Lan tỏa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
(LSO) – Những năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa sâu rộng, qua đó, huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Quan tâm phát động phong trào
Là đơn vị thường trực công tác xây dựng phong trào, hằng năm, Phòng Xây dựng phong trào TDBVANTQ (PV28), Công an tỉnh tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm (Ban Chỉ đạo 138) các cấp, cơ quan, doanh nghiệp và trường học triển khai phong trào phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, rà soát, lựa chọn địa điểm tổ chức phát động phong trào tập trung. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh tổ chức được trên 100 cuộc phát động phong trào tại cơ sở.
Thượng tá Sầm Văn Lộc, Phó Trưởng Phòng PV28 cho biết: Những nơi được chọn tổ chức phát động phong trào TDBVANTQ thường là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Tại mỗi nơi phát động, ban chỉ đạo 138 ở cơ sở xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Những nội dung nào chưa phù hợp, khó phát huy hiệu quả đều được chúng tôi góp ý chỉnh sửa. Qua đó nhằm nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội.
Thành viên Ban Chỉ đạo 138 Trường THPT Cao Lộc ký kết thực hiện các nội dung phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Tính từ đầu năm 2018 đến nay, nhân dân đã cung cấp trên 1.500 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng nhanh chóng điều tra, khám phá án. Nhân dân tự giác giao nộp hàng trăm khẩu súng, nòng súng và hàng trăm viên đạn, lựu đạn các loại…
Xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay
Nhờ quan tâm đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả và không ngừng được nhân rộng.
Đơn cử như mô hình “Vận động quần chúng nhân dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) gắn với phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng an ninh” tại 6/17 thôn bản của xã Thanh Long, huyện Văn Lãng. Mô hình này được xây dựng từ năm 2016, đến nay, đã từng bước cải thiện được tình hình ANTT ở các khu dân cư. Minh chứng rõ nhất là các thôn không phát sinh thêm người nghiện ma túy; trong 2 năm qua, đã có 2 trường hợp được đưa đi cai nghiện bắt buộc, 4 trường hợp uống thuốc methadone, trong đó 1 người đã cai nghiện thành công. Ông Đàm Văn Trò, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 xã Thanh Long cho biết: Bên cạnh tạo sự chuyển biến về ANTT, mô hình đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở các thôn, đời sống nhân dân nâng cao hơn trước.
Hay như mô hình tự quản của Chi đoàn Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc nhiều năm nay đã phát huy tinh thần xung kích của các em học sinh trong giữ gìn ANTT. Theo đó, ngoài nắm sĩ số lớp, theo dõi nền nếp học tập, sinh hoạt, từng tổ tự quản có trách nhiệm nắm bắt thông tin ngoài giờ học về tình hình chấp hành pháp luật của các bạn, báo cáo nhà trường để kịp thời ngăn chặn những hành vi xấu. Với cách làm này, nhiều năm qua, nhà trường đều được UBND huyện công nhận đạt chuẩn cơ quan văn hóa, cơ quan an toàn.
Được biết, hiện toàn tỉnh có trên 50 mô hình về đảm bảo ANTT, tăng gần 20 mô hình so với năm 2010. Qua các mô hình, 8 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng đã làm rõ trên 130 vụ phạm pháp hình sự, đưa 12 đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, xử lý 18 trường hợp gieo trồng cây có chứa chất ma túy… Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ý kiến ()