Lãng phí vắc xin cũng là... thảm họa
Trong khi một số nước giàu tiêu hủy hàng triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 vì hết hạn sử dụng thì hàng triệu bệnh nhân Covid-19 ở các quốc gia nghèo nhất có thể mất đi mạng sống của mình vì chưa được tiêm vắc xin.
Mới đây, Sở Y tế công cộng bang California(Mỹ) ước tính đã phải hủy bỏ gần 645.000 liều vắc xin do hết hạn sử dụng, bị hỏng hoặc bảo quản không đúng cách.
Con số trên tương đương hơn 1% trong tổng số 58 triệu liều vắc xin mà bang này được cấp kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào cuối năm 2020.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trung bình các bang của nước này tiêu hủy khoảng 4,8% số vắc xin hiện có.
Thậm chí, Hãng tin NBC News còn trích dẫn số liệu cho biết, nước Mỹ đã “ném qua cửa sổ” ít nhất 15 triệu liều vắc xin vì những nguyên nhân trên chỉ từ đầu tháng 3 đến hết tháng 8 vừa qua.
Không riêng ở Mỹ, lãng phí vắc xin ngừa Covid-19 còn xuất hiện ở nhiều nước phát triển khác trên thế giới. Một thống kê của Công ty phân tích dữ liệu Airfinity (Anh) cho thấy, khoảng 100 triệu liều vắc xin mà các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) mua sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Đây là con số ước tính sau khi trừ đi lượng vắc xin mà các nước này dự kiến tiêm tăng cường mũi thứ ba cho người dân.
Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown gần đây đã dùng cụm từ “thảm họa lãng phí vắc xin” để mô tả tình trạng này giữa lúc hàng triệu bệnh nhân Covid-19 ở các quốc gia nghèo nhất có thể mất đi chính mạng sống của mình vì chưa được tiêm vắc xin.
Thực tế, trong bất kỳ chiến dịch tiêm chủng nào từ trước đến nay, việc vắc xin bị vứt bỏ vì quá hạn mà chưa dùng hết là không có gì lạ. Tuy nhiên, những câu chuyện trên một lần nữa làm “dậy sóng” vấn đề tiếp cận công bằng và chia sẻ vắc xin ngừa Covid-19.
Tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân tại một bệnh viện ở thủ đô Accra (Ghana). Ảnh: Reuters |
Gần một năm triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vắc xin ngừa Covid-19, các nước đã đạt được những thành tựu nhất định trong cuộc chiến chống cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
Số liệu từ trang thống kê Our World in Data tính đến ngày 13-11 cho thấy, đã có khoảng 7,4 tỷ liều vắc xin được cung cấp, sử dụng trong các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu với hơn 51% dân số thế giới được tiêm ít nhất một mũi.
Dù vậy, nhìn vào kết quả cụ thể, tốc độ tiêm chủng lại không đồng đều giữa các quốc gia. Trong khi các nước có thu nhập cao và trung bình đã đạt được nhiều tiến triển, thì chỉ vỏn vẹn 4,5% người dân ở các nước có thu nhập thấp được tiêm chủng ít nhất một mũi.
Một trong những lý do chính dẫn tới tình trạng trên là các nước giàu đã mua và dự trữ quá nhiều vắc xin ngừa Covid-19.
Thống kê của Viện Y tế toàn cầu Duke (Mỹ), các nước giàu chiếm 16% dân số thế giới đã mua tới 60% nguồn cung cấp vắc xin trên thế giới.
Cá biệt, có những quốc gia còn đặt mua số lượng vắc xin gấp nhiều lần dân số của nước mình. Tại Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới diễn ra ở Berlin (Đức) vào tháng trước, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và lãnh đạo các nước đã nhấn mạnh rằng “chủ nghĩa dân tộc về vắc xin và việc tích trữ vắc xin sẽ khiến tất cả thế giới gặp rủi ro”.
Nhiều nước đã khuyến khích người dân đi tiêm chủng, thúc đẩy tiêm mũi tăng cường, kéo dài thời hạn sử dụng vắc xin hay tiến hành hoán đổi vắc xin với nhau-tức là quốc gia đang thiếu hụt mượn tạm vắc xin của nước đang thừa và sẽ trả sau…
Tuy nhiên, những biện pháp như vậy là không đủ để “cứu” hàng triệu liều vắc xin khỏi nguy cơ bị vứt bỏ vì sắp hết hạn.
Các công ty đang trên đà sản xuất 12,2 tỷ liều vắc xin vào cuối năm nay, đủ để tiêm hai mũi cho toàn bộ dân số thế giới trên 12 tuổi.
Tuy nhiên, Nikkei Asia Review tiết lộ, phần lớn số vắc xin này đã được cam kết cung cấp cho các nước phát triển. Cũng theo số liệu của Airfinity, các nước giàu có thể tồn kho tới 1,2 tỷ liều vắc xin vào cuối năm nay, ngay cả khi tiêm mũi tăng cường cho người dân.
Tới nay, Cơ chế COVAX đã phân phối hơn 300 triệu liều vắc xin, chủ yếu do các nước phát triển cung cấp, cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, con số trên còn cách rất xa so với mục tiêu 1,4 tỷ liều trong năm 2021 mà sáng kiến này đặt ra.
Chính thực trạng nơi thừa, chỗ thiếu vắc xin ngừa Covid-19 như hiện nay sẽ khiến đại dịch kéo dài thêm và tăng nguy cơ xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Lời cảnh báo “không quốc gia nào có thể chấm dứt dịch bệnh khi tự cô lập với phần còn lại của thế giới” dù được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần nhưng vẫn không hề mất đi tính thời sự.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()