Lan tỏa chương trình 1 triệu sáng kiến trong các cấp công đoàn
– Được các cấp công đoàn triển khai từ đầu năm 2022 và kết thúc vào tháng 9/2023, chương trình “1 triệu sáng kiến – Nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” (gọi tắt là Chương trình 1 triệu sáng kiến) có sức lan tỏa sâu rộng trong đoàn viên, người lao động (ĐVNLĐ) toàn tỉnh.
Cán bộ phụ trách chương trình “1 triệu sáng kiến” của LĐLĐ tỉnh theo dõi số lượng sáng kiến ĐVNLĐ tỉnh đã đăng tải trên hệ thống
Ngày 8/1/2022, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động Chương trình “1 triệu sáng kiến”. Hưởng ứng chương trình, LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn đăng ký phấn đấu đóng góp ít nhất 4.100 sáng kiến hướng về việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế – xã hội và đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn.
Lan tỏa chương trình trong các cấp công đoàn
Bà Bế Thị Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Để chương trình được triển khai hiệu quả, ngay sau khi phát động chương trình (đầu năm 2022), LĐLĐ tỉnh đã dựa trên số lượng sáng kiến được công nhận hằng năm của từng đơn vị để giao chỉ tiêu sát với thực tế và khả năng của từng đơn vị; phát động chiến dịch thi đua cao điểm thực hiện chương trình, khuyến khích, động viên ĐVNLĐ nghiên cứu sáng kiến có giá trị thực tiễn cao. Ngoài ra, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh còn phân công công chức trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn các cấp công đoàn đăng ký, tập hợp các sáng kiến của ĐVNLĐ và cập nhật các ý tưởng, sáng kiến được công nhận lên hệ thống của chương trình.
Sáng kiến của đoàn viên CĐCS Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn được áp dụng trong thực tế tại trạm bơm của công ty
Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, các LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc chủ động phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị và người sử dụng lao động tuyên truyền, vận động ĐVNLĐ tích cực tham gia chương trình. Cùng đó, các cấp công đoàn còn có các giải pháp, cách làm hay để ĐVNLĐ có thể tự trình bày ý tưởng một cách khoa học và đầy đủ nhất. Cụ thể như: thiết kế một số mẫu trình bày sáng kiến trong các lĩnh vực khác nhau để ĐVNLĐ áp dụng trong quá trình viết sáng kiến, giải pháp; làm video hướng dẫn chi tiết quy trình cập nhật sáng kiến lên hệ thống phần mềm… đồng thời tuyên truyền, đôn đốc đẩy mạnh việc thực hiện đăng tải sáng kiến lên hệ thống của chương trình qua các nhóm zalo của CĐCS, các cuộc họp chuyên môn. Qua đó, nhiều đơn vị có số lượng sáng kiến tham gia chương trình đạt cao, vượt chỉ tiêu đề ra.
Bà Nông Thị Hồng Thắm, Chủ tịch LĐLĐ huyện Tràng Định cho biết: Trong thời gian triển khai chương trình, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các cơ quan phụ trách thẩm định sáng kiến để nắm được số lượng cũng như các cá nhân có sáng kiến, qua đó tập trung tuyên truyền, vận động các cá nhân đó tiếp tục sáng tạo và đăng tải sáng kiến, giải pháp của mình lên hệ thống chương trình ngay khi sáng kiến được công nhận. Theo đó, kết thúc chương trình, huyện Tràng Định có tổng số sáng kiến tham gia chương trình là 570, vượt 215% chỉ tiêu so với LĐLĐ tỉnh giao (265 sáng kiến).
Để tạo động lực cho ĐVNLĐ tiếp tục hăng say sáng tạo, tích cực tham gia chương trình, kết thúc giai đoạn I, LĐLĐ tỉnh đã tặng bằng khen cho 7 tập thể, 35 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia chương trình. Ngoài ra, các cấp công đoàn còn lồng ghép việc thực hiện chương trình gắn với các phong trào thi đua như: chào mừng đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII; kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023)… từ đó tạo sức lan tỏa sâu rộng trong ĐVNLĐ.
Khơi dậy tinh thần vượt khó, sáng tạo trong ĐVNLĐ
Trong gần 2 năm triển khai, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của ĐVNLĐ. Các sáng kiến, giải pháp được ĐVNLĐ xây dựng chủ yếu là các giải pháp kỹ thuật, quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hoặc đề tài nghiên cứu khoa học với mục tiêu cải tiến kỹ thuật, cải thiện, nâng cao năng lực làm việc nhằm góp phần cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vượt khó vươn lên.
Ông Nguyễn Văn Vũ, đoàn viên CĐCS Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn cho biết: Nhằm tiết kiệm chi phí cho công ty, năm 2022, tôi đã xây dựng sáng kiến “Tự động duy trì áp lực mạng cấp nước”. Sáng kiến đã được công nhận và áp dụng tại các trạm bơm, góp phần giảm chi phí tiền điện gần 14 triệu đồng/trạm/năm, đồng thời sáng kiến còn giúp duy trì áp lực đường ống dẫn ổn định, giảm chi phí sửa chữa do quá áp lực gây vỡ ống mạng.
Với sự tích cực của các ĐVNLĐ, tính đến hết ngày 31/8/2023, toàn tỉnh có 6.308 sáng kiến của ĐVNLĐ tham gia, đạt 129% so với mục tiêu (4.100 sáng kiến), ước tính giá trị làm lợi đạt trên 30 tỷ đồng (các sáng kiến chủ yếu mang lại lợi ích về mặt xã hội). Trong đó, có một số đơn vị đạt và vượt trên 200% chỉ tiêu được giao.
Kết thúc chương trình, LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn đứng thứ 36/82 đơn vị trên toàn quốc tham gia chương trình. Có thể khẳng định, qua 2 năm thực hiện, chương trình “1 triệu sáng kiến” đã được triển khai có hiệu quả trong các cấp công đoàn toàn tỉnh và thực sự là động lực khuyến khích tinh thần sáng tạo của ĐVNLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.
HOÀNG NHƯ
Ý kiến ()