường tại 5 tuyến quốc lộ; hơn 900 km đường tỉnh và đường đô thị.
Hệ thống thoát nước 2 bên đường được đầu tư xây dựng tại các tuyến quốc lộ nhằm ngăn chặn sự phá hủy của nước đối với đường giao thông. Mở mới hơn 70 km đường giao thông liên thôn, liên xã, làm gần 200 km đường bê tông xi măng; nhiều tuyến đường được đầu tư nâng cấp, bổ sung thiết bị ATGT, giải tỏa hành lang an toàn đường bộ… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người dân, nâng cấp hệ thống đường giao thông thì công tác tuần tra kiểm soát là quan trọng nhất.
Đại tá Nguyễn Minh Thanh, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: trước đây, mỗi ngày, lực lượng chức năng chỉ bố trí 2 đến 3 ca, nhưng đến nay, số ca tuần tra kiểm soát được tăng lên 7 ca/ngày. Đảm bảo các tuyến giao thông trọng điểm đều có mặt cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát 24/24 giờ suốt 7 ngày trong tuần, công tác tuần lưu khép kín địa bàn. Xác định khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn là các tuyến quốc lộ có lưu lượng phương tiện cao, nhất là quốc lộ 1A, cảnh sát giao thông lập chốt, tổ chức tuần tra, kiểm soát trong những thời điểm thường hay xảy ra tai nạn. Trong khoảng thời gian từ 15 giờ – 23 giờ hàng ngày, riêng trên quốc lộ 1A đều có 6 xe tuần tra của lực lượng chức năng.
Cùng với đó, lực lượng này cũng thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm xử lý vi phạm theo từng chuyên đề. Vì vậy, đã góp phần chấn chỉnh lại thái độ làm việc cũng như ý thức chấp hành của các lái xe. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, cách làm mới để giảm thiểu tai nạn giao thông từ 5 – 10%. Tin rằng, với những biện pháp quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong thời gian tới, tai nạn giao thông sẽ tiếp tục giảm sâu, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho người dân đi lại, giao lưu.
Bài, ảnh: Hoàng Vương
Ý kiến ()