Làng mới nơi biên giới
Xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là một trong 11 xã của cả nước được chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM) theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Sau gần ba năm triển khai thực hiện đề án, bộ mặt nông thôn nơi đây đang dần đổi thay từng ngày. Đến nay 100% số người dân trong xã được sử dụng nước sạch.Thanh Chăn là xã biên giới nằm phía tây lòng chảo Điện Biên, tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 2.229,6 ha, trong đó đất nông nghiệp 1.649,3 ha (chiếm gần 74%); đất phi nông nghiệp 211,52 ha (chiếm 9,48%); còn lại là đất chưa sử dụng, chủ yếu là đất đồi núi. Toàn xã có 1.154 hộ dân với 4.735 nhân khẩu; xã có 17 thôn, bản, có hai dân tộc chính là Thái 2.557 người (chiếm 54% dân số toàn xã), dân tộc Kinh có 1.853 người (chiếm 39,1%), và các dân tộc thiểu số khác. Địa hình của xã được chia làm hai vùng cao và thấp, vì vậy vấn đề sử dụng nguồn nước sạch rất khó khăn. Trao đổi ý kiến với chúng tôi,...
Thanh Chăn là xã biên giới nằm phía tây lòng chảo Điện Biên, tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 2.229,6 ha, trong đó đất nông nghiệp 1.649,3 ha (chiếm gần 74%); đất phi nông nghiệp 211,52 ha (chiếm 9,48%); còn lại là đất chưa sử dụng, chủ yếu là đất đồi núi. Toàn xã có 1.154 hộ dân với 4.735 nhân khẩu; xã có 17 thôn, bản, có hai dân tộc chính là Thái 2.557 người (chiếm 54% dân số toàn xã), dân tộc Kinh có 1.853 người (chiếm 39,1%), và các dân tộc thiểu số khác. Địa hình của xã được chia làm hai vùng cao và thấp, vì vậy vấn đề sử dụng nguồn nước sạch rất khó khăn.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn Cà Văn Pánh cho biết: “Trước khi triển khai mô hình nông thôn mới, toàn xã chỉ có 4,8% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ có đủ ba công trình vệ sinh (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt gần 5%, xã không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải và thoát nước bẩn. Muốn sử dụng nước sạch, người dân chỉ còn cách khoan, đào giếng rồi dùng thẳng. Còn một số hộ dân sống gần khu vực suối, ao, hồ thì sử dụng nguồn nước đó để sinh hoạt. Thời điểm đó, trong xã, nhiều người dân bị các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh sỏi thận, do sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm”.
Chỉ mấy tháng trước, chúng tôi đến Thanh Chăn, khi cả xã đang xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho nhân dân. Theo thiết kế, toàn xã có hai hệ thống nước sạch lấy từ dòng suối trong mát Huổi Cưởm và Huổi Bẻ, tổng số vốn đầu tư cho hệ thống bể nước, đường nước là 15,7 tỷ đồng, với chiều dài đường nước sinh hoạt của hệ thống toàn xã là 73 km, dẫn nước về từng hộ gia đình ở 17/17 thôn, bản. Nước sạch là niềm mơ ước không chỉ của riêng người dân xã Thanh Chăn mà trên toàn tỉnh, vì vậy khi khởi công xây dựng hệ thống đường nước sạch, dân bản, người nào cũng hào hứng, hăng hái vào cuộc, người tay xẻng, tay cuốc, người khuân vác ống nhựa… để cùng làm nên một hệ thống nước sạch ở nông thôn đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Trò chuyện với chị Quàng Thị Thin (dân tộc Thái), bản Lếch Cang, xã Thanh Chăn, khi chị đang giặt quần áo tại sân nhà mình, chị Thin cho biết: “Trước đây, mùa khô không có nước còn mùa mưa thì nước đục ngầu, nên khi xã làm hệ thống nước về từng hộ dân/chúng tôi mừng lắm. Giờ không phải ra tận suối (cách nhà 3 km) để giặt quần áo nữa, nấu cơm, nấu nước cũng lấy nước từ đây, chỉ cần vặn cái vòi là nước chảy. Gia đình tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm”.
Không chỉ người dân ở bản Lếch Cang, mà người dân ở các bản khác trên địa bàn xã cũng vui mừng khi được sử dụng nước sạch. Để công trình sớm được triển khai, theo mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền xã Thanh Chăn đã huy động người dân đóng góp 10% số vốn của công trình. Khi hiểu rõ được lợi ích từ việc sử dụng nước sạch sinh hoạt theo Chương trình NTM, người dân ở địa phương hưởng ứng nhiệt tình. Hiện nay, người dân xã Thanh Chăn chỉ phải trả hai nghìn đồng/m3 nước. “Số tiền này thu của người dân còn chưa bằng một nửa trong thành phố Điện Biên Phủ, chủ yếu chi cho việc bảo dưỡng hệ thống đường ống, máy bơm, bể nước, giao cho tổ hợp tác xã quản lý vận hành nước của xã quản lý chi, tiêu”, Chủ tịch Pánh cho biết thêm.
Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên), tính đến cuối tháng 11-2011, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 75% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Đặng Văn Biên cho biết: “Xã Thanh Chăn là xã duy nhất trên địa bàn tỉnh có 100% số dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Sau khi đưa vào sử dụng và kiểm tra nồng độ nước, áp suất máy bơm đủ điều kiện ở Thanh Chăn chúng tôi tiếp tục áp dụng mô hình xây dựng của Thanh Chăn đối với các công trình nước sạch như Nậm Hẹ tại xã Núa Ngam (huyện Điện Biên), trung tâm xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa).
Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì của Tây Bắc. Mong ước được sử dụng nước sạch sinh hoạt luôn ấp ủ trong lòng bà con nơi đây nhưng chưa mấy nơi tìm được mô hình, hướng đi đúng. Cách làm của xã Thanh Chăn về Chương trình xây dựng NTM tạo được sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân là mô hình đáng khích lệ để nhân rộng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()