Lan tỏa phong trào sản xuất na an toàn
Na Chi Lăng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap được đóng gói trước khi xuất khẩu |
Từ những mô hình nhỏ
Đã từ lâu, na Chi Lăng là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tháng 9/2011, sản phẩm này được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao nhãn hiệu chứng nhận. Mặc dù vậy, trong quá trình tiêu thụ, nhiều người vẫn lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) với loại quả này. Hơn nữa, na Chi Lăng chưa được xuất bán nhiều sang thị trường quốc tế. Nhằm quảng bá tốt hơn nữa thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu, tạo lòng tin với người tiêu dùng, UBND tỉnh, huyện Chi Lăng cùng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh chỉ đạo triển khai các mô hình sản xuất na, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo đó, năm 2014 là năm đầu tiên mô hình sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGap (bộ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) với quy mô 10 ha được triển khai tại thị trấn Chi Lăng với sự tham gia của 60 hộ dân. Từ năm 2015 đến nay, các mô hình sản xuất na VietGap tiếp tục được thực hiện và được nông dân hưởng ứng trồng trên diện tích 90 ha. Ngoài sản xuất na VietGap, năm 2017, huyện tiếp tục triển khai sản xuất na theo tiêu chuẩn GlobalGap (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) quy mô 5 ha tại thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng với sự tham gia của 8 hộ dân. Thực hiện mô hình này, đòi hỏi các hộ tham gia thực hiện đạt chuẩn trên 200 tiêu chí đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. Ông Mông Văn Báo, đại diện hộ tham gia mô hình cho biết: “GlobalGap rất khó thực hiện từ khi trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Tuy nhiên, để sản phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn sản xuất quốc tế, chúng tôi không ngại thực hiện. Khi đã thành thục quy trình thì đương nhiên quả na của chúng tôi có thể xuất khẩu sang thị trường quốc tế, đem lại giá trị cao hơn gấp nhiều lần”.
Kết quả các mẫu phân tích chất lượng sản phẩm na từ các mô hình sản xuất na sạch, an toàn đều đảm bảo yêu cầu, âm tính với tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Ông Vi Ngọc Lưu, Trưởng thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng cho biết: “Chúng tôi rất mong thời gian tới có thêm nhiều mô hình, lớp tập huấn về quy trình, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản na an toàn và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại cây na để người dân ngày càng áp dụng đạt hiệu quả về kinh tế và môi trường”.
Thành phong trào sản xuất
Ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Năm 2017, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị có liên quan ở huyện phối hợp với các xã, thị trấn vùng trồng na tổ chức lễ phát động sản xuất na an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Cùng với đó là tổ chức cho các hộ trồng na ký cam kết sản xuất na an toàn theo quy định của Bộ NN&PTNT; tiếp tục duy trì các tổ hợp tác, các ban VietGap tại thị trấn Chi Lăng, xã Chi Lăng gắn với tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn đến nông dân về quy trình sản xuất na an toàn.
Trong năm nay, các cơ quan liên quan ở huyện đã tổ chức được 108 cuộc chuyển giao quy trình sản xuất na an toàn và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh trên cây na cho hơn 5.400 lượt nông dân. Theo tổng hợp mới đây nhất, toàn huyện hiện có trên 3.500 hộ trồng na, trong đó trên 920 hộ đăng ký tham gia thực hiện sản xuất na an toàn với diện tích 968 ha. Các hộ này chủ yếu thuộc 25 tổ sản xuất na tại các xã: Chi Lăng, Quang Lang, Thượng Cường, Hòa Bình, Y Tịch và thị trấn Chi Lăng. Từ 60 hộ tham gia mô hình sản xuất na VietGap năm 2014 đến năm 2017 tăng lên hơn 920 hộ đăng ký tham gia cho thấy việc sản xuất na sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được người trồng na nhận thức khá đầy đủ, bài bản và trở thành phong trào ở Chi Lăng.
Ý kiến ()