Lãng phí nguồn nhân lực trong đào tạo tại Ninh Thuận
Thừa thầy, thiếu sinh viên
Tháng 10-2000, Trường Sư phạm Ninh Thuận được nâng lên thành Trường CĐSP Ninh Thuận với cơ sở hạ tầng được đầu tư khá chuẩn, đủ phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm cho các khoa tự nhiên, xã hội và tiểu học, mầm non; ký túc xá… Toàn trường hiện có 85 biên chế, trong đó ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ giảng dạy có 62 người, gồm: một tiến sĩ, một nghiên cứu sinh, 21 thạc sĩ, bốn người đang học thạc sĩ; số còn lại là cử nhân. Với các điều kiện như trên, mỗi năm nhà trường có khả năng tuyển và đào tạo hơn một nghìn sinh viên (bao gồm sinh viên ngoài hệ sư phạm) và đủ điều kiện liên kết với các trường đại học ngoài tỉnh để đào tạo các ngành khác. Nhưng thực tế nhiều năm qua, nhà trường không phát huy được những gì mình mong muốn. Nguyên nhân, do bị khống chế tuyển sinh đầu vào để đào tạo ngành sư phạm quá ít và chưa được mở rộng đào tạo đa ngành.
Phó hiệu trưởng Trường CĐSP Ninh Thuận, tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết: Hiện tại, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cho phép đào tạo hệ chính quy 15 ngành sư phạm và hai ngành ngoài sư phạm có trình độ CĐSP. Tuy nhiên, quy mô đào tạo ngành sư phạm ngày càng giảm, do nguồn giáo viên bậc mầm non, tiểu học, THCS ở Ninh Thuận đã đạt đến mức bão hòa”.
Năm học 2001-2002 toàn trường có 1.080 học sinh, sinh viên (HS, SV) học tập, nhưng trong năm 2011-2012 chỉ có 475 HS, SV, trong đó có 90 HS, SV mới tuyển theo học ngành sư phạm. Nhiều năm qua, hoạt động chủ yếu của nhà trường là đào tạo giáo viên ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS, nhưng những năm gần đây, do nhu cầu đào tạo giáo viên ở địa phương không còn nhiều, cho nên có năm nhà trường chỉ được tuyển 40 sinh viên ngành sư phạm. Điều đáng lưu ý ở đây là kinh phí tỉnh cấp cho nhà trường hoạt động hằng năm thì lại dựa trên số sinh viên được tuyển theo chỉ tiêu đặt ra, cho nên nhà trường luôn thiếu kinh phí. Đơn cử như trong năm học 2012, kinh phí cấp cho nhà trường gần ba tỷ 500 triệu đồng (bình quân 11 triệu 500 nghìn đồng/SV/năm), không đủ để trả lương cho cán bộ, giảng viên và trang trải các khoản khác. Nhiều giảng viên làm việc riêng nhiều hơn đứng lớp; các phòng thí nghiệm, thực hành phải đóng cửa vì không có sinh viên học tập; nhiều đồ dùng học tập bị xếp “xó” lâu ngày đã rỉ sét, hư hỏng.
Trăn trở với nghề
Thạc sĩ Nguyễn Văn Phượng – giảng viên của trường bộc bạch: Mỗi năm tôi chỉ đứng lớp 15 giờ nên buồn lắm. Niềm vui được truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ ngày càng lịm dần vì “thiếu đất dụng võ”. Nhiều năm qua, tôi là người nội trợ chính của gia đình, vì thời gian thay vợ nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp, quán xuyến mọi việc trong nhà nhiều hơn đến trường. Hiện tại, tôi và nhiều đồng nghiệp không biết làm thế nào để được cống hiến kiến thức mình đang có, để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại phòng thí nghiệm hóa, thạc sĩ Nguyễn Thị Nga, Trưởng khoa Tự nhiên, nói: 15 năm không có sinh viên theo học chuyên ngành hóa, cho nên dụng cụ, hóa chất do nhà trường mua sắm cũng như của dự án Việt-Bỉ tài trợ cho sinh viên thực hành phải cất vào kho, lãng phí vô cùng.
Hiện tại, số lượng giảng viên có trình độ sau đại học đang công tác tại đây chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn ngành giáo dục và đào tạo Ninh Thuận. Trước thực trạng chất xám bị lãng phí năm 2008-2009, đơn vị có đề án kiến nghị tỉnh cho phép mở rộng việc đào tạo đa ngành như tỉnh Bình Thuận… nhưng không được phê duyệt. Sau đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận, nhà trường được tuyển sinh theo chỉ tiêu của Sở GD và ĐT để đào tạo liên thông trình độ đại học, cao đẳng. Đến nay, đã và đang đào tạo gần một nghìn học viên, nhưng chủ yếu đối tượng được đào tạo là cán bộ giáo viên, công chức, viên chức, trong tỉnh học tập theo hình thức chuẩn hóa, do vậy chưa xứng tầm với nguồn lực chất xám của trường.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Nhiều năm qua, nhà trường đã tạm ngừng đào tạo giáo viên các cấp tiểu học, THCS; các bộ môn khoa học cơ bản. Hiện tại, chỉ đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên THCS theo học các môn, như: âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất và công nghệ.
Cần mở rộng đào tạo đa ngành
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, cho biết: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhà trường cũng vừa hoàn thành đề án về “Chiến lược phát triển Trường CĐSP Ninh Thuận giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến 2020”. Mục tiêu của nhà trường là xây dựng mô hình trường cao đẳng đa ngành để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội.
Hiện tại, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực tại Ninh Thuận khá cao, nhưng số lao động qua đào tạo lại rất thấp (chiếm 25% so với dân số trong độ tuổi lao động). Tỉnh đang thiếu hụt rất lớn nguồn cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2020 là tập trung ưu tiên phát triển sáu nhóm ngành, gồm: năng lượng, du lịch, nông lâm, thủy sản và kinh doanh bất động sản. Phấn đấu đến năm 2020, sáu nhóm ngành này sẽ đóng góp 91% GDP và giải quyết việc làm cho 85% số lao động toàn tỉnh.
Để đạt mục tiêu đề ra, thiết nghĩ, UBND tỉnh Ninh Thuận sớm quan tâm cho Trường CĐSP Ninh Thuận mở rộng quy mô đào tạo đa ngành, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Có như vậy, mới khắc phục được tình trạng lãng phí nguồn lực chất xám trong đội ngũ giảng dạy của nhà trường; đồng thời chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh mới đạt hiệu quả trong tương lai.
Ý kiến ()