Lăng Gia Long, nơi an nghỉ của vị vua đầu tiên triều Nguyễn
Dù nằm cách xa kinh thành nhất, lăng Gia Long lại là lăng đặc biệt hơn tất cả các lăng tẩm vua chúa khác ở Huế. Đây là nơi an nghỉ của vị hoàng đế đầu tiên sáng lập ra triều Nguyễn, là sự kết hợp hoàn hảo của kiến trúc và thiên nhiên, một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp của sự hùng vĩ, thơ mộng, hoang sơ mà cũng không kém phần liêu trai.
Hoàng đế Gia Long tên húy là Nguyễn Phúc Ánh, sinh năm 1762. Ông là vị hoàng đế sáng lập ra nhà Nguyễn – triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam – lên ngai vàng năm 1802, sử dụng niên hiệu là “Gia Long” và trị vì đất nước đến khi qua đời năm 1820. Cũng dưới thời vua Gia Long, Quốc hiệu Việt Nam lần đầu tiên chính thức được sử dụng vào năm 1804.
Lăng Gia Long còn gọi là Thiên Thọ lăng, được xây từ năm 1814 đến năm 1820. Đây là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến vua Gia Long. Ngày nay, Lăng Gia Long nằm trong một vùng núi hoang sơ, non xanh nước biếc thuộc xã Hương Long, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Toàn bộ khu vực gồm 42 ngọn đồi, núi lớn nhỏ trong đó có núi Đại Thiên Thọ là lớn nhất, nằm án ngữ, tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này.
Đường vào lăng Gia Long xuyên qua khu rừng thông rộng lớn. Chính thiên nhiên ở đây, rừng thông xanh mướt đã làm nên đường biên tự nhiên cho khu lăng mộ, bởi lăng Gia Long không xây dựng la thành bao bọc bên ngoài giống lăng tẩm các vua Nguyễn khác. Trước đây, phương tiện duy nhất đến đây chỉ là đường thủy, đò ngang của người dân quanh vùng hoặc thuyền lớn xuôi theo dòng Hương Giang qua chùa Thiên Mụ, Điện Hòn Chén… Xa xôi cách trở như vậy nên rất hiếm người ghé thăm, lăng Gia Long luôn trong tình trạng vắng khách, u tịch và xuống cấp. Ngày nay, du khách có thể đến thăm lăng Gia Long bằng hai lối: lối cầu phao do người dân tự bắc qua sông Tả Trạch, lối thứ hai đường lớn chạy qua cầu Tuần, qua lối lăng vua Minh Mạng, tiếp tục qua cầu Hữu Trạch bắc qua sông cùng tên.
Đi hết rừng thông sẽ bắt gặp hai trụ biểu uy nghi khổng lồ nằm ngoài cùng lăng, đây là những cột được xây với mục đích báo hiệu, nhắc nhở mọi người phải kính cẩn, không ồn ào khi đi qua khu vực này. Ban đầu có tới 85 cột trụ biểu như thế bao quanh, ngày nay do sự tàn phá của thời gian mà chỉ còn lại hai cột.
Lăng vua Gia Long nằm trên một ngọn đồi bằng phẳng, trước mặt là núi Đại Thiên Thọ án ngữ, sau có bảy ngọn núi làm hậu chẩm, trái phải mỗi bên 14 ngọn núi gọi là “Tả Thanh Long – Hữu Bạch Hổ”. Tổng thể lăng chia làm ba khu vực.
Chính giữa trung tâm là mộ vua Gia Long và mộ bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Đây là điều đặc biệt nhất trong các lăng mộ vua Nguyễn, duy nhất ở đây phần mộ có cả vua và hoàng hậu. Sở dĩ vậy vì bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu chính là người vợ đã “nếm mật nằm gai” cùng nhà vua, luôn sát cánh cùng vua Gia Long từ lúc chạy nạn, chiến chinh, đến khi lên ngôi báu… nên đã được nhà vua cho phép đi cùng sau khi qua đời. Đây là hai mộ đá đặt cạnh nhau, dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức”, một hình ảnh đẹp của hạnh phúc và thủy chung. Mộ phần của vua Gia Long nằm bên phải nhìn từ ngoài vào, chính giữa hai mộ theo trục xuyên tâm là ngọn Đại Thiên Thọ. Hai mộ đá cách nhau chỉ một gang tay, có cùng kích thước, không một nét hoa văn, chạm trổ, không sơn son thiếp vàng, qua thời gian ngả dần sang màu đen xám.
Bảo vệ bên ngoài song mộ là bức tường thành kiên cố được gọi là “Bửu Thành”. Có bảy cấp sân tế dẫn lên Bửu Thành.
Cánh cổng bằng đồng của Bửu Thành chính là nơi dẫn vào chốn yên giấc ngàn thu của vua và hoàng hậu. Một năm cánh cổng này chỉ mở cửa vài lần vào ngày lễ Tết, ngày giỗ… để sang sửa, dọn dẹp vệ sinh.
Phía dưới bảy cấp sân tế là sân chầu, hai bên là hai hàng tượng đá tạc hình quan văn, quan võ đứng chầu, ngoài ra còn có cả tượng đá voi chiến, ngựa chiến.
Bên trái khu lăng mộ là Bi Đình, được xây dựng giữa một không gian rừng thông. Bi Đình là nhà bia ghi công trạng, một công trình kiến trúc quen thuộc có ở hầu hết các lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn.
Trong Bi Đình đặt tấm bia “Thánh Đức thần công” chạm khắc tinh tế, sau gần 200 năm vẫn còn rõ chữ. Đây là tấm bia của vua Minh Mạng dựng lên ca ngợi vua cha Gia Long của mình.
Bi Đình phủ ngói lưu ly quen thuộc dưới triều Nguyễn, ngói lưu ly là vật liệu được dùng xây dựng Kinh Thành, Hoàng Thành, Tử Cấm Thành, cung diện, lăng tẩm,…
Bên phải khu lăng mộ là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Điện Minh Thành là nơi thờ, thắp hương lễ bái hoàng đế và hoàng hậu thứ nhất là bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu.
Ba lối bậc cấp dẫn lên điện thờ được tạo thành từ bốn con rồng đá uy nghiêm ngậm ngọc, tay cầm hý cầu.
Điện Minh Thành ngày trước có thờ nhiều kỷ vật gắn liền với cuộc đời bôn ba chiến chinh của vua Gia Long như mũ, đai, yên ngựa. Minh Thành có nghĩa là “sự hoàn thiện rực rỡ”, thế nhưng thật bất ngờ khi khu tẩm điện này rất đơn giản, chỉ có dấu ấn thời gian, không cầu kỳ, không sơn son thếp vàng như một số tẩm điện ở các lăng khác.
Lăng Gia Long còn là quần thể lăng tẩm của hoàng quyến vua Gia Long, có thể kể đến lăng chúa Nguyễn đời trước, lăng vợ chúa Nguyễn, lăng mẹ vua Gia Long, lăng chị ruột vua… Ngoài chính lăng tẩm của vua Gia Long và hoàng hậu thì lăng tẩm được chú ý nhất, đẹp nhất tiếp theo chính là lăng Thiên Thọ Hữu, nơi chôn cất vợ thứ hai của vua Gia Long – bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu. Thời điểm này (tháng 7-2020) lăng Thiên Thọ Hữu đang trong thời gian tu sửa, bảo tồn… cùng với một số công trình khác của lăng Gia Long.
Thuận Thiên Cao hoàng hậu tên thật là Trần Thị Đang, tôn hiệu là Thánh Tổ mẫu, quê gốc Thanh Hóa. Bà cùng với Thừa Thiên Cao hoàng hậu là hai người vợ gắn bó với vua Gia Long từ thuở hàn vi lập nghiệp. Bà chính là thân mẫu sinh ra vua Minh Mạng, vị hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn, kế tục vua cha Gia Long.
Trước cổng lăng mộ Thiên Thọ Hữu là đầm sen rộng mênh mông, với cặp rồng ở chân bậc đá nhìn thẳng về cặp trụ biểu khổng lồ đằng xa.
Sen ken đặc nở kín đầm trước lăng, mùa hè cũng là mùa đẹp nhất đến thăm lăng Gia Long, lăng Thiên Thọ Hữu, vừa là mùa hoa sen, vừa là mùa hoàng hôn đẹp nhất. Mỗi khi chiều tà buông xuống là lúc toàn bộ khu lăng tẩm, hồ sen, núi đồi, rừng thông hiện lên vừa hùng tráng, vừa kì vĩ nhưng cũng không kém phần cô liêu, u tịch.
Toàn cảnh điện Gia Thành nơi thờ thân mẫu vua Minh Mạng, nằm kế bên phải lăng mộ bà. Điện Gia Thành là một công trình kiến trúc được mô phỏng xây theo kiến trúc điện Minh Thành, cũng giản dị, không cầu kỳ… Tuy vậy, đây lại là công trình được nhiều người yêu thích, hòa hợp với cảnh quan nhất của toàn bộ hệ thống lăng hoàng đế Gia Long.
Ý kiến ()