Lan tỏa tình thương và trách nhiệm, vì nạn nhân da cam
Những cảm thông sâu sắc cũng như những hỗ trợ thiết thực từ các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã và đang là những nghĩa cử cao đẹp và rất đáng trân trọng.
Nỗi đau mang tên “cầu vồng”
Hơn 60 năm trước, khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học đã thả xuống những cánh rừng miền Nam Việt Nam. Quân đội rải thảm gọi những chất độc màu xanh lá, màu hồng, màu trắng, màu tím, màu lam và nhiều hơn cả là 44 triệu lít chất độc màu da cam là “cầu vồng”. Còn đối với những nạn nhân hứng chịu thảm họa này, đó là mảnh cầu vồng “chết chóc” trên bầu trời nước ta suốt 11 năm (từ 1961-1972).
Từ đó đến nay, Việt Nam có khoảng 5 triệu người nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nỗi đau này vẫn còn dai dẳng qua nhiều thế hệ và là minh chứng rõ nét nhất về hậu quả tàn khốc mà chiến tranh đã để lại. Các nạn nhân đã và đang tiếp tục sống trong đau đớn về thể chất và tinh thần.
Trở về từ chiến trường, cựu chiến binh Trần Xuân Đài (xã Ninh Tiến, tỉnh Ninh Bình) giống như nhiều đồng đội không may bị nhiễm chất độc da cam. Ông cho biết: “Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi đã vào chiến trường Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ. Khi trở về địa phương, tôi thấy trong người có một số bệnh lý: suy gan, sốt rét, thoái hóa đốt sống, tiểu đường…”.
Nhiều năm chăm sóc những nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ông Nguyễn Thăng Long, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin Việt Nam (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ: “Chất độc da cam không những gây hậu quả nặng nề đến sức khỏe người trực tiếp tham gia kháng chiến mà còn để lại những di chứng rất đau lòng và thương tâm cho con cháu của họ. Các nạn nhân đều rất khó khăn, có người khi sinh ra không được lành lặn, phải chịu nỗi đau khuyết thiếu một phần cơ thể, một số khác thiểu năng trí tuệ, không thể đi đứng, tự chủ sinh hoạt cá nhân”.
Nỗ lực chung tay từ cộng đồng
Thấu hiểu những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà những nạn nhân da cam và gia đình của họ phải chịu đựng, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành ngân sách để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng xông hơi tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.
Đồng hành với những nỗ lực của Đảng và Nhà nước, các hoạt động tri ân, động viên, giúp đỡ người nhiễm chất độc màu da cam/dioxin còn có sự tham gia của nhiều đoàn thể, tổ chức thiện nguyện, đặc biệt trong số đó còn có sự tham gia của các bạn trẻ. Điển hình là tổ chức thiện nguyện RevivAll được khởi xướng bởi nhóm học sinh trường quốc tế Liên Hợp Quốc (UNIS).
Từ năm 2019 đến nay, nhóm RevivAll đã tổ chức các hoạt động làm bánh, bán hàng, kêu gọi góp tiền, hiện vật đi thăm hỏi chia sẻ, hỗ trợ tài chính, thiết bị y tế và thuốc cho các trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người nghèo, Trung tâm nuôi dưỡng điều trị nạn nhân chất độc màu da cam tại tỉnh Nghệ An, TP.Hà Nội.
Năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhóm đã góp tiền mừng tuổi, bán hàng tặng hai trung tâm chăm sóc nạn nhân chất độc da cam đặt trên địa bàn TP. Hà Nội.
Em Đào Hoàng Yến, Trưởng nhóm từ thiện RevivAll chia sẻ: “Giống như từ ‘Revise’ trong tiếng anh có nghĩa là khôi phục, tâm nguyện của nhóm là thông qua hoạt động hỗ trợ, khôi phục thể chất và tinh thần cho các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam/dioxin tại các trung tâm chăm sóc của Hội Nạn nhân chất độc da cam. Chúng em mong cùng với cộng đồng quyên góp, giúp đỡ chăm sóc và nuôi dưỡng các nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin giúp họ vượt qua bệnh tật, khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”.
Cuối tháng 4 vừa qua, nhóm đã trao tặng 30 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều phần quà thiết thực như gạo, nước mắm, mỳ chính… cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Những món quà tuy nhỏ nhưng thể hiện tấm lòng của các học sinh trường quốc tế Unis và các nhà hảo tâm.
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo mà hơn hết thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” với những người có công với đất nước, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân”. Điều này càng trở nên đặc biệt hơn khi các bạn trẻ chung tay hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin Việt Nam nhấn mạnh: “Những hoạt động này có sức lan tỏa vô cùng lớn đến các bạn học sinh trong cả nước và đặc biệt là khu vực Hà Nội.
Chúng tôi mong rằng những hoạt động này duy trì thường xuyên, nhân rộng và có sức lan tỏa chung trong cả nước để cho các bạn trẻ hiểu được hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học đối với thế hệ tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc màu da cam và cả con cháu của họ. Cần có sự giúp đỡ, cảm thông chia sẻ và cũng là dịp để các bạn học sinh thực hiện đạo nghĩa ‘uống nước nhớ nguồn’, hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ”.
Nguồn gây quỹ đợt này sẽ được sử dụng hỗ trợ trực tiếp cho các Trung tâm trực thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại Hà Nội, các nạn nhân đang sinh hoạt tại gia đình.
Sự hỗ trợ và động viên kịp thời từ các nhóm từ thiện và các nhà hảo tâm, đã góp phần truyền lửa cho những chiến binh “cầu vồng” tiếp tục chiến đấu chống lại nỗi đau dai dẳng mà chiến tranh đã đi qua để lại. Nỗi đau ấy vẫn đang còn tiếp diễn cho các thế hệ sau này và cần có thêm nữa sự truyền lửa, sát cánh của đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Ý kiến ()