Lan tỏa sức mạnh trong thực thi tín dụng chính sách
Tín dụng chính sách xã hội 5 năm qua (2015 – 2020) tăng trưởng bình quân 10,1%/năm. Những đột phá mới về chất trong cung ứng tín dụng từ tạo việc làm đến cải thiện chất lượng sống phủ tới tất cả các đối tượng chính sách đã đưa tín dụng chính sách xã hội trở thành một kênh chủ lực góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Đổi mới phương thức lãnh đạo
Có thể nói, những thành quả tín dụng được xây dựng dựa trên sự tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên nòng cốt và sự sát sao tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) T.Ư. Nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ NHCSXH T.Ư lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn thực hiện tốt sứ mệnh là “cánh tay nối dài” của Chính phủ hỗ trợ đối tượng yếu thế vươn lên thoát nghèo thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Kết quả triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội nhiệm kỳ 2015 – 2020 là một minh chứng sống động cho những hoạt động của Đảng bộ NHCSXH T.Ư nói chung và Đảng bộ NHCSXH thành phố Hà Nội nói riêng. Trong bối cảnh chuẩn hộ nghèo thành phố cao hơn mức bình quân chung của cả nước, nguồn vốn tín dụng chính sách từ ngân sách T.Ư không thể bao phủ hết, Đảng bộ NHCSXH thành phố Hà Nội chủ động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH trong 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW là 2.927 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố chuyển bổ sung 2.562 tỷ đồng và ngân sách cấp huyện chuyển bổ sung 365 tỷ đồng. Công tác tín dụng luôn đạt mức tăng trưởng cao. Đến ngày 31-7, tổng nguồn vốn huy động và quản lý tại chi nhánh là 9.298 tỷ đồng, tăng 4.560 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. Trong 5 năm qua, chi nhánh đã thực hiện cho vay 16.123 tỷ đồng cho gần 561 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp hơn 56 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm mới cho hơn 225 nghìn lao động; giúp cho hơn 17 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống còn 0,42% (cuối năm 2019), phấn đấu đến cuối năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.
Đảng bộ NHCSXH T.Ư không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo các Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc mà thông qua hệ thống chính trị ở cơ sở chỉ đạo toàn bộ hệ thống NHCSXH thực thi tốt các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của ngành ngân hàng. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đã góp phần quan trọng lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, hệ thống NHCSXH được củng cố và ngày càng phát triển, chăm lo bảo đảm việc làm, thu nhập cho cán bộ và người lao động. Việc hoàn thành hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng ủy với các ban chuyên môn nghiệp vụ có chức năng nhiệm vụ tương đồng theo Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư không chỉ góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy mà còn mang tính đột phá từ nhận thức đến hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên với việc khẳng định vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của tổ chức Đảng đối với mọi mặt hoạt động trọng yếu của NHCSXH. Từ đó xây dựng mối quan hệ đoàn kết nội bộ xuyên suốt và bền vững trong toàn hệ thống NHCSXH, tạo thành sức mạnh tổng hợp thực thi tốt mọi nhiệm vụ được giao.
“Làn gió mới” từ Chỉ thị số 40
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hệ thống chính sách, pháp luật về tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được hoàn thiện; nguồn lực được bổ sung, tăng cường. Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, tạo sự ổn định, giúp NHCSXH nâng cao năng lực tài chính, chủ động về nguồn vốn cho vay. Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, cân đối, bố trí ngân sách địa phương để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay tăng thêm 15.220 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng trưởng 33%/năm, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến ngày 31-7 đạt 19.625 tỷ đồng.
Những thành quả từ thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW cũng đã cộng hưởng thêm sức mạnh cho Đảng ủy NHCSXH T.Ư lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội phát huy công năng trong việc thực hiện đồng thời các nhiệm vụ chính trị quan trọng như tập trung nguồn lực cho Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là hoàn thành Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 – 2020. “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban điều hành tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư tín dụng cho địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” – Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc NHCSXH T.Ư Dương Quyết Thắng cho biết.
Giữa tháng 8 vừa qua, Đại hội đại biểu Đảng bộ NHCSXH T.Ư lần thứ 5, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã được tổ chức thành công. Phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ NHCSXH T.Ư thống nhất ý chí và quyết tâm thực hiện mục tiêu: Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện; sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, có đầy đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. Phát triển NHCSXH thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài, đồng thời, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ. Đổi mới, mở rộng tín dụng chính sách xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, gắn liền với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Tính đến ngày 31-7, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 231.566 tỷ đồng, tăng 89.847 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,1%. Với hơn 20 chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai thực hiện, tổng dư nợ đạt 220.562 tỷ đồng, tăng 84.876 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Ý kiến ()