Cụ Đón đang nặn đồ gốm. Từ phố cổ Hội An, thuê 25 nghìn đồng/chiếc xe đạp, đạp chừng ba km về hướng tây dọc theo dòng sông Thu Bồn, chúng tôi về làng gốm Thanh Hà, nơi có những sản phẩm gốm nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam và là một trong những điểm du lịch thu hút khá đông khách trong nước, nước ngoài đến thăm, mua đồ.Không hẹn mà gặp, khi chúng tôi đến đầu làng (phường Thanh Hà) cô cháu họ cụ Đón, chị Bùi Thị Tường Vi đón chúng tôi ngay tại đầu làng, nơi treo tấm ảnh nghệ nhân Phạm Thị Đón trên tay với những sản phẩm đặc trưng của làng tươi cười mời chào du khách đến thăm. Vừa đi, Vi vừa giới thiệu sơ qua về làng gốm. Chị nói: nếu các anh, chị muốn biết kỹ hơn về lịch sử của làng thì gặp bà em, hiện cụ là một trong bốn nghệ nhân cao tuổi của làng.Tiếp chúng tôi ngay tại nơi sản xuất, cụ Phạn Thị Đón, 86 tuổi, tuy mắt đã mờ, nhưng còn minh mẫn và nhanh nhẹn, hai bàn tay cụ thoăn thoắt tạo nặn,...
Cụ Đón đang nặn đồ gốm. |
Từ phố cổ Hội An, thuê 25 nghìn đồng/chiếc xe đạp, đạp chừng ba km về hướng tây dọc theo dòng sông Thu Bồn, chúng tôi về làng gốm Thanh Hà, nơi có những sản phẩm gốm nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam và là một trong những điểm du lịch thu hút khá đông khách trong nước, nước ngoài đến thăm, mua đồ.
Không hẹn mà gặp, khi chúng tôi đến đầu làng (phường Thanh Hà) cô cháu họ cụ Đón, chị Bùi Thị Tường Vi đón chúng tôi ngay tại đầu làng, nơi treo tấm ảnh nghệ nhân Phạm Thị Đón trên tay với những sản phẩm đặc trưng của làng tươi cười mời chào du khách đến thăm. Vừa đi, Vi vừa giới thiệu sơ qua về làng gốm. Chị nói: nếu các anh, chị muốn biết kỹ hơn về lịch sử của làng thì gặp bà em, hiện cụ là một trong bốn nghệ nhân cao tuổi của làng.
Tiếp chúng tôi ngay tại nơi sản xuất, cụ Phạn Thị Đón, 86 tuổi, tuy mắt đã mờ, nhưng còn minh mẫn và nhanh nhẹn, hai bàn tay cụ thoăn thoắt tạo nặn, miệng hướng dẫn du khách làm ra những sản phẩm theo ý muốn của mình. Cụ Đón bộc bạch: Cư dân Thanh Hà có nguồn gốc chủ yếu ở vùng Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương vào định cư từ khoảng cuối thế kỷ 15. Trong buổi sơ khai, khi đồ dùng của đại bộ phận dân cư chủ yếu là đồ gốm sứ, đất nung thì cư dân ở đây đã tiếp tục truyền thống của cha ông, khai thác địa thế thuận lợi của vùng đất mới để phát triển nghề gốm. Theo cách nhớ của người làng Thanh Hà thì năm 1516, nghề gốm bắt đầu sản xuất tại làng Thanh Chiêm (nay là khối phố 6 phường Thanh Hà), nhưng do không hợp phong thủy nên dời lên Nam Diêu (tức khối phố 5 phường Thanh Hà). Nam Diêu có nghĩa là lò gốm phía nam. Hiện nay, tại Nam Diêu còn miếu Tổ nghề của làng. Hằng năm, người dân làng gốm tổ chức lễ tế Xuân vào ngày mùng mười tháng Giêng nhằm cúng tổ tiên, mong cho chư thần, tổ nghề và các bậc tiền nhân ban cho năm mới bình an, làng nghề phát triển. Nhiều thế kỷ qua, nghề làm gốm và gạch ngói ở Thanh Hà nổi tiếng không chỉ ở xứ Quảng mà cả nước và nước ngoài. Tại Đình thờ làng nghề ghi rõ: “… Sản phẩm gốm Nam Diêu, Thanh Hà chủ yếu không có men, xương gốm mịn, hình dáng cân đối, mềm mại. Một số đồ gia dụng còn được điểm xuyết hoa văn viền chỉ nổi ở quanh vai hoặc có men đơn sắc mầu nâu đen, vàng sậm… Trong lịch sử, do có vị trí cận thị, cận giang cùng với đội ngũ vận tải bằng ghe bầu đông đảo nên sản phẩm gốm Nam Diêu, Thanh Hà không chỉ tiêu thụ mạnh ở cảng thị Hội An, các tỉnh duyên hải miền trung mà có giai đoạn còn là một mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Sản phẩm gốm Thanh Hà đã được sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi danh trong phần thổ sản tỉnh Quảng Nam…”.
Cụ Đón vốn không phải là người gốc của làng gốm Thanh Hà, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cụ được ông, bà Bùi Thanh Mai (chủ lò gốm hiện nay) đón về nuôi từ khi mới 20 tuổi. Khi đó, cụ Đón không được học nghề vì nghề này chỉ truyền lại cho con, cháu trong làng, nhưng với quyết tâm học được nghề, cụ lân la làm quen, nhìn từng động tác nắn, vuốt, tạo hình và rồi những sản phẩm cụ làm ra không thua kém gì những thợ được truyền nghề. Từ đó, cụ chính thức trở thành người làm gốm và là một trong bốn cụ có tuổi đời gần 90 trở lên, gồm các cụ: Nguyễn Thị Được (Phú); Lê Thị Chiến (Đông) và Lê Trạch, được Nhà nước công nhận là nghệ nhân.
Làng gốm phường Thanh Hà có 302 hộ, với 1.537 nhân khẩu, nhưng chỉ có 25 hộ theo nghề. Khối phó an ninh phường, cũng là người làm gốm, anh Lê Văn Xê cho biết: Đất sét lấy về dùng xuồng xăm kỹ, nhào nhuyễn rồi dùng kéo xén đất, cắt mỏng ba đến bốn lần. Sau đó dùng sức người đạp đi đạp lại để tăng độ liên kết. Khi đất đã được luyện kỹ thì chia thành từng phần mới bắt đầu tạo dáng. Muốn tạo dáng trước tiên phải chuốt. Khi chuốt phải có hai người, một người đứng một chân còn chân kia đạp bàn xoay trong khi đó hai tay làm con đất. Người còn lại lấy con đất đặt lên bàn xoay, cuốn thành hình sâu kèn rồi dùng cái sò, vòng, giẻ thấm nước để tạo dáng sản phẩm. Khi đã tạo dáng xong thì đem ra ngoài nắng phơi. Phơi gốm se lại thì sẽ dập hoa văn hay trang trí tùy ý. Đối với sản phẩm có đáy bầu sau khi phơi se lại thì được đưa vào bàn xoay lần thứ hai úp ngược để tạo dáng. Gốm được phơi kỹ thì chất vào lò, nhóm lửa khoảng bảy đến tám giờ thì xem khói đốt đã hết mới bắt đầu đốt thật lớn cho đến độ thì tắt lửa. Người thợ dùng “gốm thăm” trong lò kéo ra để thử. Nghỉ lửa thì phá cửa lò cho rộng để mau nguội khoảng 12 tiếng đồng hồ sau cho ra lò. Thời gian nung một lò tổng cộng trong 25 ngày. Gốm ở Thanh Hà chủ yếu là gốm sành nâu, thỉnh thoảng có gốm tráng men. Sản phẩm phong phú đa dạng như bình vôi ăn trầu, chân đèn, tò he, tu huýt, ngói âm dương, ngói vẩy cá…
Đang dở câu chuyện bất chợt cơn mưa ập đến, xin lỗi khách, anh Xê vội chạy ra cùng người nhà cất đồ đang phơi nắng. Như anh nói, các sản phẩm của làng chủ yếu là gốm thô, vì vậy sau khi nặn xong đem phơi nắng cho khô, tiếp đó trình bày họa tiết rồi mới đưa vào nung, nếu gặp mưa là coi như hỏng hết. Vào mùa nước lên, không ai bảo ai, nhà làm nghề cũng như nhà không làm nghề mọi người đồng lòng giúp nhau chuyển đồ lên cao bảo quản cẩn thận để sau khi nước rút, làng lại có những sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu gốm Thanh Hà.
Hiện nay, người dân làng gốm Thanh Hà đang làm đúng những công việc và theo đúng cách cha ông họ đã làm trong những thế kỷ trước. Với đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện của những nghệ nhân, những người thợ, những chiếc lọ hoa xinh xắn, bình trà, bình rượu, ấm, chum, hũ, vại và con vật thân thương gắn liền cuộc sống đời thường cứ lần lượt ra đời. Những ngôi nhà cổ ở Hội An đang cần đến bàn tay khéo léo và khối óc thông minh, sáng tạo của những người thợ gốm Thanh Hà. Họ chính là đối tác duy nhất có thể cung cấp những viên gạch xây, viên ngói lợp đúng tiêu chuẩn, hợp quy cách, chất lượng cao phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn Hội An, Di sản Văn hóa thế giới và từng bước đem lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Theo Nhandan
Ý kiến ()