Lan toả tình yêu sách trong nhà trường
(LSO) – Thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động hướng học sinh đến việc đọc sách nhiều hơn như: xây dựng hệ thống thư viện, bổ sung đầu sách hay tổ chức ngày hội sách trong trường học, qua đó góp phần lan toả tình yêu sách trong học sinh.
Cuối tháng 10/2019, nhờ sự tài trợ của Hội xe đạp nối vòng tay lớn Miền Bắc, Trường Tiểu học Mai Pha, thành phố Lạng Sơn được đầu tư xây dựng một thư viện xanh với đầy đủ các kệ sách, bàn đọc và trên 1.000 cuốn sách để học sinh đến đọc. Cô Nguyễn Thị Bích, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ khi có thư viện xanh, nhiều học sinh nhanh chóng tới thư viện xanh trong giờ ra chơi, lựa một vài cuốn sách ưa thích và say sưa đọc. Thư viện đã thực sự thành sân chơi bổ ích, lý thú cho các em.
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đọc sách tại thư viện trường
Hiểu được tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng phát triển tư duy giáo dục, rèn luyện nhân cách, thời gian qua ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã quan tâm xây dựng, đổi mới phương pháp quản lý thư viện trường học. Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai, thực hiện mô hình thư viện xanh, thư viện điện tử, thư viện trường học, thư viện lớp học. Theo đó, mỗi lớp học đều có tủ sách với đa dạng các loại sách, báo, truyện và các tư liệu liên quan đến giáo dục phổ thông được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Mỗi đầu sách lưu hành, trưng bày đều được các nhà trường, giáo viên kiểm duyệt, có định hướng về giá trị thông tin và rất chú trọng đến những loại sách có tính giáo dục cao… nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu đọc, học của giáo viên và học sinh.
Nhằm khơi dậy văn hóa đọc cho học sinh, từ năm học 2018 – 2019, ngành giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo thực hiện điểm việc đưa tiết đọc thư viện vào chương trình học tại 20 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Đến năm học 2019 – 2020, tiếp tục mở rộng ra thêm 15 trường tiểu học. Tùy vào tình hình thực tế, các trường đã triển khai dạy đọc sách tại lớp hoặc thư viện với 1 tiết/tuần, trong đó, tiết dạy đọc sách tại thư viện nhận được sự hưởng ứng của học sinh. Để thu hút, tạo hứng thú cho học sinh, nhiều trường đã trang trí, thiết kế phòng đọc sách, thư viện thoáng mát và khoa học để các học sinh có thể tham gia đọc sách, truyện dưới nhiều hình thức, thể loại sách khác nhau như: văn học, lịch sử, khoa học công nghệ, truyện tranh, các em có thể tìm kiếm cho mình những cuốn sách phù hợp.
Em Dương Văn Thịnh, học sinh Trường Tiểu học xã Long Đống, huyện Bắc Sơn chia sẻ: Từ khi nhà trường có “Thư viện thân thiện trường tiểu học” với phòng đọc rộng rãi và nhiều sách, truyện hay, được thầy cô khuyến khích đến thư viện đọc sách, chúng em đến với thư viện nhiều hơn. Qua đọc sách, em biết thêm nhiều điều hay, bổ ích vừa phục vụ học tập vừa cho em thêm kiến thức cho cuộc sống.
Cùng với việc phát huy hiệu quả thư viện trường học, các trường thường xuyên tổ chức các chuyên đề đọc, định kỳ hằng tuần, hằng tháng, tùy theo chủ điểm các trường tổ chức các hoạt động như: thi kể chuyện theo sách, đọc sách kể về mẩu chuyện; hướng dẫn và tổ chức cho các em viết cảm nhận mỗi khi đọc xong một cuốn sách. Từ đó khuyến khích, định hướng, lựa chọn sách, nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc cho học sinh và chỉ cho các em cách xử lý thông tin từ sách, hình thành ở các em thói quen đọc dưới nhiều hình thức nhằm tạo môi trường thân thiện, khuyến khích các em đọc sách với các hoạt động sôi nổi, hấp dẫn và lý thú.
Bên cạnh các hoạt động trên, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tham gia hoạt động triển lãm, giới thiệu sách nhân ngày sách Việt Nam, tổ chức các cuộc thi, tìm hiểu về sách… Từ năm 2014 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức được 1.177 cuộc triển lãm sách; thi tìm hiểu kể chuyện về sách được 1.140 buổi; mở được 605 lớp giáo dục kỹ năng, phương pháp đọc, phương pháp thu thập và xử lý thông tin cho học sinh; tổ chức 970 lớp phổ biến kinh nghiệm đọc cho nhân dân tại các xã; bổ sung 41.460 đầu sách, tạp chí cho 543 tủ sách của các trung tâm học tập cộng đồng, quyên góp, ủng hộ 1.174 đầu sách với 1.889 cuốn cho học sinh vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn…. Những hành động cụ thể của ngành giáo dục và đào tạo và các trường học trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ làm lan toả tình yêu sách đến với học sinh.
Ý kiến ()