Làng nghề gốm Chu Ðậu - điểm du lịch hấp dẫn
Công nhân Công ty cổ phần gốm Chu Ðậu vẽ hoa văn trên sản phẩm gốm.
Gốm Chu Ðậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Nét đặc trưng của sản phẩm gốm Chu Ðậu thể hiện ở kiểu dáng, mầu men và các hoa văn họa tiết tinh xảo mang bản sắc văn hóa dân tộc. Sản phẩm gốm cổ Chu Ðậu đang được lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 quốc gia. Nhận thấy ý nghĩa và giá trị của gốm Chu Ðậu, được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương, năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần (Hapro), một thành viên của Tập đoàn BRG, đã thành lập cơ sở làm gốm nhằm phục hồi dòng gốm cổ có lịch sử gần 600 năm, xây dựng thành một thương hiệu gốm cao cấp tiêu thụ ở thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu, đồng thời phát triển vùng quê này thành điểm du lịch làng nghề.
Dưới sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp và tâm huyết của bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG kiêm Chủ tịch HÐQT Hapro, Tập đoàn BRG tập trung phát triển và đưa gốm Chu Ðậu trở thành một trong những biểu tượng quốc gia thông qua việc chế tác những tác phẩm gốm Chu Ðậu theo các nguyên bản đang được lưu giữ tại các bảo tàng và tạo ra những bộ sản phẩm quà tặng cao cấp, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, tăng cường xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, góp phần quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam tới thị trường quốc tế.
Tổng giám đốc Công ty CP gốm Chu Ðậu Nguyễn Hữu Thức cho biết, gốm Chu Ðậu là sản phẩm quý, có mầu men và hoa văn, họa tiết đẹp, nhưng do bị thất truyền từ lâu, cho nên quá trình phục hưng nghề gốm gặp nhiều khó khăn. Cách đây 20 năm, hầu hết người dân xã Thái Tân nói riêng, huyện Nam Sách nói chung, đều sinh sống bằng nghề nông và nghề dệt chiếu cói. Không ai biết làm gốm. Cũng không ai biết chính trên mảnh đất quê mình từng có một nghề gốm phát triển rực rỡ. Với quyết tâm phục hồi dòng gốm cổ, doanh nghiệp đã tuyển chọn hàng trăm công nhân, chủ yếu là người địa phương, cử đi học nghề tại các làng gốm nổi tiếng trong cả nước. Ðơn vị mời giảng viên của các trường đại học: Mỹ thuật, Mỹ thuật Công nghiệp, các nghệ nhân nghiên cứu những nét đặc sắc của gốm Chu Ðậu, rồi truyền dạy cho công nhân. Khâu khó nhất là tìm ra các bài phối liệu xương gốm, bài phối liệu men mầu sao cho đúng với chất men, xương gốm của gốm Chu Ðậu. Sau hàng trăm mẻ lò với biết bao mồ hôi, công sức, cuối cùng các chuyên gia, nghệ nhân, các thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp đã có được công thức chuẩn để làm ra sản phẩm gốm Chu Ðậu. Ðến nay, công ty đã làm chủ hoàn toàn công nghệ làm men truyền thống của gốm Chu Ðậu, được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục độc bản rất nhiều sản phẩm. Công ty đã phục hưng hàng trăm mẫu bình cổ được khai quật, lưu trữ tại các bảo tàng trong nước và thế giới, nhiều tiêu bản có giá trị đặc biệt như: Bình hoa lam, bình tỳ bà, bình thiên nga, bình phượng hoàng…
Dưới định hướng phát triển của Tập đoàn BRG cùng mạng lưới kinh doanh thương mại rộng khắp, ở trong nước các sản phẩm gốm gia dụng, tâm linh, quà tặng của Chu Ðậu được người tiêu dùng tin tưởng và dần khẳng định được thương hiệu trong lòng người tiêu dùng trong nước. Cùng với thế mạnh trong kinh doanh xuất nhập khẩu của Hapro tại hơn 70 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, các sản phẩm gốm Chu Ðậu đã được xuất khẩu tới hơn 30 nước và vùng lãnh thổ. Phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các xưởng sản xuất của công ty trở thành một điểm tham quan, trải nghiệm quy trình làm gốm hấp dẫn đối với khách du lịch. Trung bình mỗi năm cơ sở đón hơn 10 nghìn lượt người tham quan, mua sắm. Bên cạnh đó, các sản phẩm gốm Chu Ðậu còn được chọn làm quà tặng nguyên thủ quốc gia trong một số sự kiện ngoại giao lớn; quà tặng của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước khi công du nước ngoài, góp phần mang bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Sau gần 20 năm hồi sinh dòng gốm cổ bị thất truyền, Chu Ðậu nay trở thành một làng nghề sầm uất. Từ quốc lộ 5 mới, rẽ vào thành phố Hải Dương, đi qua cây cầu Hàn khang trang mới được tỉnh Hải Dương xây dựng, đưa vào sử dụng, khoảng vài cây số trên tuyến đường liên huyện là đến làng nghề gốm Chu Ðậu. Ðại diện UBND huyện Nam Sách cho biết, hiện nay có bốn công ty tổ chức hoạt động, thu hút khoảng 500 lao động địa phương. Doanh số bình quân hơn 400 tỷ đồng/năm. Nghề gốm phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, thu hút nhiều khách hàng đến tham quan, mua sắm, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân trong vùng chuyển đổi kinh doanh các ngành nghề dịch vụ, thương mại. Diện mạo vùng quê thuần nông đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống và thu nhập của người dân địa phương được cải thiện rõ rệt.
Để làng nghề gốm trở thành điểm đến hấp dẫn trong tuyến du lịch khu vực Ðông Bắc Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, thời gian tới, Công ty cổ phần gốm Chu Ðậu tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân, nghệ nhân để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Không ngừng cải tiến kỹ thuật công nghệ để ngày càng nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm, dịch vụ. Tiếp tục nghiên cứu cho ra đời nhiều sản phẩm mới mang tính nghệ thuật độc đáo, có giá trị kinh tế cao. Tăng cường liên kết với các công ty lữ hành tổ chức các chương trình trải nghiệm tại làng nghề cho du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài, kết nối điểm du lịch này với các điểm du lịch khác tại Hải Dương, cũng như trong vùng Ðông Bắc Bộ. Ðầu tư cải tạo cảnh quan môi trường làng nghề xanh, sạch, đẹp, xây dựng hệ thống khách sạn ba sao từ 40 đến 60 phòng để phục vụ nhu cầu của du khách.
Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trao quyết định công nhận điểm du lịch cấp tỉnh cho làng nghề gốm Chu Đậu.
Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển “Điểm du lịch làng nghề gốm Chu Đậu”.
Khách tham quan khu trưng bày các sản phẩm gốm Chu Đậu.
Ý kiến ()