Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp tới những phụ nữ yếu thế
Chị Trần Thị Ngọc Hiếu (ngoài cùng bên trái) và các khách hàng đến tham quan, mua sắm sản phẩm thủ công từ vỏ ốc |
Một trong những hoạt động quan trọng, xuyên suốt đề án là Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp. Trong 4 năm qua, Cuộc thi đã nhận được gần 3.500 ý tưởng, dự án tham gia trên nhiều lĩnh vực và thuộc nhiều đối tượng khác nhau. Đến nay, chỉ riêng cuộc thi ở cấp Trung ương, đã có 139 dự án, ý tưởng được hỗ trợ hiện thực hóa với tổng kinh phí trên 38 tỷ đồng.
Năm 2021, Cuộc thi đã thu hút hơn 1.500 dự án, ý tưởng tham gia, gấp 1,7 lần so với năm 2020 và 11 lần so với năm đầu tiên (2018). Trải qua nhiều vòng thi nghiêm túc, đến nay, 24 dự án, ý tưởng xuất sắc, tiêu biểu nhất đã lọt vào Vòng chung kết, trong đó, có những tác giả là phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Các chị đã vượt qua nghịch cảnh để mở ra một trang mới cho bản thân và gia đình.
Một trong những thí sinh dự thi năm nay là chị Trần Thị Ngọc Hiếu (TPHCM) với dự án “Hoa ốc”. Với dự án này, chị Hiếu mong muốn tạo ra những sản phẩm thủ công đẹp, độc, lạ, giảm rác thải, đồng thời khẳng định và nâng cao giá trị của phụ nữ, đặc biệt phụ nữ khuyết tật.
Trong một lần đi biển Vũng Tàu, ngồi trên bờ nhặt những mảnh vỏ ốc, chị Hiếu thử ghép lại với nhau và làm được một bông hoa rất đẹp. Nảy ra ý tưởng làm tranh từ vỏ ốc, chị đã đặt mua vỏ ốc của người dân đi biển. Khi nhận được hàng, chị phân loại, làm sạch rồi bắt tay vào làm. Dần dần, chị Hiếu trở nên đam mê và yêu tranh vỏ ốc. Ngoài làm tranh, chị còn dùng vỏ ốc để trang trí lên nhiều đồ vật khác nhau như bình hoa, khung ảnh, ly, tách…
“Các sản phẩm không bị phai màu theo thời gian vì màu sắc của vỏ ốc hoàn toàn tự nhiên. Những vỏ ốc vỡ tưởng chừng như bỏ đi cũng có thể làm được thành những bông hoa đẹp. Cũng giống như tôi, dù là một người khuyết tật nhưng nếu mình cố gắng thì vẫn có thể tạo ra một cuộc đời đẹp”, chị Hiếu tâm sự.
Thông qua dự án này, chị Hiếu muốn hướng đến những người yếu thế và hy vọng có thể truyền động lực đến những chị em phụ nữ khác.
Mang dự án “Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm tổng hợp gắn với phát triển du lịch cộng đồng” đến Cuộc thi, chị Vàng Thị Mỷ (Hà Giang) thể hiện ý tưởng về việc tập hợp các hoa văn đã mai một của dân tộc Hoa, Hán, Lô Lô Hoa kết hợp với vải lanh của dân tộc Mông để tạo ra sản phẩm với những điểm khác biệt.
16 thành viên của Tổ hợp tác là những phụ nữ người dân tộc bị ảnh hưởng bởi HIV, bị bạo lực gia đình, bị mua bán quay về tái hòa hòa nhập cộng đồng; phụ nữ thuộc hộ nghèo, đặc biệt khó khăn; sinh viên thuộc hộ nghèo tại địa phương chưa có việc làm. Do đó, dự án đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ và một số ít lao động nam tại địa phương, giúp cải thiện môi trường, cải tạo đất, tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Chị Vàng Thị Mỷ mong muốn, khi tham gia Cuộc thi này, dự án của mình sẽ được các cấp Hội quan tâm, tạo điều thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp và kết nối thị trường tại địa phương; mở các lớp tập huấn, hỗ trợ các thành viên nâng cao năng lực quản lý, hướng dẫn cách quản lý kinh doanh, thúc đẩy Tổ hợp tác thành công và phát triển bền vững.
Đánh giá cao ý nghĩa của Cuộc thi, ông Phạm Đức Nghiêm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), thành viên Ban Giám khảo cho hay: “Chúng tôi hy vọng sẽ cổ vũ, động viên kịp thời các dự án sáng tạo của chị em và từng bước chuyển hóa ý tưởng sáng tạo đó thành những sản phẩm cụ thể, mang lại giá trị to lớn cho cộng đồng, xã hội cũng như chứng minh cho sức sáng tạo và năng lực quản trị, phát triển doanh nghiệp của các chị em phụ nữ”.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()