Lan tỏa vẻ đẹp Việt Nam qua nhiếp ảnh
Nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thị Khánh (Khánh Phan) khá nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh và những người yêu ảnh nghệ thuật ở trong nước và ngoài nước. Đến với nhiếp ảnh khá muộn và không qua trường lớp đào tạo bài bản nào, nhưng chị vẫn là một trong số ít nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh nước ta liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế với nhiều bộ ảnh đầy ấn tượng. Những khung hình không chỉ đẹp mà còn giàu cảm xúc của chị đã và đang góp phần mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Cuối năm 2017, nữ nhân viên ngân hàng Phan Thị Khánh (sinh năm 1985, sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh) mới thật sự đến với nhiếp ảnh và coi đó là một sở thích mang đến niềm vui mỗi khi rảnh rỗi. Khi đó, có lẽ chị cũng chưa bao giờ nghĩ, chỉ sau ba năm mình sẽ sở hữu tới hơn 30 giải thưởng nhiếp ảnh lớn nhỏ, “phủ sóng” các diễn đàn nhiếp ảnh nổi tiếng và trở thành hội viên của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam ở tuổi 34 (tháng 12-2019). Chị tự nhận là người say mê cái đẹp, luôn mong muốn được nắm bắt, lan tỏa những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống đến với mọi người. Theo đuổi chủ đề ảnh phong cảnh và đời thường, Phan Thị Khánh đã rong ruổi khắp các vùng miền đất nước, ghi lại cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa đặc sắc của các cộng đồng dân cư. Chị chia sẻ: “Tôi may mắn là người Việt Nam, sống ở một đất nước đẹp đẽ với bề dày lịch sử – văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, con người thân thiện và cần cù. Trong những chuyến đi của mình, tôi thường tìm đến các làng nghề truyền thống, bởi ở đó luôn có những con người thú vị và những câu chuyện văn hóa mang màu sắc khác nhau, là chất liệu quý cho nhiếp ảnh”. Mặc dù nhiều nhiếp ảnh gia khác cũng thường xuyên khai thác đề tài này, nhưng Phan Thị Khánh cho rằng mỗi người có tư duy và góc nhìn riêng, luôn luôn có những phát hiện hoặc sáng tạo mới cho những chất liệu cũ.
Và thực tế đã chứng minh, những bức ảnh của Phan Thị Khánh ghi dấu ấn cá nhân với những góc nhìn độc đáo đã chinh phục ban giám khảo của nhiều cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế lừng danh trong hai năm 2019 và 2020. Mới đây nhất, cuối tháng 2-2021, cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế Tokyo International Foto Awards 2020 của Nhật Bản đã công bố trao hai giải thưởng cho Phan Thị Khánh, gồm giải vàng cho tác phẩm “The children dancing with gongs” (Những đứa trẻ nhảy múa với cồng chiêng), và giải bạc cho tác phẩm “Drying fish” (Phơi cá). Tác phẩm đoạt giải vàng được chụp tháng 12-2018 tại một lễ hội của người dân tộc thiểu số Gia Rai ở tỉnh Gia Lai, trong khi tác phẩm đoạt giải bạc chụp vào tháng 7-2020 tại chợ cá Long Hải ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong nước, Phan Thị Khánh cũng đã giành được những giải thưởng mà không ít người cầm máy ảnh trẻ tuổi mơ ước, như: Huy chương vàng cho bộ ảnh “Landmark 81-Khát vọng vươn cao” và Giải khuyến khích cho bộ ảnh “Gìn giữ nghề chạm bạc Đồng Xâm” tại Festival Nhiếp ảnh Trẻ năm 2019, Giải nhất cuộc thi quảng bá du lịch Việt Nam Vietnamnow (Tổng cục Du lịch tổ chức) cho bức ảnh “Khám phá thác Hang Én”… Bên cạnh đó, chị có nhiều bức ảnh được triển lãm trong các hoạt động văn hóa – nghệ thuật và ngoại giao của các địa phương trên cả nước, ảnh trưng bày tại một số phòng triển lãm tại Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ… Ảnh của Phan Thị Khánh liên tục được xuất bản, đưa tin, chia sẻ trên các tạp chí nước ngoài và nhiều mạng xã hội, nền tảng chia sẻ ảnh trực tuyến. Bộ ảnh đồng cỏ lác ở Quảng Nam, quăng lưới đánh cá ở Phú Yên, hay thu hoạch hoa súng ở Long An… khiến chính nhiều người Việt phải thốt lên tự hào: “Đất nước mình đẹp quá!”, còn vô số bình luận của người nước ngoài thì khẳng định: “Tôi sẽ đến Việt Nam!”. Điều đó mang lại cho chị niềm hạnh phúc không thua kém gì việc đoạt các giải thưởng chuyên môn.
Trong nhiếp ảnh và tất cả các loại hình nghệ thuật nói chung, đam mê không phân biệt lứa tuổi hay giới tính. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng các nữ nhiếp ảnh gia có phần vất vả, thiệt thòi hơn so với nam giới. Họ luôn phải cố gắng hơn nhiều lần bởi bên cạnh việc theo đuổi đam mê nghệ thuật, thì còn đó thiên chức làm vợ, làm mẹ, rất thiêng liêng nhưng vất vả. Phan Thị Khánh chia sẻ, rất nhiều lần để thực hiện được ý tưởng, chị phải dành nhiều ngày xa gia đình, đi đường dài, leo núi, dầm nước, thức đêm, hay đối mặt với những tình huống vô cùng khó khăn, như bị sóng biển trùm đầu hỏng cả máy ảnh, đứng trên đồi cát bỏng rát hoặc chịu cái lạnh âm vài độ C… Nếu thiếu đam mê, chưa đủ bản lĩnh, hẳn chị đã bỏ cuộc. Nhưng ngược lại, Phan Thị Khánh lạc quan và tự tin khẳng định rằng phụ nữ cầm máy ảnh như chị cũng có lợi thế là cái nhìn mềm mại, tinh tế, là sự nhạy cảm với ánh sáng và trái tim luôn tràn ngập tình yêu với mọi điều dù là nhỏ bé chung quanh.
Ngay cả khi đã đạt được những thành công nhất định, Phan Thị Khánh không đặt nặng thành tích, giải thưởng, mà cho rằng đó giống như sự động viên dành cho người lao động nghệ thuật, nhiều khi còn do may mắn. Cũng có người dành cả đời cho đam mê nhiếp ảnh, sáng tác nhiều tác phẩm nhưng không dự thi. Còn với chị, các cuộc thi ảnh quốc tế là cơ hội thử sức, để biết mình đang ở đâu, những nhiếp ảnh gia khác đã làm được gì, đồng thời cũng là một cách tiếp cận truyền thông và công chúng hiện đại, để cái tên Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn. Năm 2021, đại dịch Covid-19 khiến Phan Thị Khánh phải hoãn thực hiện một số ý tưởng, dự án ấp ủ, nhưng chị vẫn tiếp tục nỗ lực đi, học hỏi, nghiên cứu và tìm “sân khấu” cho các tác phẩm của mình. Chị cho biết vẫn thường xuyên tìm hiểu, cập nhật về các phong cách cũng như công nghệ chụp ảnh mới nhất, chẳng hạn như xu hướng chụp ảnh từ trên cao bằng các thiết bị bay điều khiển từ xa. Ngoài ra, chị còn chăm chỉ xem ảnh và tham vấn kinh nghiệm của các tiền bối trong nước, các nhiếp ảnh gia có cùng phong cách ở châu Á và trên thế giới…
Phan Thị Khánh nhận mình là “tay ngang”, là “người đi sau” trong nhiếp ảnh, nhưng đó lại chính là đam mê lớn nhất trong đời chị. Và mơ ước của nữ nhiếp ảnh gia là tiếp tục lan tỏa hình ảnh Việt Nam tươi đẹp đến với bạn bè quốc tế, không chỉ trong các triển lãm hay phòng trưng bày, mà trong cả tâm trí của những người yêu nghệ thuật, mê du lịch trên khắp thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()