Lan toả phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết 28
– Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), giai đoạn 2018 – 2021, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã tích cực, chủ động trong thực hiện phong trào thi đua do BHXH Việt Nam phát động và gặt hái được nhiều kết quả, góp phần quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nỗ lực tham mưu
Hưởng ứng phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW giai đoạn 2018 – 2030 do BHXH Việt Nam phát động với chủ đề “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện hiệu quả cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 28 và giao các chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với từng đơn vị nhằm động viên công chức, viên chức và lao động hợp đồng phát huy tinh thần yêu nước, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Để thực hiện Nghị quyết, BHXH tỉnh đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho tỉnh xây dựng Chương trình hành động số 103-CTr/TU ngày 26/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 13/12/2018 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 28. Theo đó, Chương trình hành động số 103-CTr/TU đưa ra mục tiêu 3 giai đoạn cụ thể gồm: phấn đấu đến năm 2021 khoảng 35%, đến năm 2025 khoảng 45% và đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.
Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn cài đặt VssID cho các cán bộ hưu trí trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
Bà Nông Thị Phương Thảo, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Để đạt được các mục tiêu về cải cách chính sách BHXH, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh; thành lập BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và tham mưu cho các BCĐ xây dựng, ban hành Quy chế hoạt động. Cùng với đó, ngành cũng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và bàn hành Công văn số 966/UBND-KGVX ngày 18/9/2019 về việc đẩy mạnh thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách BHXH và chi trả dịch vụ an sinh xã hội; Kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021. Những văn bản chỉ đạo đã góp phần tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong nhận thức và cách làm, giúp tỉnh hướng tới những mục tiêu cụ thể đã đề ra.
Đẩy mạnh truyền thông, phát triển đối tượng
Nhờ có những chỉ đạo đồng bộ nên ngành BHXH và các ngành liên quan, các huyện, thành phố trong tỉnh đã triển khai thuận lợi, đưa vào nhiệm vụ trọng tâm thực hiện của các đơn vị. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng chính là đẩy mạnh truyền thông nhằm phát triển đối tượng tham gia.
Theo đó, BHXH tỉnh đã tập trung phát triển, mở rộng nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với mục tiêu đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hằng năm luôn tăng từ 2 đến 3% so với năm trước.
Ông Đào Trọng Hiếu, Trưởng Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh cho biết: Để thực hiện tuyên truyền hiệu quả, BHXH tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai nội dung Nghị quyết số 28 tại hội nghị báo cáo viên nhằm thông qua đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh, huyện để tuyên truyền nghị quyết tới các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; biên soạn tài liệu về Nghị quyết số 28 để đăng tải trên bản tin nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; phối hợp với các cơ quan truyền thông, Báo Lạng Sơn, Đài PTTH tỉnh duy trì hiệu quả chuyên mục “BHXH với cuộc sống” hằng tuần, hằng tháng.
Từ năm 2018 đến hết tháng 11/2021, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, hội, đoàn thể, đại lý thu… tổ chức được khoảng 30 buổi tập huấn với trên 2.000 người dự; trên 650 hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với sự tham gia của khoảng 30 nghìn đối tượng tham gia. Đặc biệt trong năm 2020, ngành đã tổ chức thành công 2 lễ ra quân quy mô toàn quốc hưởng ứng tháng vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ngoài ra, cán bộ ngành BHXH và nhân viên đại lý thu còn trực tiếp đến hàng ngàn gia đình, hộ kinh doanh để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc BHXH huyện Tràng Định cho biết: BHXH huyện phối hợp với UBND các xã, Bưu điện huyện mở rộng đại lý thu BHXH, BHYT. Đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT có kỹ năng tuyên truyền, vận động và nghiệp vụ quản lý theo đúng quy định; phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia. Tính đến nay, tổng số người tham gia BHXH trên địa bàn là 3.819 người, trong đó, BHXH bắt buộc là 2.788 người, BHXH tự nguyện là 1.031 người, BHTN là 2.016 người. Tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn lần lượt là 2.788/41.050, đạt 6,79%; 1.031/41.050, đạt 2,51%; 2.016/41.050, đạt 4,91%.
Việc đổi mới phương thức tuyên truyền với hình thức phong phú, đa dạng và linh hoạt đã góp phần thay đổi phương pháp tuyên truyền BHXH, BHYT.
Chị Nguyễn Thu Huyền, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Tôi đang kinh doanh dịch vụ cà phê, karaoke, trước đây, tôi chưa có BHXH, BHYT. Qua thông tin tuyên truyền trên báo chí và từ cán bộ BHXH, tôi đã nắm được quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình và tham gia mua BHXH tự nguyện để mai sau có lương hưu.
Hiệu quả thiết thực, tiếp tục lan toả phong trào thi đua
Những nỗ lực trong tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chỉ tiêu kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN.
Cụ thể, năm 2018, toàn tỉnh có 57.241 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt tỷ lệ 11,44% so với lực lượng lao động phải tham gia; 3.562 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 0,71%; 40.928 người tham gia BHTN, đạt 8,18% thì đến năm 2021, toàn tỉnh có 65.348 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 13,1%, chưa đạt tỷ lệ 35% mà mục tiêu giai đoạn đề ra; 12.906 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 2,6%, vượt 1,6% so với mục tiêu giai đoạn đề ra; 42.233 người tham gia BHTN, đạt 8,4%, chưa đạt tỷ lệ 28% mà mục tiêu giai đoạn đề ra.
Đối với mục tiêu tham gia BHYT, năm 2018, toàn tỉnh có 743.650 người tham gia BHYT, đạt 94,3% thì đến năm 2019 tỷ lệ người tham gia đã duy trì được ở mức 735.377 người, đạt 94,08%, vượt 2,08% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao; năm 2020 duy trì ở mức 731.193 người, đạt 92,7% (chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao: 92,6%) và đến tháng 5/2021, toàn tỉnh có 735.546 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 93,3%. Đến ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861 về phân định vùng thì tỷ lệ tham gia BHYT của tỉnh giảm xuống còn 70,6% do nhiều đối tượng không còn thuộc diện được ngân sách nhà nước cấp miễn phí khi vùng sinh sống đã ra khỏi khu vực khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cũng được ngành BHXH tỉnh quan tâm chỉ đạo, cụ thể như: thí điểm giao dịch điện tử trong thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN đến các đơn vị sử dụng lao động. Đến nay đã có 2.666 đơn vị sử dụng lao động đăng ký thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, đạt 97,8%, còn thiếu 2,2% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2021 trong Nghị quyết số 28 (100%). Các đơn vị chưa thực hiện đăng ký giao dịch điện tử là các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, có ít lao động.
Cùng với đó, việc niêm yết công khai các TTHC tại trụ sở BHXH cấp tỉnh, huyện… bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận. Đồng thời, tại Văn phòng BHXH tỉnh và 11/11 đơn vị thuộc BHXH tỉnh đã tổ chức bộ phận “một cửa” tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho tổ chức, cá nhân, BHXH còn áp dụng một số hình thức như nhận và trả kết quả qua dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện; giao dịch điện tử trong thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, từ tháng 1/2020, BHXH tỉnh triển khai thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh với 9 TTHC theo Quyết định số 2663/QĐ-UBND ngày 25/12/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, toàn tỉnh đã có 9 đơn vị thực hiện tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại Trung tâm PVHCC: BHXH tỉnh Lạng Sơn, BHXH các huyện và thực hiện một quy trình cấp lại thẻ BHYT do bị mất, mờ tại Trung tâm PVHCC của tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Bà Nông Thị Phương Thảo, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết 28 đã được toàn ngành nỗ lực triển khai thực hiện. Qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc được hệ thống các cấp ngành BHXH ghi nhận, biểu dương kịp thời, góp phần xây dựng những nhân tố điển hình tiên tiến cho ngành. Thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai cải cách thủ tục, chính sách ưu việt hơn nữa nhằm tuyên truyền sâu rộng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến các tầng lớp Nhân dân.
Lời kết
Có thể thấy rằng, việc thực hiện Nghị quyết 28 trong giai đoạn 2018 – 2021, những nỗ lực trong cải cách chính sách BHXH đã đem lại những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN có tăng so từng năm nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 28; BHYT thì ảnh hưởng do nhiều đối tượng không còn được nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Chính vì vậy, thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn nữa nhằm tuyên truyền và thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn, hướng tới các mục tiêu giai đoạn đã đề ra.
Ý kiến ()