Lãng phí lượng vật liệu san lấp lớn tại Thái Nguyên
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều mỏ khai thác khoáng sản, lượng đất đá thải trong quá trình khai thác là rất lớn, nhưng không được tận dụng để làm vật liệu san lấp mà phải vận chuyển về bãi thải đổ cao như núi rất tốn kém, chiếm nhiều đất, ô nhiễm môi trường.
Mặc dù đã được bố trí hai bãi thải rộng khoảng 200ha ở xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên, nhưng đến nay Công ty Than Khánh Hòa gần như không còn chỗ để đổ thải. Những năm vừa qua, hai bãi thải mỏ than Khánh Hòa đã được đổ cao như núi, không thể đổ cao hơn nên phải mở rộng bãi thải theo quy hoạch.
Để giải phóng mặt bằng mở rộng bãi thải, việc bồi thường đất đai, tài sản trên đất cho người dân, xây dựng khu tái định cư là rất tốn kém. Phó Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa Vũ Thành Hưng cho biết: “Để khai thác một tấn than, công ty phải bóc dỡ, vận chuyển hơn 10m3 đất đá thải lên chứa ở bãi thải. Bãi thải ngày càng cao, chi phí hằng năm để chống sạt lở, bụi là không nhỏ”.
Đất đá thải trong quá trình khai thác than hoàn toàn có thể sử dụng để làm vật liệu san lấp đường giao thông, khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị. Khai thác than tại mỏ Khánh Hòa, mỗi năm phát sinh khoảng 4,5 triệu m3 đất đá thải, đến nay trữ lượng đất đá thải tại hai bãi thải mỏ than Khánh Hòa lên đến hàng trăm triệu m3, lớn hơn cả chục mỏ đất trên địa bàn.
Mỏ sắt Tiến Bộ rộng 230ha, trong đó có 44ha được dùng làm bãi thải. Hằng ngày, Mỏ than Tiến Bộ duy trì khoảng 30 ô-tô cỡ lớn vận chuyển đất đá thải trên quãng đường gần 2km, mỗi tháng vận chuyển khoảng 30 nghìn m3 ra bãi thải, hiện nay bãi thải đã chứa khoảng 4 triệu m3 đất đá sau hơn 10 năm khai thác.
Giám đốc Mỏ sắt Tiến Bộ Trịnh Thanh Hà chia sẻ: “Chất thải trong quá trình khai thác mỏ sắt Tiến Bộ chủ yếu là đất, có thể sử dụng làm vật liệu san lấp, nhưng phải chở đến chứa tại bãi thải. Mặt khác, bãi thải chiếm diện tích đất rất lớn, bằng diện tích một cụm công nghiệp, việc bảo vệ bãi thải để không gây ảnh hưởng đến môi trường chung quanh với chi phí lớn là sự lãng phí về nhiều mặt”.
Thời gian qua tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiều dự án giao thông, xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, lượng đất làm vật liệu san lấp bị thiếu rất lớn; trong khi đó đất đá thải từ khai thác khoáng sản hoàn toàn có thể sử dụng làm vật liệu san lấp thì lại không được sử dụng, là nghịch lý và là sự lãng phí lớn về tài nguyên.
Qua lấy mẫu phân tích, giám định, đất đá thải mỏ sắt Tiến Bộ đủ tiêu chuẩn làm vật liệu san lấp. Gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã đồng ý về chủ trương sử dụng đất đá thải từ mỏ sắt Tiến Bộ để làm vật liệu san lấp, các cơ quan chức năng ở địa phương đang báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định.
Dư luận xã hội, cơ quan chức năng, các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hy vọng đất đá thải khai thác khoáng sản được sử dụng làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng sẽ không chỉ khắc phục tình trạng lãng phí lượng tài nguyên rất lớn mà còn góp phần bảo vệ môi trường, không phải dành diện tích đất lớn để làm bãi thải, giải quyết nhiều việc làm và ngân sách thu được thuế, phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ý kiến ()