Làng nghề ở Thái Bình trước thử thách mới
Chế tác đồ mỹ nghệ ở làng nghề Đồng Xâm, huyện Kiến Xương (Thái Bình). ( Ảnh: Hà Thái (TTXVN) )Những năm gần đây làng nghề ở Thái Bình phát triển tương đối khá, đã có hàng trăm làng nghề vùng nghề, thu hút hàng trăm nghìn lao động, tăng thu nhập cho hộ nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp. Tuy nhiên do nhiều tác động, nghề và làng nghề ở Thái Bình đang đứng trước nhiều thử thách mới cần sự tháo gỡ để phát triển bền vững.Nghề dệt ở làng Thái Phương, xã Phương La, huyện Hưng Hà được hình thành từ thế kỷ 12 khi Vương triều Trần được thiết lập. Những người thợ dệt làng Mẹo (tên cổ của làng Phương La) chuyên dệt lụa cung cấp cho Vương triều. Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông, từ dệt lụa, dân làng Mẹo chuyển sang dệt vải cung cấp cho quân đội. Những năm đầu thời kỳ đổi mới, người làng Mẹo lại cải tiến khung dệt vải thành dệt khăn ăn, khăn tắm để xuất...
|
Nghề dệt ở làng Thái Phương, xã Phương La, huyện Hưng Hà được hình thành từ thế kỷ 12 khi Vương triều Trần được thiết lập. Những người thợ dệt làng Mẹo (tên cổ của làng Phương La) chuyên dệt lụa cung cấp cho Vương triều. Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông, từ dệt lụa, dân làng Mẹo chuyển sang dệt vải cung cấp cho quân đội. Những năm đầu thời kỳ đổi mới, người làng Mẹo lại cải tiến khung dệt vải thành dệt khăn ăn, khăn tắm để xuất khẩu. Ngày nay nghề dệt từ làng Mẹo phát triển thành vùng nghề sản xuất của 22/35 xã, thị trấn huyện Hưng Hà với 6.000 khung dệt, mỗi năm xuất khẩu hàng nghìn tấn khăn sang châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông – Nam Á. Nghề chạm bạc ra đời cách đây 500 năm tại làng Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương. Sản phẩm ly, nậm, lọ hoa, con giống từng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngoại thương Thái Bình. Từ trung tâm Hồng Thái, nghề chạm bạc đã phát triển ra ba xã Hồng Thái, Lê Lợi, Trà Giang với hàng trăm tổ sản xuất và sinh ra nhiều nghệ nhân được Hiệp hội vàng bạc Mỹ nghệ Việt Nam công nhận. Cùng phát triển với nghề chạm bạc, trên cùng một dải đất phía bắc huyện Kiến Xương còn có nghề mây tre đan xuất khẩu Thượng Hiền, tơ đũi Cao Bạt. Các huyện khác như Vũ Thư cũng có vùng nghề thêu xuất khẩu ở hàng chục xã. Huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ có nghề dệt chiếu cói sản xuất đồ gỗ, đúc đồng…
Trước năm 2001, Thái Bình còn duy trì 82 làng nghề, với hơn 40 nghề. Sau Đại hội đảng bộ tỉnh khóa 16 (2001 – 2005), Tỉnh ủy Thái Bình đã ra Nghị quyết 01 (5-6-2001) về khôi phục và phát triển nghề, làng nghề. UBND tỉnh đề ra tiêu chí cho các địa phương để được công nhận 'làng nghề, xã nghề'. Kèm theo đó là các cơ chế, chính sách khích lệ, động viên phát triển nghề, làng nghề.
Mười năm qua (2001 – 2011) phong trào xây dựng nghề và làng nghề liên tục phát triển. Đến nay, UBND tỉnh đã 'cấp bằng công nhận' cho 229 làng và 147/285 xã, phường đạt tiêu chuẩn làng nghề, xã nghề.
Năm 2000, giá trị sản xuất (theo giá cố định 1994) của các làng nghề mới đạt 660 tỷ đồng; năm 2005, đạt 1.408 tỷ đồng; năm 2010 đạt 2.520 tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Cùng với việc góp phần phát triển kinh tế, nghề và làng nghề thời gian qua ở Thái Bình đã góp phần phân công lại lao động khu vực nông thôn. Năm 2000, làng nghề mới có 78.000 lao động, thì năm 2005 đã thu hút được 145.274 lao động và năm 2010 có 148.820 người làm việc tại khu vực này.
Trước yêu cầu phát triển nghề và làng nghề, năm 2005 tỉnh Thái Bình cho phép các huyện, thành phố quy hoạch xây dựng các cụm, điểm công nghiệp và động viên các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào làng nghề để 'làm bà đỡ' cho hộ và lao động làm nghề. Đến nay các địa phương trong tỉnh đã quy hoạch xây dựng được 19 cụm công nghiệp, 22 điểm công nghiệp, thu hút 155 dự án vào đầu tư, với số vốn hàng nghìn tỷ đồng và thu hút gần 12.000 lao động vào làm việc tại cụm, điểm công nghiệp. Số DN đầu tư trực tiếp vào làng nghề cũng khá đông với số lượng là 193 DN. Nhiều DN thành đạt từ làng nghề như Phương Anh (Tiền Hải) giải quyết việc làm tại nhà cho 6.000 đến 7.000 lao động. Mỗi năm đóng thuế cho Nhà nước từ 1,2 đến 1,3 tỷ đồng. Xã Thái Phương, Canh Tân, Tân Lễ, (Hưng Hà), Hồng Thái, Vũ Ninh, Lê Lợi (Kiến Xương), Thái Xuyên (Thái Thụy), Minh Lãng (Vũ Thư)… có tốc độ tăng trưởng từ 13 đến 15%/năm. Trong đó giá trị sản xuất từ nghề chiếm từ 50 đến 60% tổng giá trị sản xuất chung toàn xã. Nhiều xã như Vũ Hội, Nguyên Xá (Vũ Thư), Thái Phương, Canh Tân (Hưng Hà), Nam Cao, Lê Lợi (Kiến Xương)… do nghề phát triển đã trở thành trung tâm kinh tế của một vùng dân cư… với giá trị sản xuất đạt từ 70 đến 150 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó nghề và làng nghề chiếm từ 45 đến 65%.
Mặc dù nghề và làng nghề ở Thái Bình phát triển, nhưng hiện tại đang chịu nhiều áp lực mới. Chất lượng và mẫu mã các sản phẩm ít thay đổi, trong khi hội nhập khu vực và quốc tế đòi hỏi cao hơn. Hội sản xuất và DN làng nghề đang chịu ảnh hưởng lạm phát rất khó khăn về vốn, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như: bạc thỏi tăng từ 300 đến 400% so với mấy năm trước, sợi bông tăng gấp nhiều lần. Giá điện, giá xăng, dầu tăng liên tục, trong khi giá sản phẩm của các làng nghề tăng không cao. Vì vậy nhiều lao động làm nghề bỏ nghề. Một số làng nghề dệt, tình trạng ô nhiễm nước, tiếng ồn tăng theo quy mô phát triển. Làng Phương La mỗi năm sử dụng tới 20 tấn hóa chất để tẩy, nhuộm sợi, lượng dư thừa chưa qua xử lý đổ ra môi trường. Nhiều làng nghề sản xuất bánh đa, miến như Đông Thọ (TP Thái Bình), Tân Hòa (Hưng Hà), Đại Hải (Quỳnh Phụ), Nguyên Xá (Đông Hưng), ô nhiễm nguồn nước ngày một nghiêm trọng. Từ làng nghề đi lên, nhiều chủ DN chưa qua đào tạo, cho nên trình độ quản lý sản xuất hạn chế, chưa thích ứng cơ chế kinh tế thị trường, ít năng động, sáng tạo. Nhân lực làng nghề chủ yếu được đào tạo bằng truyền nghề. Do công nghiệp tập trung phát triển, lao động trẻ dịch chuyển từ làng quê ra khu, cụm công nghiệp, lao động còn lại ở làng nghề hiện tại là lớp người 'trẻ đã qua, già chưa tới'.
Mục tiêu của Thái Bình là phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh công-nông nghiệp, và có 50% số xã trở thành nông thôn mới. Vì vậy nghề và làng nghề vẫn phải tồn tại và phát triển. Trước mắt đến năm 2015, Thái Bình phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp 15.000 tỷ đồng, trong đó nghề và làng nghề đóng góp từ 20 đến 25%. Để hoàn thành mục tiêu trên, Thái Bình đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho nghề và làng nghề bằng nhiều giải pháp tích cực, thiết thực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()