Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ bằng hành động
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. – Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em, nhấn mạnh điều này khi dự Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ quyền trẻ em, sáng 17/11.
Đây là dịp để tôn vinh, biểu dương, ghi nhận các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc cống hiến cho công tác bảo vệ quyền trẻ em với sự tham gia của 155 đại biểu đến từ Hội Bảo vệ quyền trẻ em các tỉnh, chi hội và trung tâm, các nhà hảo tâm đồng hành cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
Những năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã triển khai được 256 cuộc truyền thông tại cộng đồng cho hơn 41 nghìn người lớn và trẻ em với nhiều nội dung như Luật Trẻ em, kỹ năng làm việc với trẻ em, phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em…
Từ năm 2013-2018, các cấp Hội đã vận động được trên 327 tỷ đồng để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, với gần 1,5 triệu trẻ em được hưởng lợi từ nguồn hỗ trợ này. Hội cũng đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa nhằm tạo sân chơi cho trẻ em, đồng thời, kết nối yêu thương, kêu gọi mọi người hướng đến những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc…
Lắng nghe những ý kiến, chia sẻ tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sự nghiệp chăm lo cho trẻ em, “mầm non của đất nước, tương lai của gia đình”, đã được làm từ rất nhiều năm.
, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng khen của Thủ tướng cho các cá nhân xuất sắc trong công tác bảo vệ quyền trẻ em. – Ảnh: VGP/Đình Nam |
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến, cùng với đó là những tấm lòng nhân ái của nhiều tổ chức, cá nhân chung tay vì trẻ em, vì những điều tốt đẹp trong xã hội, đặc biệt là bảo vệ, chăm sóc cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại.
Theo một số báo cáo của các bộ, hội đoàn thể cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 vụ trẻ em bị xâm hại nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ghi nhận như vậy là chưa đầy đủ về xâm hại trẻ em. Bởi đấy chỉ là những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng đến mức các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc, còn thực trạng xâm hại trẻ em lớn hơn rất nhiều lần.
Đơn cử số liệu điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc thực hiện năm 2015 tại Việt Nam cho thấy có 68,4% trẻ em chịu những hình phạt về thể xác và tinh thần, tức là bị xâm hại ở các mức độ khác nhau.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đặt vấn đề tới đây các cấp hội cần mở rộng phạm vi hoạt động để mọi trẻ em đều được chăm sóc, bảo vệ. Làm sao để trẻ em biết quyền của mình và người lớn cũng phải biết quyền của trẻ em. Bảo vệ trẻ em không còn là hoạt động mang tính từ thiện mà đây là trách nhiệm pháp lý của mỗi công dân Việt Nam.
“Chúng ta lắng nghe trẻ em bằng tấm lòng, bằng con tim nhưng cũng phải bằng cả lý trí, hành động. Và sự ra đời của chi hội luật sư chính là bước phát triển của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thông qua những hành động, công cụ pháp lý, kinh tế, xã hội”, Phó Thủ tướng trao đổi.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Không chỉ thay đổi nhận thức, hành động đối với công tác bảo vệ trẻ em, Phó Thủ tướng mong muốn các bộ ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa để mọi trẻ em đều được bảo vệ khỏi bị xâm hại, được chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng, được đến trường…
“Không chỉ giữa Bộ LĐ-TB&XH với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế mà còn với Bộ Tư pháp, hệ thống tư pháp gồm toà án, viện kiểm sát, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Sự phối hợp không chỉ giữa các cấp ở Trung ương mà phải xuống tận bên dưới; giữa các bộ ngành với hội, đoàn thể; giữa các hội, đoàn thể với nhau”, Phó Thủ tướng nói.
Nhấu mạnh vai trò của hoạt động truyền thông, Phó Thủ tướng cho rằng cần làm cho cả xã hội hiểu những việc tưởng là đúng nhưng đã vi phạm đến quyền của trẻ em được quy định trong luật. Giúp các bậc cha mẹ hiểu được việc gì thực sự vì trẻ em chứ không phải là vì “ước muốn”, “niềm kiêu hãnh” của bản thân. Cuối cùng là để mỗi trẻ em biết rằng mình có quyền.
* Nhân dịp này, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng khen của Thủ tướng cho các cá nhân xuất sắc trong công tác bảo vệ quyền trẻ em.
Ý kiến ()