"Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ" với người lao động
Hơn một năm qua, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra đã tác động không nhỏ đến đời sống của người lao động. Nhưng với nỗ lực của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, đơn vị đã tìm nhiều giải pháp hỗ trợ cho người lao động bị thất nghiệp.
Năm 2021 cũng là năm đầu tiên chương trình “Lắng nghe-Thấu hiểu-Chia sẻ” được triển khai trong “Tháng Công nhân”. Từ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc trong lao động và cuộc sống của người lao động, Công đoàn lựa chọn nội dung và có biện pháp giải quyết phù hợp, qua đó gắn kết công nhân, công đoàn và doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Những hỗ trợ thiết thực
Ngồi trong căn nhà nhỏ nằm ở một ngõ nhỏ của phố Bạch Mai (Hà Nội) mới được sửa sang lại, anh Nguyễn Hữu Thắng vẫn ngỡ mình đang mơ. Nếu như không có số tiền 20 triệu đồng của Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm và sự hỗ trợ của người thân thì không biết đến bao giờ ngôi nhà của anh mới có dáng vẻ “đàng hoàng” như bây giờ. Anh Thắng cho biết, ngôi nhà 12m 2của anh trước khi cải tạo rất xập xệ, cũ nát. Với mức lương bảo vệ tại Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm là 3 triệu đồng/tháng cộng với lương của vợ làm lao động tự do, tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng anh Thắng khoảng 6 triệu/tháng, vừa phải nuôi con vừa chăm mẹ già 85 tuổi bị tai biến, xoay xở cũng hết sức khó khăn. Chính vì vậy, dù sống trong ngôi nhà dột nát nhiều năm nhưng gia đình anh cũng phải chấp nhận do không có kinh phí sửa chữa. Nhờ có chương trình “Mái ấm công đoàn” nên bây giờ gia đình anh an tâm với điều kiện sinh hoạt tốt hơn, từ đó giúp vợ chồng anh an tâm làm việc, ổn định cuộc sống.
Đào tạo nghề cho người lao động tại Trường Cao đẳng cơ khí nông nghiệp. Ảnh: MẠNH DŨNG |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 có hơn 32 triệu lao động trên tổng số 50 triệu lao động tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Phần lớn những người bị mất việc là những lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Từ thực tế đó, những “Phiên chợ 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “ATM gạo”… là cứu cánh đối với nhiều lao động nghèo trong những ngày thất nghiệp vì đại dịch. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những ngày qua, nhiều nhà hảo tâm và các tổ chức thiện nguyện đã đồng hành với chính quyền địa phương, tổ chức các hoạt động ý nghĩa giúp người dân vượt qua khó khăn. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP Hồ Chí Minh) lại có một cách giải quyết hỗ trợ người lao động bị mất việc làm cũng rất thiết thực. Lãnh đạo nhà trường đã phối hợp với các đối tác thực hiện hỗ trợ học nghề đối với những người mất việc, đối tượng ưu tiên là lao động nữ, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số. Đối tượng được hỗ trợ sẽ học nghề trong thời gian từ ngày 1-4 đến 30-6-2021, thời lượng mỗi mô-đun (một nghề đơn giản) từ 30-45 tiết. Mỗi người được đăng ký tối đa 2 mô-đun và học vào các buổi tối trong tuần hoặc những ngày cuối tuần. Sau khi học xong, thông qua chương trình, trường cũng sẽ là cầu nối giúp các học viên tìm được việc làm tại các công ty đối tác của nhà trường.
Cùng tháo gỡ khó khăn
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, có những doanh nghiệp đã phải cho người lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng lao động, kéo theo đời sống việc làm của công nhân lao động bị tác động tiêu cực. Thực tế cho thấy, nhiều công nhân lao động đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước khó khăn của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là quan tâm đến cuộc sống của người dân, với các gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thị trường lao động có nhiều biến động, lực lượng lao động có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng. Trước tình hình trên, cục đã tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng và nhu cầu thị trường lao động; điều tra nhu cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp, chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Trong năm 2021, cục tiếp tục theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến người lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các địa phương và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho bộ, Chính phủ các chính sách phù hợp.
Năm 2021 cũng là năm đầu tiên chương trình “Lắng nghe-Thấu hiểu-Chia sẻ” được triển khai trong “Tháng Công nhân”. Trong chương trình này, người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, những câu chuyện cảm động trong lao động và cuộc sống. Từ đó, Công đoàn lựa chọn nội dung cấp bách, có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng đến đông đảo đoàn viên lao động để có biện pháp giải quyết phù hợp, qua đó gắn kết công nhân, công đoàn và doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, chia sẻ: “Qua chương trình này, Công đoàn đồng hành cùng công nhân lao động vượt khó khăn do đại dịch Covid-19. Cùng đó, Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động, cố gắng động viên người lao động; cùng với lao động, doanh nghiệp vượt khó để giữ công việc và bảo vệ quyền lợi cho người lao động”.
Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng và phải cân nhắc nhiều giải pháp để tồn tại, trong đó có cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp đang cố gắng giữ việc làm cho người lao động thông qua việc sắp xếp lại thời gian, giãn việc, tận dụng cơ hội để kinh doanh các sản phẩm mà người tiêu dùng đang cần nhằm tạo thêm việc làm mới. Chừng nào Covid-19 chưa ngừng lây lan thì việc làm của người lao động còn bị ảnh hưởng. Nhưng cùng với sự đồng lòng của toàn dân và sự lãnh đạo của Nhà nước, Chính phủ, chúng ta tin tưởng vào kết quả của sự đồng lòng ấy, sẽ vượt qua khó khăn mà dịch bệnh gây ra, nhất là việc làm và lao động sẽ nhanh chóng trở lại nhịp bình thường rồi tăng tốc.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()