Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại Đọi Tam (xã Đọi Sơn huyện Duy Tiên, Hà Nam), nơi nổi tiếng với nghề làm trống hàng nghìn năm tuổi, nhưng cảm nhận của tôi về nơi đây không có gì khác xưa là mấy, vẫn nếp xưa, làng cũ với cây đa, bến nước, sân đình. Đời sống của người dân trong thôn đã được nâng lên, song nhịp sống làng nghề không mấy vội vã mà rất bình yên, thong thả, đâu đó vang lên âm thanh tiếng máy cưa, tiếng đục, tiếng thử trống rền vang và cả môt mùi nồng, nồng, ngái ngái của gỗ mít, gỗ sồi, da châu….
Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất các loại trống, bồn tắm, bom rượu của nghệ nhân Lê Ngọc Hùng rộng hàng trăm m2 được bố trí thành từng khu sản xuất riêng, khu thì dành cho sản xuất trống, khu thì bày bình rượu, bồn tắm, chậu ngâm chân… Ngừng tay sản xuất, anh Hùng dẫn chúng tôi đi thăm và giới thiệu từng mặt hàng sản phẩm mới hoàn thành của cơ sở. Dừng lại bên chiếc trống đại đang chuẩn bị được hoàn thành, anh Hùng tiết lộ: Gia đình anh có nghề làm trống từ xa xưa và cứ cha truyền con nối, đến đời anh cũng chẳng nhớ là đời thứ bao nhiêu. Từ hồi nhỏ anh cũng đã biết phụ giúp bố cùng những người thợ trong nhà những việc làm trống. Và cũng từ đó mà bố anh dạy cho anh những kiến thức cơ bản. Rồi mỗi ngày anh lại tích lũy thêm kinh nghiệm và trưởng thành người thợ cứng cáp khi vừa đôi mươi. Bởi thế mà với anh bây giờ chỉ cần nghe tiếng trống, anh có thể thẩm định được chính xác chất lượng của trống tốt hay không.
Khoảng mươi năm về trước, cũng như nhiều người trong làng, anh cũng từng đi bươn trải khắp trong nam ngoài bắc để làm trống. Vì thế mà trống làng Đọi được dùng nhiều trong sinh hoạt văn hóa hàng ngày, trong nhiều sự kiện lớn của đất nước. Để xây dựng và phát triển thương hiệu trống Đọi Tam, ngoài vấn đề chữ tín và chất lượng sản phẩm thì cũng cần sự năng động, sáng tạo của mỗi người thợ để tạo nên những nét riêng độc đáo mà không bị pha tạp và làm hài lòng được các khách hàng. Luôn thấu hiểu được điều đó, mỗi người thợ làm trống làng Đọi Tam luôn tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa, trau chuốt nghề hơn nữa để tiếng trống Đọi Tam ngày một vang xa. Có lẽ cũng vì thế mà người làng Đọi Tam luôn tự hào rằng đã là người làng Đọi Tam thì ít, nhiều ai cũng biết làm trống, kể cả con gái nhiều người còn bưng trống giỏi không kém gì nam giới.
Để minh chứng điều này, Trưởng thôn Đọi Tam Lê Ngọc Minh đã chỉ cho chúng tôi rất nhiều gia đình sản xuất trống trong làng mà cả hai vợ chồng đều là những thợ chính. Tuy không còn làm trống nữa, nhưng nói về nghề, chị Nguyễn Thị Thúy Thường vẫn say sưa kể rành rọt từng công đoạn. Từ việc khó nhất là bưng trống(căng da trâu lên mặt trống sao cho phẳng đều để tạo được tiếng trống ấm, rền, vang) thì chị vẫn làm rất thành thục và chị có thể thẩm định được chất lượng trống thông qua việc nghe tiếng trống. Khoảng mươi năm trở lại đây, nhờ đưa máy móc vào sản xuất đã giúp cho người làm trống bớt đi nhiều công đoạn thủ công, nên số lao động làm trống trong làng có phần giảm. Hiện chỉ còn gần 300 người làm trống nhưng sản phẩm lại tăng lên gấp hai lần so với 500 trăm người làm trước kia. Lao động làm trống dư thừa, trong khi trên thị trường đang có những mặt hàng làm từ gỗ như thùng rượu, chậu ngâm chân, bồn tắm bằng gỗ sồi… mà người làm trống có thể làm đươc vì có liên quan đến kỹ thuật làm trống.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường cần, cộng với đức tính siêng năng cần cù chịu khó vốn có nhiều cơ sở sản xuất trống ở làng Đọi đã đầu tư mở rộng các sản phẩm thùng đựng rượu, chậu ngâm chân… để giải quyết việc làm và tăng thu nhập. Làng Đọi hiện có 37 cơ sở lớn nhỏ vừa làm trống vừa làm các sản phẩm có kỹ thuật tương tự. Bình quân một tháng mỗi cơ sở cũng có đơn đặt hàng vài trăm sản phẩm các loại, thế nên, người thợ làng Đọi làm quanh năm không mấy lúc là hết việc. Rưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ làng Đọi Tam, nhiều bình đựng rượu có mẫu mã đẹp, với những đường nét tinh xảo từ hình dáng, kích cỡ đến những trang trí được hoàn thành làm hài lòng khách hàng. Các sản phẩm bình rượu còn được xuất sang cả nước ngoài, còn các sản phẩm chậu ngâm chân rồi bồn tắm thì chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn ở các thành phố lớn trong cả nước đặt hàng. Nhất là những tháng cuối năm, thùng rượu được đặt hàng nhiều hơn, nên thu nhập của người dân cũng được cao hơn.
Nghề làm trống cũng lắm thăng trầm, nhưng nhờ biết trân trọng, gìn giữ và phát huy được thế mạnh của nghề truyền thống mà người dân Đọi Tam vẫn giữ được nghề, luôn có việc làm, có thu nhập, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Chẳng thế mà ở Đọi Tam đi đến đâu cũng chỉ nghe chuyện làm ăn, chuyện con cái được học hành đỗ đạt mà không mấy khi có các tệ nạn xã hội ma túy, hay cờ bạc. Cả làng có rất nhiều hộ khá giàu, hộ ít cũng có thu nhập hàng trăm triệu, hộ nhiều thì cũng đến tiền tỷ mỗi năm, số hộ nghèo trong thôn chủ yếu các hộ nghèo không may bị ốm đau, bệnh tật. Nhanh nhạy với thị trường, làng nghề Đọi Tam giờ đã trở thành đất đa nghề. Trong sự đan sen giữa nghề cũ và nghề mới, người làng Đọi vẫn luôn gìn giữ những giá trị riêng của mỗi nghề. Tuy hiệu quả kinh tế từ các sản phẩm khác cao hơn làm trống, song với người làng Đọi thì vẫn một lòng đau đáu với nghề trống của ông cha.
Ý kiến ()