Lãng phí lớn từ khu tái định cư bị bỏ hoang
Khu tái định cư xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) đầu tư hơn bảy tỷ đồng bị bỏ hoang. Dưới chân núi Hin Pơ, tiếng địa phương là núi lở, thuộc xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) anh Hoàng Văn Tôn cùng vợ là Hoàng Thị Viện hí húi phơi măng vừa luộc. Thấy có khách, quệt vội mồ hôi trên trán, anh Tôn vừa pha trà vừa nói chuyện làm ăn của gia đình."Nhà mình có năm khẩu, hai cháu trai đi lao động tận Bình Dương, căn nhà gỗ ba gian này dựng từ năm 1995, ở chân núi lở nên mỗi khi mưa lớn là lo ngay ngáy, chỉ sợ đá núi lăn xuống thôi". Cách đây hơn chục năm, nhà anh Hoàng Văn Nhớ dựng cách nhà anh Tôn hơn một trăm mét phía chân núi, bị đá lở vùi lấp hoàn toàn, rất may cả nhà đang làm ngoài đồng cho nên không ai việc gì.Ở thôn 11, xã Minh Xuân, còn có các hộ Vương Thị Thìn, Hoàng Thị Păn, Vương Ngọc Đồn nằm sát chân núi đá, nguy cơ đá lở mất an toàn thường trực, nhất là mùa...
Khu tái định cư xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) đầu tư hơn bảy tỷ đồng bị bỏ hoang. |
Dưới chân núi Hin Pơ, tiếng địa phương là núi lở, thuộc xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) anh Hoàng Văn Tôn cùng vợ là Hoàng Thị Viện hí húi phơi măng vừa luộc. Thấy có khách, quệt vội mồ hôi trên trán, anh Tôn vừa pha trà vừa nói chuyện làm ăn của gia đình.
“Nhà mình có năm khẩu, hai cháu trai đi lao động tận Bình Dương, căn nhà gỗ ba gian này dựng từ năm 1995, ở chân núi lở nên mỗi khi mưa lớn là lo ngay ngáy, chỉ sợ đá núi lăn xuống thôi”. Cách đây hơn chục năm, nhà anh Hoàng Văn Nhớ dựng cách nhà anh Tôn hơn một trăm mét phía chân núi, bị đá lở vùi lấp hoàn toàn, rất may cả nhà đang làm ngoài đồng cho nên không ai việc gì.
Ở thôn 11, xã Minh Xuân, còn có các hộ Vương Thị Thìn, Hoàng Thị Păn, Vương Ngọc Đồn nằm sát chân núi đá, nguy cơ đá lở mất an toàn thường trực, nhất là mùa mưa bão. Ngoài ra, ba con suối Biệc, Vặc, Ác ngày thường thì trong xanh hiền hòa, khi mùa mưa đến dòng nước lớn trở nên hung dữ cuốn phăng mọi vật cản trở nó. Vậy nên, 41 hộ dân trong xã đồng loạt làm đơn xin chính quyền bố trí nơi ở mới, tránh các việc đáng tiếc xảy ra do sạt lở đất, đá và lũ quét. Trước tình hình nêu trên, năm 2011, huyện Lục Yên chỉ đạo xã Minh Xuân bố trí quỹ đất tái định cư (TĐC) từ nguồn vốn di dân khẩn cấp. Hơn bảy tỷ đồng được bố trí san tạo mặt bằng rộng gần 2 ha, có hệ thống điện lưới, cấp nước sinh hoạt, đường bê-tông nội bộ sạch đẹp. Khu tái định cư mới thuận lợi cho việc học tập của trẻ em, gần trung tâm xã và có đập nước Gò Chè rộng hơn 2 ha thoáng mát. Đến thời điểm cuối tháng 12-2011, chủ đầu tư đã bàn giao công trình cho xã quản lý, có 34 trong số 41 hộ dân trong xã ký nhận tiền hỗ trợ di chuyển, với số tiền mỗi hộ mười triệu đồng và được bốc thăm nhận từ 300 đến 400 m2 đất làm nơi ở mới.
Nhưng đến đầu tháng 10-2012, khi có mặt tại khu TĐC, một sự hoang vu kỳ lạ khác hẳn với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi. Những căn nhà dựng lên bỏ hoang, nhiều nhà bay cả tấm lợp prôxi-măng. Một số nền còn vương các mảnh vỡ của tấm lợp chứng tỏ đã dựng nhà rồi lại dỡ di chuyển nơi khác; mặt bằng vài nơi được trồng hàng nghìn gốc sắn cao ngang đầu người… Chỉ còn một nhà trong số 34 hộ nhận tiền có người ở, nhưng đang ra đồng. Toàn bộ các họng nước sinh hoạt có đồng hồ đếm bị mất vòi… Giải thích về vấn đề này, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Minh Xuân Phạm Ngọc Quảng cho biết: Toàn xã có hơn 1.700 hộ dân chủ yếu là đồng bào Tày, có 14/21 thôn, bản nằm trong vùng ven núi đá cao, thường xuyên xảy ra cảnh đá lăn, đá lở từ đỉnh núi xuống gây nguy hiểm đến tính mạng con người và vật nuôi. Tập quán của đồng bào miền núi là dòng tộc, dòng họ chung sống, nay đưa nhiều hộ khác nhau vào một khu TĐC cần có thời gian hòa đồng làm quen; kinh tế các hộ khó khăn chưa chuyển được nhà chính cho nên chỉ làm tạm nhà bếp hoặc làm nhà nhỏ để nhận tiền hỗ trợ di dời và đất ở; nơi TĐC xa nơi canh tác và chăn thả gia súc, nên lấn bấn chưa chuyển vào nơi ở mới. Mặt khác, một số hộ dân cho rằng, tập quán người Tày là ở nhà sàn có diện tích mỗi nhà gần 200 m2, nay được nhận đất TĐC thì dựng nhà xong không còn nơi dựng chuồng trâu bò, nuôi gà lợn cũng khó khăn.
Như vậy, tính bình quân mỗi suất Nhà nước đầu tư TĐC gần 200 triệu đồng/hộ, là một con số quá lớn đối với người nông dân miền núi. Hơn bảy tỷ đồng đã đầu tư từ quyết định ngày 25-6-2010, của UBND tỉnh Yên Bái về Phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình di dân xã Minh Xuân, huyện Lục Yên hiện chỉ là nơi hoang vắng. Sự nguy hiểm vì đá lở, lũ quét vẫn treo lơ lửng trên đầu các hộ dân, chính quyền thì không kiên quyết trong việc di dân khỏi vùng nguy hiểm đến khu TĐC mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()