Lãng phí dự án trồng rau an toàn ở Thái Nguyên
Toàn bộ mái nhà kính của dự án bị hư hỏng sau các trận mưa do thiết kế không phù hợp.
Năm 2016, UBND huyện Phú Bình sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư hơn 5,4 tỷ đồng thực hiện Dự án Xây dựng mô hình trồng rau an toàn ở xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên, bao gồm các hạng mục: Hệ thống nhà lưới, nhà kính, hệ thống bơm nước, cấp điện, bể chứa nước, nhà sơ chế… hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2017. Tuy nhiên đến nay, toàn bộ nhà lưới tan hoang, nhà kính thiết kế xây dựng không hợp lý, nhiều hạng mục của dự án phải thay đổi so với thiết kế ban đầu. Điều đó cho thấy, chất lượng xây dựng thấp, thiết kế nhiều hạng mục không hợp lý cho nên dự án không phát huy hiệu quả, khiến dư luận bất bình.
Hệ thống nhà lưới để trồng rau an toàn rộng 6.700 m2, bao gồm nhiều cột bê-tông cốt thép, bên trên căng lưới và được neo giữ với đầu cột bê-tông. Tuy nhiên, cơn dông lốc ngày 28-2-2019 làm cho mái nhà lưới bị tốc gần như toàn bộ, sau đó được khắc phục lại, nhưng đến trận mưa lớn kèm gió to ngày 10-9-2019, mái lại bị phá tan hoang. Việc mái nhà lưới trở nên tan hoang sau thời gian ngắn được đưa vào sử dụng đã được nhiều người nhìn thấy từ trước, nếu như không có dông lốc, mưa lớn thì sau một thời gian ngắn cũng trở nên hư hỏng nặng, không thể sử dụng được. Ông Nguyễn Việt Tuyến, Công ty TNHH Nông sản Minh Vân (doanh nghiệp hợp tác trồng rau an toàn với đơn vị được tạm giao quản lý, sử dụng các hạng mục của dự án là Hợp tác xã Rau – củ – quả xóm Xuân Đám) nhận định: “Nguyên nhân chủ yếu là do ni-lông mỏng, dễ bị rách; diện tích mái quá rộng, hệ thống dằng và níu lưới với các cột bê-tông sơ sài cho nên chỉ cần gió to là toàn bộ mái ni-lông bay hết”.
Do chất lượng thiết kế kém khiến trong quá trình xây dựng phải thay đổi nhiều hạng mục, điển hình như khi lắp dựng nhà kính thì liên kết bị chuyển vị trí gây mất an toàn kết cấu khung cho nên phải bổ sung liên kết hàn tại các vị trí khớp nối. Mái nhà kính được thiết kế bằng căng màng ni-lông do Nhật Bản sản xuất, nhưng khi xây dựng thì lại lắp đặt màng ni-lông do I-xra-en sản xuất. Ông Nguyễn Việt Tuyến cho rằng: “Thiết kế xây dựng nhà kính không phù hợp, quá thấp, không thể trồng được các loại cây leo cho quả”.
Thiết kế lắp đặt máy bơm và hệ thống đường ống vênh nhau, khi xây dựng, việc lắp đặt phải thay đổi. Trong quá trình xây dựng đường điện, nhà sơ chế, bể chứa nước, cổng ra vào, mương dẫn nước đều phải thay đổi so với thiết kế. Điều đó cho thấy chuyên môn của đơn vị tư vấn thiết kế chưa đáp ứng yêu cầu; công tác chuẩn bị đầu tư của chủ đầu tư là UBND xã Đồng Liên chưa tốt dẫn đến nhiều hạng mục phải thay đổi vị trí so với thiết kế; nhiều khu vực không có nước tưới làm cho dự án không phát huy hiệu quả. Giám đốc Hợp tác xã Rau – củ – quả xóm Xuân Đám Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ: “Từ khi tiếp nhận bàn giao sơ bộ các hạng mục của Dự án Xây dựng mô hình trồng rau an toàn tháng 6-2018 cho đến nay, sản xuất không hiệu quả. Khi thì bị mưa úng ngập làm chết các loại cây trồng, đã vậy từ đầu năm 2019, nhà lưới bị tốc mái tan hoang mà không được sửa chữa, khắc phục”.
Hiện, sau điều chỉnh địa giới hành chính, từ năm 2017 xã Đồng Liên thuộc TP Thái Nguyên. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hoàng Mác cho biết: “Đang chỉ đạo các phòng chuyên môn của thành phố rà soát lại toàn bộ Dự án Xây dựng mô hình trồng rau an toàn xóm Xuân Đám để khắc phục bất cập, hư hỏng nhằm phát huy hiệu quả”.
Giám đốc Hợp tác xã Rau – củ – quả xóm Xuân Đám Nguyễn Văn Nguyên cho biết: UBND xã Đồng Liên mới tạm giao cho hợp tác xã chúng tôi quản lý, sử dụng các hạng mục công trình của dự án chứ chưa phải là bàn giao chính thức. Do đó, chúng tôi đề nghị UBND thành phố Thái Nguyên, UBND xã Đồng Liên và các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công dự án cần hoàn thiện, sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng để đưa vào sử dụng. Sau đó, chúng tôi sẽ phối hợp Công ty TNHH Nông sản Minh Vân cải tạo các hạng mục cho phù hợp để sản xuất nhằm phát huy hiệu quả dự án, tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, khiến dư luận nhân dân, đặc biệt là xã viên bức xúc thời gian qua.
Ý kiến ()