Lắng nghe, chia sẻ, là sức mạnh "mềm"
Trưởng ban nữ công công đoàn cơ sở (CÐCS) là ai? Gần gũi, sâu sát với đoàn viên công đoàn, người lao động (NLÐ). Tại các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, các chị chính là bạn đồng hành cùng NLÐ; là người tri kỷ, sẻ chia thiệt thòi, khó khăn và nhân lên niềm vui cùng NLÐ.
Tận tâm – Chìa khóa thành công
Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng xúc động ghi nhận: “Trưởng ban nữ công CÐCS góp phần đặc biệt cho sự trưởng thành của phong trào nữ công nhân viên chức lao động. Dù chuyên trách hay kiêm nhiệm, các chị đều là nhịp cầu kết nối chị em thành khối đoàn kết, giữa lao động nữ (LÐN) với chủ sử dụng lao động, tạo nên sức mạnh cho tổ chức công đoàn. Họ đã biến tâm huyết, trăn trở của mình thành những điều khoản, chính sách, chế độ cho LÐN cao hơn Luật trong các bản thỏa ước lao động tập thể”.
Tháng 5 vừa qua, một bộ phận công nhân, lao động (CNLÐ) bị một số phần tử xấu kích động, gây rối tại một số DN có vốn đầu tư Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), gây thiệt hại không nhỏ. Nhưng, ở Công ty TNHH FuLuh (Long An), 12 nghìn công nhân vẫn yên tâm sản xuất, tôn trọng nhà đầu tư. Có được sự yên ổn đó là nhờ một phần công sức, uy tín của Trưởng ban nữ công Nguyễn Thị Lệ Chi.
Tại lễ biểu dương 85 trưởng ban nữ công tiêu biểu lần đầu do Tổng LÐLÐ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, tôi nghe chị kể: “Ngày 14-5, Công ty FuLuh cũng như hầu hết các DN có vốn đầu tư Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc) ở Long An đều tạm ngừng sản xuất, tránh rủi ro. Trong hai ngày 14, 15, tôi đã xuống từng khu nhà trọ, lắng nghe tâm tư, tình cảm thái độ NLÐ. Chúng tôi đã thuyết phục NLÐ của công ty cần hết sức bình tĩnh, thể hiện lòng yêu nước bằng cách hăng say lao động”. Trước tình hình các đơn hàng hối thúc, lãnh đạo công ty trực tiếp hỏi ý kiến thủ lĩnh công đoàn. Chị Chi cam kết: “Không có chuyện gì xảy ra!”. Sau hai ngày ngừng làm việc, công nhân đã trở lại sản xuất. Suốt những ngày tiếp theo, chị Chi cùng BCH công đoàn đeo bám tại xưởng sản xuất, theo sát tình hình CNLÐ, chủ động tìm đến các chuyên gia nước ngoài khuyên họ trong thời điểm nhạy cảm, cần tránh những hành động, lời nói kích động công nhân, nên có lời lẽ đúng mức với NLÐ…
Với bảy năm giữ chức Chủ tịch CÐCS kiêm Trưởng ban nữ công, chị Chi đã đàm phán với chủ DN tạo nhiều chính sách có lợi hơn với LÐN, đó là chương trình “Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ”,… Với hơn 85% CNLÐ là LÐN, những việc làm thiết thực đối với LÐN của chị Chi đã thu hút gần 100% CNLÐ trở thành đoàn viên công đoàn. Chính điều này khiến chị Chi tự tin tại DN của mình không có những hành vi sai trái, quá khích.
Các trưởng ban nữ công CĐCS đều có chung một tâm sự, muốn làm tốt chức trách trước hết phải là người tận tâm, giỏi nghề, gương mẫu. Chỉ có như vậy, lời nói mới có trọng lượng với NLĐ. |
Chị Trịnh Thị Phi Nhíp, Trưởng ban nữ công, Công ty VAP (Hưng Yên) là một thí dụ điển hình. Những sáng kiến, sáng tạo của chị được áp dụng, làm lợi cho công ty hơn hai tỷ đồng/năm. Trên cương vị của mình, chị kịp thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo công ty phát động các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, động viên NLÐ thi đua, tìm tòi sáng tạo nhằm nâng cao thu nhập, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Làm gương cho NLÐ, chị Nhíp không ngừng có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nguyên liệu sản xuất, giảm nhân công… Năm 2013, chị vinh dự được Tổng LÐLÐ Việt Nam tặng Giải thưởng Nguyễn Ðức Cảnh.
“Không ít lần bật khóc”
Ngắm nhìn người trưởng ban nữ công nhỏ nhắn, xinh xắn trước mặt tôi, ít ai ngờ chị Vũ Thị Mai Loan, Chủ tịch CÐCS, kiêm Trưởng ban nữ công Công ty HongFu (Thanh Hóa) lại ẩn chứa trong mình sự nhiệt huyết đến vậy. Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ (Ðại học Quốc gia Hà Nội), chị Loan làm phiên dịch cho một số DN, rồi trúng tuyển vị trí trợ lý, phiên dịch cho Giám đốc điều hành. Ðúng lúc đó, CÐCS lâm thời của công ty ra mắt với gần 1.000 đoàn viên. Tập thể lãnh đạo công ty cùng LÐLÐ huyện Hoằng Hóa chỉ định chị Loan giữ chức chủ tịch công đoàn.
“Lúc nhận nhiệm vụ, tôi lo lắng không ăn không ngủ được. Kiến thức về công đoàn thì mơ hồ, lại làm phiên dịch cho chủ DN nên đông đảo CNLÐ chưa tin tưởng. Ðúng lúc đó, công ty xảy ra vụ ngừng việc tập thể xuất phát từ vụ ngộ độc thực phẩm vào tháng 3-2011. Ðứng trước sự phẫn nộ của cả “rừng người”, tôi rối bời, không biết xử lý thế nào, nên bật khóc. Cũng may nhờ sự dìu dắt, hỗ trợ, hướng dẫn của các cô chú, anh chị ở LÐLÐ tỉnh, huyện, tôi dần trang bị kiến thức, bản lĩnh để tự tin hơn. Khi NLÐ tin tưởng tôi, giới chủ cũng ủng hộ tổ chức công đoàn, tôi mới bớt dần lo lắng”. Chị Loan nhớ lại.
Chị cho biết, vừa qua, lãnh đạo Công ty HongFu vừa chấp nhận thực hiện quy định hỗ trợ LÐN nuôi con dưới sáu tháng tuổi mỗi tháng 50 nghìn đồng. Kể từ tháng 8-2013, CÐCS Công ty HongFu tới thăm từ ba đến năm gia đình CNLÐ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị giá một triệu đồng, với sự tham gia của chủ DN. Chính việc làm thiết thực này là sợi dây thắt chặt mối quan hệ chủ thợ, tạo sự gần gũi, thân thiện giữa ba bên, là cơ hội để giới chủ hiểu được cuộc sống của NLÐ còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn ngày đêm miệt mài làm lợi cho DN.
Bật khóc vì có những khi lực bất tòng tâm, đó không chỉ là chia sẻ của riêng Vũ Thị Mai Loan mà còn của nhiều trưởng ban nữ công khác. Hơn ai hết, các chị là những người gần gũi, thấu hiểu nhất những thiệt thòi, vất vả của đoàn viên, NLĐ của mình. |
Hai mươi năm làm cán bộ công đoàn, phần thưởng lớn nhất đối với Trưởng ban nữ công Công ty Changshin Việt Nam (Ðồng Nai) Ðoàn Thị Kim Loan là được tất cả công nhân trong công ty trìu mến gọi là “chị hai Changshin”. Công ty Changshin có hơn 23 nghìn lao động, với 82% là LÐN. Do vậy, đấu tranh cho quyền và lợi ích của LÐN luôn là điều chị Loan trăn trở.
Không chỉ chăm lo đời sống vật chất: từng bữa cơm ca, đồng phục, tiền phụ cấp ca, việc hiếu, hỷ đến đời sống tinh thần của công nhân, chị luôn đau đáu một ước mơ xây dựng cho con công nhân một nhà trẻ ngay trong khuôn viên nhà máy, mà chưa thành hiện thực. Lo chuyện người, nhưng bản thân mình lại đang rơi vào tình cảnh vợ chồng “Ngưu lang – Chức nữ”. Chồng chị hiện làm việc tại Bà Rịa – Vũng Tàu, vì vậy một tháng, đôi ba lần vợ chồng chị mới được gặp nhau. Chị Loan chia sẻ: “Suy từ mình, tôi luôn tạo điều kiện cho LÐN được về chăm con ốm. Nếu quản lý làm khó, tôi thường trực tiếp can thiệp nhằm có được sự hỗ trợ kịp thời cho NLД.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()