Lan tỏa giá trị bền vững của “Nhật ký trong tù”
Với sự liên kết của các ngành nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được soi rọi bằng những góc nhìn mới, có thêm nhiều kiến giải sâu sắc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà khoa học, công việc phát huy giá trị của tập thơ bất hủ trong thời buổi hiện nay cần phải có những cách làm sáng tạo.
Vẹn nguyên sức hút
Hội thảo khoa học “80 năm “Nhật ký trong tù”-Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức mới đây đã đạt thành công về chuyên môn khoa học. Hội thảo không chỉ quy tụ được các chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu thơ văn Hồ Chí Minh nói chung, “Nhật ký trong tù” nói riêng, điều quan trọng là hội thảo đã giới thiệu được những thành tựu mới về nghiên cứu “Nhật ký trong tù” trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu dự hội thảo kỷ niệm 80 năm “Nhật ký trong tù”. Ảnh: HÀM ĐAN |
Về mặt dịch thuật, theo thống kê của TS Võ Xuân Quế và Thiếu tướng, TS, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, hiện nay, có ít nhất 34 ngôn ngữ/chữ viết trên thế giới với 46 bản dịch khác nhau về “Nhật ký trong tù”. So với những thống kê trước đây thì phát hiện thêm hơn 10 ngôn ngữ/chữ viết có bản dịch. Cần lưu ý rằng, hai tác giả chủ yếu phát hiện các bản dịch đã xuất bản từ lâu nhưng chúng ta chưa biết đến, bên cạnh những bản dịch mới. Đó là các bản dịch tiếng Na Uy và tiếng Phần Lan xuất bản cùng năm 1969, bản dịch bằng chữ Hebrew của người Do Thái (năm 1975), chữ Galicia-một trong 5 ngôn ngữ chính thức của Tây Ban Nha (năm 1978)… Điều này chứng tỏ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức hút lớn với bạn bè quốc tế. “Nhật ký trong tù” là tác phẩm đặc biệt cho nên các chuyên gia dự đoán, tác phẩm bất hủ của Người sẽ còn tiếp tục được dịch, phát hành thêm nhiều ngôn ngữ/chữ viết trong tương lai.
Ở Việt Nam, những bản dịch chữ Quốc ngữ mới cũng được giới thiệu rộng rãi như bản dịch của Hoàng Bá Vy (năm 2020) và Quách Tấn (tái bản năm 2023), có nhiều điểm khác với bản dịch phổ biến của tập thể dịch giả công tác tại Viện Văn học thực hiện trước đó. Việc có các bản dịch mới không phải là thay thế bản dịch cũ mà là để giúp độc giả có thêm cơ hội tham khảo, đối chiếu, qua đó cảm thụ sâu sắc ý nghĩa đa tầng, vẻ đẹp ngôn từ phong phú của “Nhật ký trong tù”.
Tọa đàm về bản dịch “Nhật ký trong tù” của nhà thơ Quách Tấn do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức, tháng 5-2023. Ảnh: THU HÀ |
Khi có nhiều bản dịch mới, “Nhật ký trong tù” được biết đến nhiều hơn, trở thành đối tượng nghiên cứu thông qua nhiều phương pháp khác nhau. Ở các nước phương Tây, “Nhật ký trong tù” được xem là “chìa khóa” để hiểu phẩm chất, tâm hồn, những suy nghĩ thầm kín của lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh. Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc họ dịch và nghiên cứu “Nhật ký trong tù” còn bởi giá trị tự thân về nghệ thuật và văn hóa, không chỉ đơn thuần là vì nhân thân tác giả.
Riêng ở Trung Quốc, nơi tập thơ ra đời và Bác dùng tiếng Hán để sáng tác, việc nghiên cứu “Nhật ký trong tù” sôi động hơn. Các tác giả công tác tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) đã tìm hiểu về thực trạng nghiên cứu “Nhật ký trong tù” tại Trung Quốc từ năm 1986 đến nay và đi đến kết luận: Thay vì chỉ nghiên cứu chủ đề và tư tưởng, các học giả Trung Quốc còn nghiên cứu sâu sắc và kỹ lưỡng nghệ thuật thơ. Điều đáng ghi nhận là các nhà nghiên cứu Trung Quốc coi “Nhật ký trong tù” là tác phẩm nghệ thuật đích thực, thông qua nghiên cứu thi pháp cổ điển phương Đông (thi hứng, đối ngẫu, thể thơ, luật thơ…).
Với các nhà nghiên cứu Việt Nam, về nghiên cứu lịch sử, phải kể đến nỗ lực của nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã xác định người giữ bản thảo gốc “Nhật ký trong tù” rồi gửi về Hà Nội là ông Hoàng Đức Triều, Chủ nhiệm Việt Minh ở Lam Sơn (nay là xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Có nhiều thành tựu hơn là những công trình lý luận phê bình về “Nhật ký trong tù” giá trị. Bên cạnh khẳng định lại giá trị đã được công nhận của tập thơ (tình yêu thiên nhiên, khao khát tự do, chất thép của nhà cách mạng…), những hướng nghiên cứu mới về liên văn bản, diễn ngôn nhân quyền, văn hóa sáng tạo, hệ hình mỹ học… giúp công chúng hiểu rõ hơn giá trị sâu sắc, trường tồn và tầm vóc của “Nhật ký trong tù”. Bởi theo thông thường, tác phẩm có giá trị theo thời gian sẽ không cạn kiệt ý nghĩa, mà luôn cung cấp những ý tưởng nghiên cứu, đủ cứ liệu để thực hành phương pháp nghiên cứu mang lại hiệu quả nhất định.
“Hạt nhân” quảng bá di sản Hồ Chí Minh
Những kết quả đạt được từ hội thảo lần này, theo PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sẽ trở thành những luận cứ khoa học để Hội đồng tư vấn giúp Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng, cơ quan nghiên cứu, giáo dục có các chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp thu và phát huy tốt hơn giá trị đặc biệt của Bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù”.
Tại hội thảo, khi có thông tin phát hiện CD nhạc jazz “Những bài hát từ “Nhật ký trong tù” của hai nhạc sĩ P. Minton và V. Weston (năm 1990) khiến các đại biểu không khỏi suy nghĩ. Rõ ràng, chúng ta đang có một báu vật trong tay nhưng chưa biết phát huy, lan tỏa sâu rộng. “Nhật ký trong tù” mới chỉ là đối tượng, chủ đề tại các triển lãm trong không gian bảo tàng đóng kín mà chưa phải là chất liệu để cho các loại hình nghệ thuật, phương thức cho văn hóa sáng tạo hiện đại.
Công chúng tham quan một số tác phẩm thư pháp về “Nhật ký trong tù” tại Bảo tàng Hà Nội, tháng 5-2023. Ảnh: TRẦN HUẤN |
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, nhà cách mạng bị đọa đày trong tù không phải là hiếm, nhưng hiếm có ai như Bác Hồ lại làm thơ, không chỉ có giá trị về nghệ thuật mà còn giàu tính nhân văn, thể hiện tầm vóc của một danh nhân văn hóa đại diện cho “nền văn hóa tương lai”. Chính vì “Nhật ký trong tù” là tác phẩm có đời sống đặc biệt và có giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, làm phong phú thêm di sản văn hóa và cách mạng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh-anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Những điều độc đáo, khác lạ đó thực sự là chất liệu “vàng mười” cho điện ảnh, kịch, truyền thông số…
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia dự hội thảo đã kiến nghị “Nhật ký trong tù” cần được đặt vào vị trí là “hạt nhân” để quảng bá di sản Hồ Chí Minh trên phạm vi toàn cầu; đồng thời, để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong thời gian tới. Quan trọng là cần sớm hình thành những dự án lớn, quy tụ nhân lực trong và ngoài nước hợp tác sản xuất, huy động tài, lực bảo đảm đủ các điều kiện để dự án đạt được hiệu quả về nội dung và hình thức.
Những kiến nghị này cũng tương đồng với phát biểu kết luận của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chủ trì hội thảo. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong rằng, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, giới thiệu những giá trị to lớn, đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật của tập thơ, để lan tỏa sâu rộng hơn đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/lan-toa-gia-tri-ben-vung-cua-nhat-ky-trong-tu-739341
Ý kiến ()