Lắng nghe nguyện vọng người lao động
Tại Vĩnh Phúc, sáng 10/6, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đối thoại với 500 công nhân lao động (CNLĐ), đại diện cho hàng ngàn CNLĐ trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn được trực tiếp nghe CNLĐ phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong đời sống cũng như nguyện vọng của họ…
Đại diện CNLĐ đã kiến nghị về việc có DN đề nghị công nhân đăng ký giờ làm thêm nhưng thực chất là bắt buộc họ làm thêm giờ, nếu không sẽ bị gây khó dễ, không tái ký hợp đồng lao động hoặc cho nghỉ việc, nhất là lao động nữ.
Về vấn đề này, lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã thông tin lại các quy định của Bộ luật Lao động về thời gian làm việc, giờ làm thêm, chế độ nghỉ hàng tuần… Nếu DN tăng ca quá thời gian quy định là vi phạm Bộ luật Lao động. Ban Quản lý cho biết sẽ tăng cường giám sát các DN trong lĩnh vực này, đồng thời phối hợp với Sở LĐTB&XH tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ làm thêm tại các DN.
Mộ số công nhân đề cập thực trạng nhiều gia đình công nhân xa nhà phải thuê trọ, con phải gửi ở nhóm trẻ tư thục với chi phí cao, trong khi phần lớn thu nhập của họ thấp, đời sống khó khăn. Vì vậy, họ mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm xây dựng thêm nhà ở, có chính sách hỗ trợ công nhân mua nhà dành cho người thu nhập thấp; xây dựng trường mầm non dành riêng cho con em họ… để CNLĐ yên tâm làm việc.
Trước nguyện vọng của người lao động, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho biết tỉnh đã có kế hoạch xây dựng thêm 500 phòng học cho các trường mầm non. Đến nay, đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng hơn 200 phòng, số còn lại đang triển khai xây dựng và hoàn thiện vào đầu năm học mới 2018 – 2019.
UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX đến năm 2020”. Đối với việc xây dựng trường mầm non dành riêng cho con công nhân trên địa bàn, tỉnh đã có cơ chế đầu tư mở rộng diện tích đất, xây dựng thêm trường mầm non trong các KCN lớn, đồng thời đề nghị các trường mầm non công lập tại KCN có thêm dịch vụ trông giữ trẻ ngoài giờ, phù hợp với giờ làm ca của CNLĐ.
Về vấn đề nhà ở cho CNLĐ, tỉnh đã đề ra các chính sách ưu đãi, kêu gọi DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà trẻ mầm non; thực hiện cho vay ưu đãi để CNLĐ có điều kiện mua, thuê nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà. Về chất lượng nhà ở cho CNLĐ. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu việc thu phí điện, nước sinh hoạt phải đúng quy định.
Cũng trong cuộc đối thoại, những thắc mắc về lương, BHXH, BHYT, BHTN, việc đi lại bằng xe buýt… của người lao động đã được giải đáp.
Ông Nguyễn Văn Trì cho biết thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm xây dựng nhà ở, nhà văn hóa công nhân, nhà trẻ mầm non phục vụ nhu cầu của CNLĐ; chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết thỏa đáng những vấn đề đặt ra tại buổi đối thoại, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc đảm bảo các chế độ lương, bảo hiểm, thời gian làm việc của CNLĐ. Tính cũng yêu cầu DN gắn sản xuất, kinh doanh với chăm lo đời sống CNLĐ.
Tại Bắc Ninh, sáng 9/6, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã đối thoại với 400 công nhân lao động đại diện cho trên 300.000 công nhân, người lao động (CNLĐ) đang làm việc tại các DN trên địa bàn.
Trong buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến nhấn mạnh đây là cuộc đối thoại đầu tiên của lãnh đạo tỉnh với CNLĐ, là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, diễn đàn dân chủ giữa Đảng, chính quyền với giai cấp công nhân, là dịp để CNLĐ, cán bộ công đoàn trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình với lãnh đạo tỉnh về những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm và quan hệ lao động trong các DN.
Lãnh đạo tỉnh cũng mong nhận được đề xuất về giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Tại buổi đối thoại, đại biểu CNLĐ nêu những vướng mắc, tập trung vào các vấn đề như: Quyền lợi, chế độ BHXH, BHYT, BHTN; quy định làm thêm giờ, giá thuê nhà trọ và giá tiền điện, nước ở những khu thuê trọ; an toàn giao thông, an ninh tại các KCN; nhà trọ cho công nhân và trường học, nhà trẻ cho con công nhân ngoại tỉnh…
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh đánh giá cao những ý kiến phản ánh, kiến nghị thẳng thắn, sát thực tế, tập trung vào những vấn đề được đông đảo CNLĐ quan tâm.
Trong cuộc đối thoại, những thắc mắc của CNLĐ được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, chính quyền địa phương liên quan trả lời trực tiếp. Bên cạnh đó, chính sách mới của Nhà nước trong lĩnh vực lao động, việc làm, các vấn đề liên quan đến người lao động khi ký kết hợp đồng lao động, quyền lợi của người lao động… cũng được phổ biến.
Còn tại Thái Nguyên, một trong những địa phương có nhiều lao động làm việc tập trung, việc quan tâm đến những vấn đề thiết thân với CNLĐ luôn được tỉnh chú ý.
Theo đó, tỉnh đã tạo mọi điều kiện và khuyến khích các DN đầu tư tự bỏ vốn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động. Nhờ vậy, hiện nay đã có rất nhiều dự án đã và đang triển khai, đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Chẳng hạn, dự án nhà ở công nhân do Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 29 khối nhà ký túc xá dành cho công nhân ở với tổng số 3.944 phòng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 30.000 công nhân. Dự án nhà ở công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TNG đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng 1 nhà 4 tầng và 16 nhà cấp 4 với 223 phòng, đáp ứng được chỗ ở cho 400 công nhân.
Hiện nay, Công ty TNG đang thực hiện dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng 15 tầng với tổng số 196 căn hộ, diện tích từ 40-70 m2/căn. Dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH Glonics Việt Nam có tổng diện tích 2,5 ha, trong đó diện tích dành cho xây dựng nhà ở công nhân là 1 ha. Theo thiết kế, dự án gồm 3 khối nhà 5 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là 12.000 m2, sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 2.000 công nhân. Hiện nay dự án này đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã chấp thuận cho một số DN thực hiện đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, đồng thời phê duyệt phương án di dời và cho phép thực hiện phá dỡ để đầu tư xây dựng dự án nhà ở mới đối với một số dự án cải tạo chung cư cũ nát ở TP. Sông Công, TP. Thái Nguyên.
Khẳng định đóng góp to lớn của người lao động vào sự phát triển KT-XH địa phương, lãnh đạo các tỉnh nói trên đều cam kết sẽ hỗ trợ hết mức có thể để người lao động trên địa bàn, nhất là người ở các địa phương khác đến giảm bớt khó khăn trong đời sống.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()