Lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Cách đây 20 năm, vào ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11/1930.
Đồng chí Trương Thị Mai. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. |
Kể từ khi Nghị quyết được ban hành, Ngày hội ở khu dân cư ngày càng được quan tâm, diễn ra với nhiều hình thức phong phú, ngày càng đổi mới, thiết thực, phù hợp điều kiện của từng địa phương. Ngay cả những vùng nông thôn, vùng miền núi, ngày hội càng mang nhiều bản sắc văn hóa và tập trung đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và thật sự trở thành ngày hội của toàn dân tộc.
Nét nổi bật của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong nhiều năm qua có sức lan tỏa lắng đọng, không những trở thành đợt sinh hoạt chính trị-xã hội sâu rộng mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống trên tất cả các địa bàn dân cư.
Trong không khí ấm áp, gần gũi thân tình, lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp về với nhân dân, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, cử tri từ cơ sở.
Điều làm nên những giá trị đặc trưng của Ngày hội là sự sẻ chia, thăm hỏi, động viên luôn đầy ắp trong mỗi cộng đồng; dịp gặp mặt của những người con xa quê về với gia đình, dòng họ; sự hòa quyện giữa các sắc màu văn hóa, niềm tự hào về những giá trị văn hóa độc đáo, tinh tế.
Hơn nữa, việc tổ chức thành công ngày hội đoàn kết ở mỗi khu dân cư, cộng đồng mang ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tình làng nghĩa xóm, chung tay góp sức tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước từ chính nhu cầu thiết thân của người dân.
Nhìn lại giai đoạn 2003-2023, thông qua Ngày hội, nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc ở cơ sở đã được bảo tồn bền vững, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn được phát huy mạnh mẽ.
Theo kết quả tổng hợp của các địa phương, kể từ năm 2000 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội ở cả bốn cấp đã vận động được hơn 84.431 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ xây mới, sửa chữa được hơn 1,7 triệu căn Nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn; trợ giúp hơn 12 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; giúp đỡ hơn 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên; hỗ trợ hơn 2 triệu lượt người nghèo phát triển sản xuất; đồng hành xây dựng hàng trăm công trình dân sinh…
Các cấp ủy, chính quyền đã biểu dương, khen thưởng hơn 314 nghìn tập thể khu dân cư, trao Bằng khen, Giấy khen tặng hơn 1,1 triệu cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu với nhiều đóng góp thiết thực trong thực hiện công tác Mặt trận tại các địa phương.
Thực tế, giá trị của Ngày hội không chỉ nằm ở tôn vinh kết quả của công tác Mặt trận tại mỗi địa phương, mà là hiệu quả tổng hòa từ sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị cũng như sự hưởng ứng của nhân dân trong tổ chức Ngày hội.
Từ đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể tiếp tục khẳng định vị thế trong hệ thống chính trị các cấp, làm tròn vai trò cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với quần chúng nhân dân; tập hợp, lắng nghe và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; tăng cường niềm tin chính trị, củng cố đồng thuận xã hội và trở thành động lực to lớn giúp mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương luôn kịp thời đổi mới, sáng tạo đáp ứng kỳ vọng của người dân.
Phát huy tinh thần nêu trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở nhiều nơi đã sáng tạo, đưa ra những hình thức, hướng đi mới trong triển khai Ngày hội nhằm tạo ra môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với nhân dân, giúp Đảng lắng nghe những nguyện vọng, phản ánh của nhân dân trong cuộc sống.
Tiêu biểu như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh với việc lần đầu tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp thành phố vào ngày 18/11 với hàng loạt hoạt động như triển lãm sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo; ra mắt Quỹ An sinh xã hội Thành phố Hồ Chí Minh; trao Giải báo chí Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh – “Vì hạnh phúc của nhân dân” lần thứ 2; trao sổ tiết kiệm tặng học sinh mồ côi do dịch Covid-19; tư vấn pháp luật miễn phí; chương trình nghệ thuật…
Có thể thấy, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hằng năm đã, đang ngày càng mở rộng và không ngừng được phát huy phong phú và đa dạng cả về hình thức tổ chức lẫn nội dung. Mỗi người dân cần tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết tại địa phương, tạo động lực mạnh mẽ để sớm thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguồn: https://nhandan.vn/lan-toa-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-post783194.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()