Xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) có các làng nghề truyền thống chuyên sản xuất hàng mây tre đan. Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần năng động, sáng tạo vượt khó vươn lên, các làng nghề, hợp tác xã (HTX) sản xuất hàng mây tre đan: mành tre, rổ, rá... có uy tín, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.Nhờ sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu, gia đình ông Đinh Văn Tiến đã tạo việc làm cho lao động địa phương với thu nhập ổn định. Phát huy tiềm năng, thế mạnh các làng nghềBí thư Đảng ủy xã Tăng Tiến Thân Văn Giang cho biết: Tăng Tiến là xã thuần nông trước đây, bình quân khoảng 1,4 sào ruộng (456 m2)/người, đến nay địa bàn có các cụm công nghiệp mới xây dựng, nên bình quân chỉ còn dưới 300 m2/người. Toàn xã có 1.550 hộ làm nghề truyền thống hàng mây tre đan. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, coi trọng phát...
Xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) có các làng nghề truyền thống chuyên sản xuất hàng mây tre đan. Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần năng động, sáng tạo vượt khó vươn lên, các làng nghề, hợp tác xã (HTX) sản xuất hàng mây tre đan: mành tre, rổ, rá… có uy tín, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Nhờ sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu, gia đình ông Đinh Văn Tiến đã tạo việc làm cho lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh các làng nghề
Bí thư Đảng ủy xã Tăng Tiến Thân Văn Giang cho biết: Tăng Tiến là xã thuần nông trước đây, bình quân khoảng 1,4 sào ruộng (456 m2)/người, đến nay địa bàn có các cụm công nghiệp mới xây dựng, nên bình quân chỉ còn dưới 300 m2/người. Toàn xã có 1.550 hộ làm nghề truyền thống hàng mây tre đan. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, coi trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh các làng nghề phát triển sản xuất hàng mây tre đan tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.
Chủ trương là vậy, nhưng khi mở rộng sản xuất hàng mây tre đan, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các làng nghề, HTX rất gian nan, nên vừa làm vừa phải tìm cách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về vốn, nguồn nguyên liệu 'đầu vào', chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường… Có thời điểm, tưởng nghề làm hàng mây tre đan truyền thống ở địa phương bị 'xóa sổ'. Nhất là các năm 2007, 2008, do tác động khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới, nên sức mua các mặt hàng mây tre đan trên thị trường trong và ngoài nước giảm mạnh; hàng hóa ế ẩm bán với giá rẻ… Trong khi đó, giá cả thị trường luôn biến động, nguồn nguyên liệu đầu vào như: mây, tre, nứa… nhập từ các nơi về giá cả tăng cao; các làng nghề, HTX ở địa phương chưa có công nghệ xử lý, bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, nên mành tre, mành trúc, rổ, rá… để lâu thường bị ẩm, mốc, rất khó khăn trong việc giao hàng.
Để các làng nghề, HTX mây tre địa phương trụ vững trước khó khăn, cấp ủy, chính quyền, các làng nghề và HTX tổ chức nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp; cử người đến các địa phương, nhất là đến các điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An để tìm hiểu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng. Cử người đến các địa phương như: Hà Tây, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định học hỏi kinh nghiệm sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu. Địa phương còn tạo điều kiện để các hộ gia đình vay vốn ngân hàng chính sách phát triển sản xuất. Tổ chức nhiều đợt tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh để các làng nghề, HTX quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ của tỉnh, huyện triển khai dự án hỗ trợ làng nghề như: đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng ba km đường bê-tông liên thôn; xây dựng đoạn đường nhựa dài 700 m, rộng 6 m từ quốc lộ 1A mới vào trung tâm xã; xây dựng nhà máy nước sạch với công suất 700 m3/ngày, đêm, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt trong nhân dân; hỗ trợ kinh phí để địa phương tổ chức các lớp dạy nghề mây tre đan, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hiệu quả từ chủ trương, biện pháp đúng
Chúng tôi đến thăm HTX mây tre Tăng Tiến, là một trong hai HTX ở địa phương vừa sản xuất, vừa thu mua mặt hàng mây tre đan. Trong cái nắng nóng, oi nồng của những ngày đầu tháng 7, mặc dù đang là thời điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân, nhưng HTX có tới hơn năm mươi người đến từ các làng nghề đang miệt mài dệt mành tre, nhuộm, phơi tăm tre, hoàn thiện và đóng gói các sản phẩm… Chủ nhiệm HTX Đinh Văn Tỉnh phấn khởi cho biết: Từ cuối năm 2008 đến nay, HTX mây tre Tăng Tiến sản xuất mành tre và các sản phẩm từ mành tre; mua thu gom mặt hàng: rổ, rá… xuất khẩu đến các nước như: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tổng doanh thu của HTX hơn 10 tỷ đồng/năm, nộp thuế Nhà nước từ 200 đến 300 triệu đồng/năm. Lúc cao điểm, có tới hàng trăm lao động đến làm việc; lương trung bình ba triệu đồng/người/tháng.
Do cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra nhiều chủ trương, biện pháp đúng, các làng nghề, HTX mây tre năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, nên đã phát huy được tiềm năng thế mạnh ở các làng nghề, tận dụng được lúc nông nhàn, lao động phụ trong các gia đình để sản xuất mặt hàng mây tre đan. Nếu trước đây, bà con làng nghề thu nhập chủ yếu trông vào nông nghiệp là chính, thì những năm qua, nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất hàng mây tre đan (chiếm 65 đến 70% tổng thu nhập). Toàn xã có tới hơn 40% số hộ gia đình làm được nhà kiên cố; nhiều gia đình thu từ sản xuất hàng mây tre đan 50 đến 60 triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình anh Lê Văn Thuật, vợ là Thân Thị Cảnh, 47 tuổi, ở xóm Phúc Long, nhờ vào nghề đan rổ, rá xuất khẩu, kết hợp với làm ruộng mà vợ chồng anh nuôi bốn con ăn học, trưởng thành, trong đó ba con đang học đại học và cậu con trai út năm nay cũng thi vào đại học. Anh Thuật thổ lộ: Nếu không có nghề 'gia truyền' đan rổ, rá… thì việc nuôi các cháu ăn học gặp nhiều khó khăn. Bí thư Đảng ủy xã Thân Văn Giang cho biết: Trước đây, toàn xã có 15% số hộ nghèo, đến năm 2011 giảm còn 9% số hộ nghèo. Điều đáng nói là, từ mô hình làm nông nghiệp kết hợp với làm nghề mây tre đan ở xã Tăng Tiến, những năm qua có nhiều người ở các xã lân cận như: Hoàng Ninh, Nội Hoàng đến đây học nghề để tăng thu nhập gia đình.
Về xã Tăng Tiến, đi trên con đường bê-tông vào các ngõ xóm, hai bên đường là nhà cao tầng, nhà ngói san sát, đời sống của nhân dân không ngừng nâng cao, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững, chúng tôi càng thêm cảm phục ý chí và nghị lực vượt khó đi lên của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các làng nghề, HTX ở địa phương trong xóa đói, giảm nghèo… góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()