tle=”Lãng phí “Làng năng lượng mặt trời””> Anh Hồ Thanh Mạnh là một trong số các hộ dân được trang bị bếp. – Hai khối phố Bình Kỳ và Bá Tùng (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) được mệnh danh là “Làng năng lượng mặt trời”, khi từ 2007, các hộ dân ở đây được tặng hơn 300 chiếc bếp sử dụng năng lượng mặt trời. Nhưng giờ đây, những chiếc bếp không tiêu tốn điện, gas, than hay củi, an toàn và thân thiện với môi trường đã trở thành phế liệu, do hư hỏng không được thay thế, sửa chữa kịp thời.
Anh Hồ Thanh Mạnh là một trong số ít hộ dân ở “Làng năng lượng mặt trời” Hòa Quý (Đà Nẵng) vẫn còn sử dụng chiếc bếp năng lượng mặt trời. Anh Mạnh giải thích: “Bếp này dùng rất dễ, chỉ cần chỉ sơ sơ là nấu được ngay thôi, chỉnh bếp cho đúng hướng mặt trời rồi treo nồi lên cái cây trên miệng chảo là xong. Cứ nấu thế này, mỗi năm tiết kiệm được cỡ gần hai triệu tiền gas hay điện. Nhất là nấu nước sôi hay nồi cám lợn, hầm xương… thì tiện lắm”.
Hỏi chuyện mới hay, từ năm 2007 đến 2009, Trung tâm phục vụ năng lượng mặt trời Việt Nam đã kêu gọi sự tài trợ của một số doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, xây dựng thí điểm “Làng năng lượng mặt trời” tại hai khối phố Bình Kỳ và Bá Tùng của phường Hòa Quý, nơi đời sống dân cư còn nhiều khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.
Sau khi khảo sát, hơn 300 hộ nghèo được Trung tâm phục vụ năng lượng mặt trời Việt Nam tặng mỗi hộ một chiếc bếp hình parabol sử dụng năng lượng mặt trời. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật về từng hộ dân hướng dẫn cách đặt bếp, sử dụng, bảo quản.
Chị Phạm Thị Có, người dân tổ 4, phường Hòa Qúy cho biết: Thời gian đầu, bà con háo hức lắm, vào mùa nắng, cả làng đem bếp ra sân nấu nướng, vui lắm. Bếp được người ta tặng, lại không mất tiền điện, gas hay than, củi, không có khói, lửa nên rất an toàn.
Tuy nhiên, đến mùa mưa thì bếp không dùng được, không có chỗ để nên nhiều người bỏ ngoài vườn, nên chân đế và cây treo nồi bằng sắt bị rỉ sét và gãy dần, một số gia đình thì bị bão làm gãy, hư hỏng chảo. Ban đầu, đơn vị tặng bếp cũng có cho người về sửa chữa, nhưng chỉ được thời gian đầu rồi sau đó thưa dần.
Để tiếp tục sử dụng, có người tự mang ra xưởng cơ khí hàn nối các thiết bị hư hỏng để tiếp tục sử dụng, có người vứt chỏng chơ ngoài sân, trước ngõ hay mang bán phế liệu. Có người lại đem bếp vứt vào xó, ngoài sân hoặc đem bán phế liệu. Đến nay chỉ còn chừng hơn 30 hộ còn sử dụng
Chị Nguyễn Thị Duy, từng là cộng tác viên của chương trình “Làng năng lượng mặt trời” của khối phố Bình Quý tiếc nuối “Giá đầu tư của Trung tâm phục vụ năng lượng mặt trời Việt Nam thời điểm 2007 là hơn một triệu đồng/bếp, nhưng khi bán phế liệu chỉ chừng 100 ngàn đồng. Nhà chị cũng có một bếp, nay hỏng không dùng được, nhưng tiếc nên vẫn để ngoài vườn”.
Chị Trần Thị Mỹ, cán bộ dân số phường Hòa Quý, người đại diện chính quyền phường Hòa Quý để phối hợp cùng tổ chức cung cấp thiết bị năng lượng mặt trời đến trao tặng và hướng dẫn cách sử dụng cho người dân chia sẻ: Việc trao tặng khá dễ dãi, nên có người không dùng vẫn được tặng, rồi đem về vứt bỏ. Bếp sử dụng không kiểm tra, bảo dưỡng đã gây nên tình trạng lãng phí.
Chị Mỹ cũng mong muốn, nếu dự án tiếp tục tài trợ những địa phương khác, trong quá trình liên hệ công tác, tổ chức đó cần có sự kết hợp chặt chẽ, thí dụ muốn xuống khu dân cư thì liên hệ với phường, những cộng tác viên, những số liệu bếp được cấp thì phải chốt về UBND phường nắm được có bao nhiêu đối tượng được cấp, họ sử dụng như thế nào hoặc có những hoạt động đánh giá định kỳ để phát huy được hiệu quả”.
Ông Nguyễn Tấn Bích, Giám đốc Trung tâm phục vụ năng lượng mặt trời Việt Nam, đơn vị trực tiếp trao tặng bếp năng lượng mặt trời cho người dân phường Hòa Quý, cho biết: Hồi đó, thấy người dân Hòa Quý khó khăn, chúng tôi vận động các nhà tài trợ cùng tham gia, bếp do chúng tôi thiết kế và tặng miễn phí 100%, bà con chỉ trả một khoản phí nhỏ cho công lắp đặt, hướng dẫn sử dụng.
Một trong những nguyên nhân bà con không sử dụng được bếp là khu vực xây dựng thí điểm “Làng năng lượng mặt trời” khi đó, bà con sống ổn định, từ 2009, thành phố Đà Nẵng triển khai dự án mở đường lớn, nhiều hộ dân phải giải tỏa, di dời đi nơi khác, hoặc đất ở, đất sản xuất thu hẹp, không còn nhiều khoảng không có nhiều ánh sáng mặt trời để sử dụng bếp nên họ vứt đi.
Bản thân chúng tôi tự bỏ tiền ra, tặng không cho bà con, với mục đích góp phần cùng Đà Nẵng xây dựng thành phố môi trường, đồng tiền mình bỏ ra bị phí phạm cũng tiếc lắm chứ, nhưng chúng tôi là doanh nghiệp, không thể làm công ích được. Đáng ra, thấy dự án có hiệu quả thì phường Hòa Quý, hay lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn phải hỗ trợ, hoặc hướng dẫn bà con cách bảo quản, sửa chữa chứ chỉ tìm cách đổ lỗi, rằng chúng tôi tặng thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm đến cùng. Nói vậy chắc sẽ không còn nhiều doanh nghiệp làm công tác xã hội, từ thiện nữa…
Trong khi “Làng năng lượng mặt trời” ở Đà Nẵng bị bỏ phí, thì ở nhiều nơi khác, dự án tương tự lại triển khai rất hiệu quả. Gần đây nhất, dự án “Làng năng lượng mặt trời” đang thực hiện tại hai xã Phong Bình (huyện Phong Điền) và Vinh Hải (huyện Phú Lộc) của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại hai nơi này, để có bếp, mỗi gia đình phải mua với giá hai triệu đồng, chỉ được miễn phí lắp đặt và hướng dẫn sử dụng. Thế nhưng người dân vẫn rất hào hứng và sẵn sàng bỏ tiền ra mua bếp, vì nó tiện lợi, tiết kiệm chi phí rất lớn.
Bếp năng lượng mặt trời là thiết bị tiện ích, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường, giúp nâng cao ý thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường và làm quen với các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời. Giúp người dân nghèo nông thôn, miền núi đỡ vất vả trong việc tìm kiếm nhiên liệu, hạn chế tình trạng chặt phá rừng làm chất đốt, góp phần bảo vệ môi trường.
Việc vứt bỏ hàng trăm chiếc bếp ở “Làng năng lượng mặt trời” Hòa Quý là sự lãng phí lớn. Vì vậy, chính quyền phường Hòa Quý và quận Ngũ Hành Sơn cần phối hợp với đơn vị cung cấp bếp có biện pháp khảo sát, hỗ trợ người dân trong việc tư vấn sửa chữa, tu chỉnh bếp.
Đồng thời, hướng dẫn để bà con chủ động sửa bếp khi hư hỏng, vì việc sửa chữa rất đơn giản đối với các cơ sở cơ khí tại địa phương. Không nên vì nhà cung cấp trực tiếp hỗ trợ cho dân mà chính quyền tỏ ra thờ ơ, bỏ rơi, để một dự án hiệu quả và cần thiết, trực tiếp góp phần xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường bị hoang phí.
Về phía đơn vị cung cấp dự án cũng cần bàn giao cụ thể với chính quyền về số lượng, quy trình bảo dưỡng, sửa chữa, giúp địa phương quản lý tốt hơn tất cả mọi hoạt động diễn ra trên địa bàn, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, gây lãng phí tiền của, công sức như ở “Làng năng lượng mặt trời” phường Hòa Qúy, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()