Làng bún Mỹ Tho vạ lây vì “bún bẩn” ở TP Hồ Chí Minh
Thông tin bún tươi có chứa chất Tinopal và acid Oxalic (chất tẩy trắng, cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm) được phát hiện ở TP Hồ Chí Minh khiến làng nghề sản xuất bánh, bún truyền thống ở TP Mỹ Tho, Tiền Giang bị vạ lây.
– Thông tin bún tươi có chứa chất Tinopal và acid Oxalic (chất tẩy trắng, cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm) được phát hiện ở TP Hồ Chí Minh khiến làng nghề sản xuất bánh, bún truyền thống ở TP Mỹ Tho, Tiền Giang bị vạ lây.
Từ chợ lớn đến chợ nhỏ ở TP. Mỹ Tho những ngày này, nơi nào cũng nghe tiểu thương kinh doanh mặt hàng bún tươi than vãn ế ẩm. Không riêng mặt hàng bún tươi, các sản phẩm từ bột gạo và sử dụng tươi, ăn liền như bánh canh, bánh hỏi, bánh tằm…cũng bị vạ lây vì thông tin bún tươi ở TP Hồ Chí Minh chứa chất độc hại.
Chúng tôi tìm về xã Mỹ Phong và phường 9 thành phố Mỹ Tho, nơi có làng nghề truyền thống hơn 100 năm tuổi chuyên sản xuất bún tươi, bánh canh, hủ tíu, bánh hỏi….
Ông Ba Thuận (ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong) cho biết: Sau khi báo chí đăng tải thông tin bún tươi có chứa chất cấm độc hại, mặc dù chỉ xảy ra ở TP Hồ Chí Minh, nhưng các lò sản xuất bún tươi, bánh canh, bánh hỏi của làng nghề tại đây đều bị ảnh hưởng, sản lượng sụt giảm. “Sản phẩm của làng nghề thường xuyên được ngành y tế lấy mẫu kiểm tra, từ trước đến nay chưa có điều tiếng gì, vậy mà bây giờ lại khốn đốn vì chuyện bị “vạ lây” này – ông Ba Thuận nói.
Tại khu phố 2, phường 9, ông Võ Văn Tuấn, tổ trưởng tổ sản xuất bún tươi, bánh canh, bánh hỏi của làng nghề truyến thống cũng không kém phần ngao ngán: Làng nghề có hơn 20 lò sản xuất, mỗi ngày đưa ra thị trường khoảng 10 tấn sản phẩm cung cấp cho các chợ trong tỉnh. Những ngày lễ tết hoặc thứ bảy, chủ nhật, đơn đặt hàng nhiều, sản lượng tăng gấp đôi. Tuy nhiên, những ngày gần đây các lò sản xuất bún tươi, bánh canh, bánh hỏi của làng nghề đều giảm sản lượng hơn 30%.
Ông Tuấn kể: “Gia đình tôi và các hộ sản xuất bún tươi, bánh canh, bánh hỏi…của làng nghề đều tuân thủ quy trình sản xuất do ông cha truyền lại với bí quyết riêng nên cho ra sợi bún tươi ngon, dai nổi tiếng nhiều năm qua, chứ làm gì có chuyện tẩm ướp hóa chất độc hại vào sản phẩm để…tự giết mình, bởi làm ăn gian dối thì trước sau gì cũng bị cơ quan chức năng và người tiêu dùng phát hiện, tẩy chay”.
Theo ông Tuấn, bí quyết để sợi bún tươi của làng nghề truyền thống ngon nổi tiếng suốt nhiều năm qua nằm ở khâu chọn gạo nguyên liệu và ép bột. “ Gạo trắng, khô, ngon để sản xuất bún, bánh canh, bánh hỏi, hủ tíu, nhập về phải ngâm nước suốt hai ngày, một đêm, rồi vo rửa thật sạch để sản phẩm làm ra không có mùi chua. Sau đó mang gạo vào xay thành bột, để bột thật khô mới đánh ra cho thật mịn, nép ép cho bột đủ độ dai rồi nấu chín đưa lên khuôn ép ra sản phẩm”.
Theo ông Tuấn, công việc sản xuất bún tươi, bánh hỏi, bánh canh cực khổ, nhưng sản phẩm làm ra sau khi trừ chi phí người sản xuất chỉ còn lời từ 300 đồng đến 500 đồng/kg. “Cách nay vài năm, khi báo chí thông tin bánh phở có chứa chất bảo quản formol, người ta tung tin đồn sợi hủ tíu Mỹ Tho nổi tiếng của làng nghề cũng chứa formol khiến nhiều cơ sở sản xuất tưởng đã suy sụp dù không liên quan gì đến chuyện đó. Mới gượng lại làm ăn chưa được bao lâu thì nay đến lượt bún tươi, bánh canh, bánh hỏi… gặp nạn”, ông Tuấn buồn rầu nói.
Theo lời ông Tuấn, làng nghề chuyên sản xuất bún tươi, bánh canh, bánh hỏi theo đơn đặt hàng của thương lái theo phương thức “mua đứt, bán đoạn”, không trả lại sản phẩm, nên sản phẩm làm ra chỉ đủ bán trong ngày, không có chuyện tái chế . Hơn nữa, điểm đặc biệt của sợi bún tươi do làng nghề sản xuất là sợi đục, dai, ướt, không sáng bóng và độ kết dính lớn. Trong khi đó, theo thông tin đăng tải trên các báo, sợi bún ở TP Hồ Chí Minh bị phát hiện có chứa hai chất cấm Tinopal và acid Oxalic dùng để tẩy trắng có đặc điểm là rất khô, sáng bóng, độ đàn hồi rất cao, độ kết dính kém. “Chúng tôi phải nói rõ như vậy để người tiêu dùng có điều kiện nhận biết sản phẩm của làng nghề và yên tâm sử dụng”, ông Tuấn nói.
Ông Lê Quang Ninh, cán bộ Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Tiền Giang xác nhận các cơ sở sản xuất của làng nghề truyền thống bún, hủ tíu ở xã Mỹ Phong và phường 9 những ngày qua bị ảnh hưởng nặng nề trước thông tin sản phẩm chứa hóa chất cấm sử dụng ở TP Hồ Chí Minh.
“Tôi nghĩ người tiêu dùng ở Mỹ Tho đừng quá hoang mang. Bởi lẽ các sản phẩm ăn liền truyền thống tại đây như bún tươi, bánh canh, bánh hỏi…đều được ngành y tế và các cơ quan hữu trách thường xuyên kiểm tra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”- ông Ninh nói.
Hiện nay, ngành y tế Tiền Giang đã tiến hành kiểm tra, thu mẫu các sản phẩm bún tươi, bánh hỏi, bánh canh trên thị trường Thành phố Mỹ Tho và các huyện thị trong tỉnh để gửi đi xét nghiệm. Theo một cán bộ ngành y tế, ít nhất một tuần nữa mới có kết quả xét nghiệm các sản phẩm này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()