Lan toả và nhân rộng “tủ sách Bác Hồ” trong trường học
– Nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, từ nhiều năm nay, các trường học trên địa bàn tỉnh đã phát động quyên góp, xây dựng “tủ sách Bác Hồ” với nhiều đầu sách đa dạng, phong phú. Tủ sách hoạt động hiệu quả không chỉ góp phần phát triển văn hóa đọc, mà còn đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy trong trường học.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ năm học 2016 – 2017, ngành GD&ĐT tỉnh đã phát động các trường học xây dựng “Tủ sách Bác Hồ” với đa dạng đầu sách, phục vụ cho việc giáo dục học sinh. Đồng thời, chỉ đạo các trường học sử dụng tài liệu “Bác Hồ và những bài học đạo đức, lối sống cho học sinh” theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT để giảng dạy trong các cấp học.
Học sinh Trường THPT Tràng Định, huyện Tràng Định đọc sách về Bác Hồ
Thực hiện yêu cầu của Sở GD&ĐT, từ năm học 2016 – 2017 đến nay, 100% đơn vị trường từ Tiểu học đến THPT đều xây dựng “Tủ sách Bác Hồ”. Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 442 đơn vị trường học từ bậc tiểu học đến THPT thì 100% số đơn vị trường học này đều có “tủ sách Bác Hồ” với trên 170.800 cuốn sách đa dạng, phong phú về nội dung, hình thức, lôi cuốn giáo viên, học sinh tham khảo, tìm đọc.
Em Hoàng Thu Trang, lớp 12A12, Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc cho biết: Thư viện trường có rất nhiều cuốn sách hay về Bác. Mỗi tuần ít nhất 1 lần, em đến thư viện của trường để mượn và đọc sách về Bác. Ngoài việc đọc sách, em còn tìm những câu chuyện về tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để đọc, sau đó tự rút ra bài học cho bản thân. Thông qua mỗi câu chuyện về Bác, em rút ra những bài học quý, từ đó hình thành suy nghĩ và hành động tích cực cho bản thân để hoàn thiện mình hơn.
Để “tủ sách Bác Hồ” được nhân rộng và lan tỏa, các trường đã chủ động trích kinh phí hoặc vận động quyên góp những đầu sách về Bác bổ sung vào tủ sách Bác Hồ, đồng thời, duy trì ngày đọc sách cho học sinh. Cùng đó, 100% các trường phổ thông duy trì đưa tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” vào giảng dạy cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 12. Bên cạnh đó, thường xuyên lồng ghép trong các môn học đạo đức, giáo dục công dân, lịch sử, văn học; tổ chức lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa: chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, hoạt động đoàn, đội; tổ chức các cuộc thi viết, thi kể chuyện về Bác Hồ…
Được biết, Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan là một trong những ngôi trường tiêu biểu trong việc xây dựng “tủ sách Bác Hồ” và triển khai các hoạt động giáo dục học sinh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những năm đầu xây dựng, tủ sách chỉ có 10 quyển sách về Bác nhưng sau 5 năm, bằng sự vận động quyên góp, ủng hộ cũng như được luân chuyển sách từ phía thư viện Tỉnh, hiện nay, “tủ sách Bác Hồ” đã có hơn 100 quyển. Thầy Trần Anh Quyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc xây dựng “tủ sách Bác Hồ” nhằm khuyến khích các em đến với tri thức, truyền lửa ý chí cách mạng, nhân cách sống cao đẹp, tác phong làm việc của Bác. Từ đó, các em soi rọi để tự rèn luyện bản thân, trau dồi đạo đức, học tập tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường. Từ năm 2016 đến nay, tỉ lệ học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt của nhà trường luôn đạt trên 90%, không có học sinh hạnh kiểm yếu, kém. Cùng với xây dựng tủ sách, khuyến khích học sinh tham khảo, đọc sách về Bác, nhà trường còn tích cực khuyến khích học sinh tham gia kể chuyện về Bác Hồ trong các buổi sinh hoạt dưới cờ hoặc đọc sách 15 phút đầu giờ…
Với việc nhân rộng “tủ sách Bác Hồ”, tin tưởng rằng, phong trào đọc sách, học và làm theo tấm gương Bác Hồ sẽ ngày càng đi vào chiều sâu trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Từ đó, không chỉ giúp ngành GD&ĐT tỉnh thực hiện tốt nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà qua đây còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với học sinh.
Ý kiến ()