Trải qua năm tháng, những lớp vữa trát bong đi, phô ra những mảnh gốm vỡ, khiến những con ngõ của Thổ Hà tựa như những bức phù điêu gốm độc đáo. Cái không gian đặc quánh chất gốm thô mộc khiến ta như thấy thời gian dừng lại. Làng gốm Thổ Hà bình yên nghiêng mình bên dòng sông Cầu lơ thơ, như hàng trăm năm nay vẫn thế... Vẽ hoa văn trang trí lên sản phẩm gốm Thổ Hà. Con sông Cầu đang chảy theo hướng nam, đến đoạn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bỗng "vặn mình" chuyển hướng bắc. Cái "vặn mình" ấy tạo ra một "bán đảo". Trên bán đảo đó là làng gốm cổ Thổ Hà. Và để đến ngôi làng cổ kính này, cách thức phổ biến nhất là đi đò qua sông. Sông hẹp, cho nên thoáng thấy có khách ở phía bờ bên kia là chủ đò lập tức cho thuyền sang. Cập bến Thổ Hà, phải leo một con dốc ngược đến ba, bốn chục độ mới lên được bờ. Chưa lên hết dốc, đã thấy lấp ló bên gốc đa những đầu đao vút cong của mái đình làng....
Trải qua năm tháng, những lớp vữa trát bong đi, phô ra những mảnh gốm vỡ, khiến những con ngõ của Thổ Hà tựa như những bức phù điêu gốm độc đáo. Cái không gian đặc quánh chất gốm thô mộc khiến ta như thấy thời gian dừng lại. Làng gốm Thổ Hà bình yên nghiêng mình bên dòng sông Cầu lơ thơ, như hàng trăm năm nay vẫn thế…
Vẽ hoa văn trang trí lên sản phẩm gốm Thổ Hà.
Con sông Cầu đang chảy theo hướng nam, đến đoạn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bỗng “vặn mình” chuyển hướng bắc. Cái “vặn mình” ấy tạo ra một “bán đảo”. Trên bán đảo đó là làng gốm cổ Thổ Hà. Và để đến ngôi làng cổ kính này, cách thức phổ biến nhất là đi đò qua sông. Sông hẹp, cho nên thoáng thấy có khách ở phía bờ bên kia là chủ đò lập tức cho thuyền sang. Cập bến Thổ Hà, phải leo một con dốc ngược đến ba, bốn chục độ mới lên được bờ. Chưa lên hết dốc, đã thấy lấp ló bên gốc đa những đầu đao vút cong của mái đình làng. Đi vài chục bước chân là cổng làng cổ kính. Lâu nay trong tâm trí của nhiều người, hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình… như chỉ còn là hoài niệm. Nhưng ở Thổ Hà, những hình ảnh đó là thật, thật đến khó tin.
Đình Thổ Hà được dựng từ cuối thế kỷ 17, trên nền đá tảng xanh chia làm ba cấp, mái đình lợp ngói mũi hài, bốn góc là đầu đao cong mềm tựa như những con sóng. Trên góc mái gắn tượng linh thú. Nền nhà bái đường được lát đá xanh, qua tháng năm, bước chân người mài đá nhẵn bóng. Đứng ở giữa tòa bái đường nhìn lên, thấy con người lọt thỏm giữa không gian mênh mông mà trang nghiêm của chốn linh thiêng. Tòa bái đường dài 27 m, lòng rộng ngót 16 m. Tổng cộng bảy gian được đỡ bởi 48 chiếc cột lim, chu vi cột hơn một vòng tay người ôm. Điều hiếm thấy trong cách thức trang trí ở những nơi tôn nghiêm, lại có ở Thổ Hà. Đó là hình ảnh những cô gái mặc váy dài, yếm, tóc búi hoặc chít khăn với nét mặt rạng rỡ. Cô cưỡi phượng, cô đạp rồng, cô nhảy múa với mây…
Thổ Hà là đất gốm. Từ khi còn chơi vơi trên đò, đã thấy mặt tiền của ngôi làng được nhuộm sắc nâu đỏ của gốm sành. Điều kỳ lạ ở Thổ Hà là không gian của đời sống con người vẫn thấm đẫm nếp xưa. Thổ Hà cách TP Bắc Ninh đúng một quãng đò. Với người Thổ Hà, khái niệm “ra tỉnh”, hay có nhu cầu mua sắm gì “trên tỉnh”, nghĩa là ra trung tâm của tỉnh bạn, chứ không phải ngược lên thành phố Bắc Giang. Cách thị thành có một quãng ngắn, thế mà Thổ Hà cứ như ở một thế giới khác.
Cùng với gốm Bát Tràng, Phù Lãng, gốm Thổ Hà có lịch sử từ mấy trăm năm. Đến nay, làng gốm chỉ còn lò gốm của nghệ nhân Trịnh Đắc Tân đỏ lửa, nhưng dấu ấn về nghề gốm vẫn vẹn nguyên. Thổ Hà mong manh như một mảnh trăng lưỡi liềm bên dòng Nguyệt Đức. Làng dài chừng hơn một cây số, chỗ rộng nhất chỉ quãng vài ba trăm mét, có một trục đường chính chạy từ đầu làng đến cuối làng. Từ đó, tỏa đi những con ngõ nhỏ. Đất chật, người đông, nhà nhà xây sát ra ngõ khiến con ngõ trở thành những cái ống hun hút. Những con ngõ nhỏ là đặc trưng của Thổ Hà. Đặc trưng đó ảnh hưởng rất lớn đời sống của người dân nơi này. Hàng trăm năm nay, cứ rời khỏi trục đường chính, là đoàn rước dâu trên đất Thổ Hà chỉ có thể… đi hàng một. Nhiều thợ chụp ảnh đám cưới phải toát mồ hôi để chọn khuôn hình khi chú rể đi trước, còn cô dâu lẽo đẽo theo sau.
Nếu nói đôi khi có kiệt tác nghệ thuật được tạo ra từ sự tình cờ, thì đến Thổ Hà ta có thể tìm ra một minh chứng cho cái điều đôi khi ấy. Nghề gốm Thổ Hà đã “tặng” lại cho người đời những ngôi nhà gốm không đâu có được. Vì sau mỗi mẻ gốm luôn có phế phẩm, và người Thổ Hà lại có thêm những công trình mới. Đó là những công trình được làm nên từ mảnh chum, vại vỡ, từ những chiếc tiểu sành méo mó. Trước đây, người Thổ Hà xây nhà, xây tường, trang trí bằng chính những phế phẩm ấy. Tường nhà chia làm hai phần, phần dưới thấp làm bằng mảnh gốm vỡ, phía trên cao, người làm nhà cứ úp nguyên những cái tiểu sành lên. Trải qua năm tháng, những lớp vữa trát bong đi, phô ra những mảnh gốm vỡ, khiến những con ngõ của Thổ Hà trở thành những bức phù điêu gốm độc đáo.
Làng gốm đẹp thô mộc. Người làm gốm mộc mạc như đất. Có thể nói thế về nghệ nhân duy nhất của làng Thổ Hà là Trịnh Đắc Tân. Ngay cả khi tiếp những vị khách nước ngoài, tóc tai ông Tân vẫn… bện đất. Nghệ nhân Trịnh Đắc Tân nói rằng: “Nghề này không “ăn đất”, khó mà thành”. Bốn chục năm trước, khi ông Tân đeo ba-lô lên đường nhập ngũ, cả làng mấy chục lò gốm hừng hực đỏ. Khi ông trở về, Thổ Hà đã mất nghề. Bản thân ông Tân vốn không rành lắm về nghề gốm, nhưng dòng họ nhà ông có nhiều bậc tiền bối gắn với nghiệp này. Ông Tân lấy những lư hương, chậu đại cảnh của các cụ ra ngồi lặng ngắm, tiếc rẻ… và ông quyết tâm khôi phục nghề gốm. Khởi nghiệp khi những lò gốm Thổ Hà tắt lửa đã hai chục năm, nhiều thợ giỏi đã về với tổ tiên, là vô cùng gian nan. Gốm phải nung bốn ngày bốn đêm trở lên mới ra được đúng “chất” của gốm Thổ Hà. Nhưng thời gian chưa phải trở ngại chính. Gốm Thổ Hà được làm từ đất sét mịn, độ co ngót rất lớn, chỉ không đều lửa, là hàng loạt sản phẩm cong vênh, méo nứt. Trong thời gian mấy ngày mấy đêm, lại phải trải qua nhiều giai đoạn tăng giảm nhiệt độ khác nhau mới cho ra sản phẩm “chín rẫy”. Ngay cả những sư lò (thầy đốt lò) kinh nghiệm nhất cũng không thể dám chắc mẻ sau sẽ tốt hơn mẻ trước. Và một điều không đơn giản nữa, chỉ có nung bằng cỏ tranh, nung bằng củi mới ra đúng chất gốm Thổ Hà. Bởi thế, dù đã được nhiều bậc thầy như các cụ Cáp Trọng Truyện, Nguyễn Đức Sinh, Trịnh Đức Chỉnh,… cố vấn và giúp đỡ, nhưng những mẻ gốm đầu tiên của ông Trịnh Đắc Tân, đổ vào bao nhiêu mồ hôi nước mắt và tiền bạc, nhưng cũng chỉ là phế phẩm.
Những mẻ gốm đầu tiên phải bỏ đi. Những mẻ gốm tiếp theo bước đầu thành công, song tỷ lệ gốm thành phẩm thấp. Thu không đủ bù chi. Đến khi tìm được giải pháp kỹ thuật để tỷ lệ thành phẩm cao, thì gặp vướng mắc về mặt bằng. Tạm thời, lò gốm phải tắt lửa. Dẫu vậy, ông Trịnh Đắc Tân vẫn coi đó là lẽ thường ở đời. Điều quan trọng là kỹ thuật làm gốm đã được khôi phục hoàn toàn. Ông nghệ nhân của đất cười và bảo: “Nói thật, “học phí” cao quá. Nhưng giờ thì chúng tôi đã làm được những sản phẩm cao cấp nhất của dòng gốm Thổ Hà”. Ông cùng vợ con tiếp tục tráng bánh, tích cóp tiền đầu tư một xưởng mới, với lò gốm cải tiến hiệu suất cao. Lò gốm nghệ nhân Trịnh Đắc Tân không làm đồ gia dụng như trước, mà là đồ mỹ thuật trang trí ngoại thất và tiểu sành. Về giá trị đồ gốm mỹ thuật, có một minh chứng nhỏ: Năm 2010, một người khách vừa mua của nghệ nhân Trịnh Đắc Tân chiếc chậu cảnh giá bảy triệu đồng, ngay sau khi bê về nhà đã có người mua lại 15 triệu đồng. Vậy mà, cái giá đó vẫn được một số người cho là… rẻ! Còn tiểu sành, cứ ra lò cái nào là hết cái đó.
Còn quá sớm để có thể nói đến sự sống dậy của một làng nghề, nhưng sự trở lại của nghề gốm, của sản phẩm gốm Thổ Hà đã được khẳng định. Thổ Hà – bảo tàng của những ngôi nhà gốm, thu hút khá đông khách du lịch. Nhưng đã có không ít ngôi nhà gốm bị phá bỏ vì nhu cầu cuộc sống. Con đường lát gạch nghiêng đã được thay bằng đường bê-tông. Nghệ nhân Trịnh Đắc Tân cho rằng, nếu giữ được những ngôi nhà gốm, nếu được quan tâm, Thổ Hà chắc chắn sẽ là một ngôi làng di sản. Thổ Hà cần một hướng phát triển hài hòa giữa nhu cầu cuộc sống con người và những di sản của quá khứ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()