Lan tỏa mạnh mẽ những việc làm theo Bác
Doanh nghiệp tư nhân Đức – Tín – Hưng (Lộc Bình) sản xuất vật liệu xây dựng xây cầu xã hội hóa |
Đối với cán bộ phải kể đến việc nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không ngừng đổi mới lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả chất lượng công việc và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân; thi cán bộ dân vận khéo (năm 2012). Đáng chú ý, tại một số cơ quan, đơn vị xuất hiện mô hình mỗi cán bộ tiết kiệm 10.000 đồng/tháng để hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo (Chi cục Thuế huyện) hoặc hỗ trợ xây nhà tình nghĩa (cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS huyện xây 1 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng cho mẹ liệt sỹ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn). Mỗi giáo viên ngành giáo dục huyện dạy ít nhất 2 tiết/tuần không nhận thù lao; giáo viên giúp đỡ giáo viên – giáo viên giúp đỡ học sinh. Từ việc làm thiết thực này, 5 năm qua, toàn ngành giáo dục huyện đã quyên góp được trên 5 tỷ đồng và trên 6 tấn gạo; trên 2.100 cuốn sách giáo khoa, vở viết giúp đỡ 3.712 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập…
Ông Lý Đức Thanh, Bí thư Huyện ủy Lộc Bình cho biết: những việc làm theo gương Bác còn lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Bằng những việc như hiến đất; góp công, góp của xây dựng đường giao thông, thủy lợi; phát triển kinh tế hộ gia đình… góp phần làm cho quê hương Lộc Bình ngày càng giàu đẹp hơn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 29,37%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 14,39%.
Theo tổng hợp từ Huyện ủy Lộc Bình, từ năm 2011 đến nay, nhân dân trong huyện đã hiến xấp xỉ 11.000 m2 đất làm đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa thôn, sân chơi thể thao xã. Điển hình như chị Hoàng Thị Vụ, xã Đông Quan hiến 3.630 m2 xây trường mầm non; các ông: Hoàng Văn Quyết, Vi Văn Đâu, Lộc Văn Lân (Nam Quan) hiến gần 3.000 m2 đất xây trường mầm non; ông Lường Văn Nhớ (Xuân Dương) hiến hơn 100 m2 đất xây nhà văn hóa thôn… Chị Hoàng Thị Vụ cho biết: “Từ đức tính hiền từ và những việc làm giản dị với nhiều ý nghĩa của Bác Hồ, tôi thấy mình cần làm việc gì đó có ích cho xã hội. Thấy xã khó khăn trong tìm quỹ đất xây trường mầm non, tôi đã bàn với gia đình hiến đất cho xã xây trường để trẻ em trong xã có trường, lớp học khang trang hơn”.
Ngoài ra, nhân dân trong huyện còn đóng góp hàng nghìn công lao động và nhiều tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn, ngầm qua suối, xây dựng kênh mương. Tiêu biểu là ông Đặng Văn Lý (Ái Quốc) bỏ tiền ra làm đường vào thôn trị giá hơn 100 triệu đồng… Nhờ thế một số công trình đã được thi công, mang lại thuận lợi trong đi lại như đường vào trụ sở xã Quan Bản dài 2,5 km; đường vào trụ sở xã Nhượng Bạn dài 2,5 km; đường vào trụ sở xã Vân Mộng dài 1,4 km và 2 ngầm qua suối tại xã Hiệp Hạ…
Làm theo Bác, người dân Lộc Bình tích cực phát triển kinh tế gia đình. 5 năm nay, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế trong dân như mô hình VAC, trồng rừng cho thu nhập từ 100 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/năm. Ví dụ như gia đình ông Lê Văn Chiến (thị trấn Na Dương) thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho 13 lao động địa phương; chị Lý Thị Bông (Đồng Bục) chăn nuôi, kinh doanh giỏi với thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; ông Lành Văn Nháo (Hữu Lân) từ 40 triệu đồng tiền vốn vay năm 2012 đến nay đã phát triển mô hình chăn nuôi gia súc với tổng đàn trị giá trên 500 triệu đồng. Ngoài làm kinh tế giỏi, người dân còn giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn vươn lên trong cuộc sống như chị Dương Thị Kim (thị trấn Na Dương) tiết kiệm cho chị em phụ nữ nghèo vay không tính lãi 10 triệu đồng. Được biết, 5 năm qua, phụ nữ trong huyện tiết kiệm được gần 3 tỷ đồng hỗ trợ phụ nữ nghèo làm nhà, cho vay không tính lãi, hộ trợ hiện vật (thóc, gạo, cây, con giống) giúp chị em vươn lên trong cuộc sống.
Ý kiến ()