Lãng phí kho số: Lỗi thuộc về nhà mạng mới ?
Để chạy đua phát triển thuê bao, các doanh nghiệp mới đang làm kho số di động bị lãng phí lớn do hiệu suất sử dụng rất thấp. Trung bình, mỗi đầu số được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, doanh nghiệp chỉ đạt hiệu suất khoảng 50%. Thậm chí, có nhà mạng còn 20%.
Những con số ấn tượng… xấu
Thông thường, mỗi một đầu số mới được cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho doanh nghiệp khi các đầu số trước đó đã được sử dụng với hiệu suất trên 70%. Thế nhưng, con số thống kê của Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra lại… ấn tượng tới mức đáng để giật mình.
Hiệu suất sử dụng kho số của một số doanh nghiệp hiện nay rất thấp. Điển hình là GTEL Mobile, chủ quản mạng di động Beeline, hiệu suất sử dụng kho số chỉ đạt 20%. Tiếp đó là Vietnamobile, hiệu suất đạt 51%.
Không chỉ có doanh nghiệp mới tham gia thị trường mà ngay cả mạng vốn được coi là có số thuê bao lớn nhất hiện nay, Viettel cũng nằm trong số mạng gây lãng phí tài nguyên kho số.
Tổng số thuê bao 10 số của Viettel bao gồm hai đầu số 098 và 097 khi đoàn kiểm tra, phát sinh lưu lượng thực tế chỉ khoảng 8 triệu. Con số này có nghĩa hiệu suất sử dụng đầu số cũ 098, 097 của doanh nghiệp này thấp, chỉ đạt 50%.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, VinaPhone là nhà mạng sử dụng kho số hiệu quả nhất. Riêng trong năm 2009, nhà mạng này đã phát triển được lượng thuê bao trả sau (thuê bao có độ trung thành cao nhất ) tương đương với lượng thuê bao của tất cả các năm trước cộng lại.
Lãng phí bởi mải chạy đua phát triển thuê bao
Theo ông Nguyễn Xuân Trụ – Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông, tình trạng trên do nhiều nguyên nhân gây ra trong đó có cả chủ quan và khách quan.
Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quản lý kho số thuê bao di động song việc chấp hành của doanh nghiệp không thường xuyên, liên tục.
Việc báo cáo hiện nay được thực hiện mang tính hình thức và đối phó chứ chưa tự giác thực hiện. Thường chỉ khi có nhu cầu cấp phát thêm đầu số, doanh nghiệp mới báo cáo số liệu.
Về phía Bộ, do không có phương tiện, trang thiết bị, nhân lực và vật lực khá thiếu nên không kiểm tra trực tuyến được. Số liệu mà Bộ có được là do doanh nghiệp báo cáo lên do đó khó xác định được độ chính xác. Chỉ khi kiểm tra thực tế Bộ mới có điều kiện kiểm chứng số liệu.
Một lý do khác từ việc quản lý sim di động trả trước mà ra. Rất nhiều đại lý đã lách luật khi Thông tư 22/2009/TT-BTTTT ban hành về việc quản lý thuê bao di động trả trước không hạn chế các cơ quan, tổ chức đăng ký thông tin thuê bao trả trước. Họ đã lợi dụng dưới danh nghĩa của các cơ quan, tổ chức đăng ký với số lượng thuê bao rất lớn. Trường hợp của Vietnamobile có 1 đại lý đã đăng ký thông tin cho tới 240 ngàn thuê bao trả trước chưa kích hoạt.
Đại diện của doanh nghiệp cũng thừa nhận do mức độ cạnh tranh trên thị trường thông tin di động quá khốc liệt, nên các doanh nghiệp mới phải cố gắng chạy đua thu hút khách hàng bằng nhiều cách nên dẫn tới có nhiều số thuê bao ảo, SIM rác.
Ý thức của doanh nghiệp là yếu tố then chốt
Có thể nói, dù có lý do gì đi chăng nữa, các doanh nghiệp không thể chối bỏ được trách nhiệm của mình trong vấn đề gây lãng phí kho số hiện nay. Dù có vì mục tiêu kinh doanh của mình, nhà mạng cũng cần phải tuân thủ đầy đủ những quy định của phía cơ quan quản lý nhà nước.
Đồng ý với đánh giá thời gian qua các nhà mạng đã được cơ quan quản lý nhà nước đã buông lỏng, mặt tích cực là lĩnh vực thông tin di động có sự phát triển rất tốt, ấn tượng, Phó giám đốc VinaPhone Hoàng Trung Hải cho rằng, đã đến lúc cần phải thắt chặt lại chứ không để tình trạng tràn lan như hiện nay.
Ông Hải đề nghị phải tăng cường thanh tra, các sở có thể kiểm tra đột xuất các đại lý và xử lý nghiêm. “Doanh nghiệp chấp nhận thời gian đầu chịu đau một tý và đã làm thì tất cả phải như nhau, và khi đó các doanh nghiệp sẽ bình đẳng, tình trạng chưa chấp hành đúng về quản lý thuê bao trả trước hiện nay mới được giải quyết triệt để” – ông Hải nói.
Sau hơn hai năm việc siết chặt quản thuê bao trả trước được thực hiện, công tác quản lý vẫn còn nhiều kẽ hở, khe trống để doanh nghiệp lách qua. Một nguyên nhân không thể chối bỏ là do ý thức, nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế.
Nhưng tình trạng đó sẽ không còn được tái diễn trong thời gian tới nữa, vì sau cuộc họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng với các doanh nghiệp, cả Bộ và doanh nghiệp đều đồng quan điểm, sẽ siết chặt hơn và xử lý thật nghiêm minh mọi trường hợp vi phạm.
Ý kiến ()