Lan tỏa những lá đơn xin thoát nghèo ở xã vùng 3
– Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng từ năm 2019 đến nay, nhiều hộ dân ở xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình đã chủ động viết đơn xin được thoát nghèo. Đây thực sự là những tấm gương sáng, góp phần làm thay đổi nhận thức, xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ái Quốc là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Bình. Đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Toàn xã hiện có 486 hộ dân với 2.119 nhân khẩu (có tới 98% là người dân tộc Dao), trong đó có 116 hộ nghèo và 44 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã hiện chỉ đạt 20 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, từ năm 2019, trên địa bàn đã có những lá đơn đầu tiên được gửi đến cấp ủy, chính quyền xã xin được thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Cán bộ xã Ái Quốc hướng dẫn người dân viết đơn xin thoát nghèo
Anh Hoàng Hữu Thắng, thôn Quang Khao là một trong những người đầu tiên ở xã Ái Quốc chủ động viết đơn xin thoát nghèo. Anh Thắng cho biết: Gia đình tôi có 5 nhân khẩu. Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Năm 2010, nhận thấy trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã tập trung chăm sóc, phát dọn thực bì diện tích rừng thông trồng từ năm 1998, cùng đó tiến hành trồng mới để mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình có 10 ha thông, trong đó có 8 ha đã cho thu hoạch nhựa. Từ năm 2018, gia đình tôi đã thu hoạch được 5 – 6 tấn nhựa thông, nhờ đó đời sống được cải thiện, cuộc sống ổn định nên năm 2019, gia đình tôi đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo.
Tương tự, gia đình ông Đặng Văn Bảo, thôn Khuổi Thướn cũng đã chủ động viết đơn xin thoát cận nghèo. Ông Bảo cho biết: Gia đình tôi trước đây thuộc hộ cận nghèo của xã. Để nâng cao thu nhập, từ năm 2012, tôi đã chú trọng chăm sóc rừng thông trồng từ năm 1998. Cùng đó, tôi lấy ngắn nuôi dài, tiến hành trồng thêm các loại cây ngắn ngày để có thu nhập trang trải cuộc sống. Đến nay, gia đình đã có trên 6 ha thông, trong đó có 4 ha đã cho thu hoạch nhựa. Ba năm qua, mỗi năm gia đình tôi khai thác được hơn 4 tấn nhựa thông, cho thu nhập ổn định nên cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tháng 10/2022, tôi đã viết đơn xin thoát hộ cận nghèo.
Trên đây chỉ là 2 hộ trong số 12 hộ dân ở Ái Quốc chủ động viết đơn xin thoát nghèo, cận nghèo của xã từ năm 2019 đến nay. Với suy nghĩ cuộc sống mình khó khăn nhưng nhiều hộ còn khó khăn hơn nên khi thôn tiến hành rà soát, 12 hộ dân này đã tự nguyện viết đơn gửi cấp ủy, chính quyền xã xin thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Để có được kết quả trên, bên cạnh sự chủ động, mạnh dạn của người dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về công tác giảm nghèo. Tại các cuộc họp thôn, trưởng thôn, các chi hội đoàn thể trong thôn đã tuyên truyền bà con chủ động vươn lên trong phát triển kinh tế; chú trọng phát triển trồng rừng và chăn nuôi.
Theo đó, khoảng 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, toàn xã trồng mới được 8 – 10 ha thông, keo, bạch đàn. Để bà con có điều kiện phát triển trồng rừng, hằng năm, chính quyền xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 3 – 5 lớp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc; thực hiện kết hợp các nguồn vốn hỗ trợ người dân cây giống, phân bón để phát triển sản xuất… Qua đó, đời sống và nhận thức của bà con được nâng lên.
Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ái Quốc cho biết: Xác định thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững là chìa khóa nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, do đó, hằng năm UBND xã đã hỗ trợ các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và hỗ trợ cây, con giống để người dân phát triển sản xuất. Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý chí của người dân trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, dù vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện nhưng từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ dân chủ động làm đơn xin thoát nghèo, thoát cận nghèo. Đây thực sự là những tấm gương sáng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong hành trình vươn lên thoát nghèo của người dân trên địa bàn.
Có thể thấy, dù là một xã đặc biệt khó khăn nhưng với mong muốn tự mình vươn lên, làm chủ cuộc sống, không trông chờ và ỷ lại vào Nhà nước, người dân ở xã Ái Quốc đã làm đơn thoát nghèo, thoát cận nghèo. Đây thực sự là nghĩa cử cao đẹp, những tấm gương sáng cần được nhân rộng ở trong và ngoài địa bàn xã nhằm góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo tại địa phương.
Ý kiến ()