Làn sóng phản đối chiến dịch "Bình minh Odyssey"
Chiến dịch "Bình minh Odyssey" của liên quân tiến công Li-bi, dưới danh nghĩa thiết lập vùng cấm bay để "bảo vệ dân thường" ở Li-bi, nhưng đã làm nhiều dân thường thương vong. Hoạt động can thiệp quân sự của liên quân vào đất nước của "những con sư tử trên sa mạc" đã và đang vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, trong đó có cả các chính khách và người dân ngay trong những nước gây chiến.Các nước phản đốiThủ tướng Nga V.Pu-tin đã phê phán Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ cho phép hành động quân sự chống Li-bi như 'lời kêu gọi một cuộc Thập tự chinh thời Trung cổ', vì nó bật đèn xanh để nước ngoài can thiệp công việc của một quốc gia có chủ quyền. Ông bác bỏ việc bất cứ thế lực bên ngoài nào can thiệp các cuộc xung đột chính trị nội bộ và nhấn mạnh, dưới chiêu bài 'bảo vệ dân thường', Mỹ ngày càng sử dụng sức mạnh thường xuyên hơn trong chính sách đối với các nước khác. Ông nói, nghị quyết của HĐBA là 'sai trái' và 'không...
Các nước phản đối
Thủ tướng Nga V.Pu-tin đã phê phán Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ cho phép hành động quân sự chống Li-bi như 'lời kêu gọi một cuộc Thập tự chinh thời Trung cổ', vì nó bật đèn xanh để nước ngoài can thiệp công việc của một quốc gia có chủ quyền. Ông bác bỏ việc bất cứ thế lực bên ngoài nào can thiệp các cuộc xung đột chính trị nội bộ và nhấn mạnh, dưới chiêu bài 'bảo vệ dân thường', Mỹ ngày càng sử dụng sức mạnh thường xuyên hơn trong chính sách đối với các nước khác. Ông nói, nghị quyết của HĐBA là 'sai trái' và 'không đầy đủ' khi cho phép xâm lược một đất nước có chủ quyền. Trung Quốc cáo buộc phương Tây gây thương vong cho dân thường Li-bi trong các cuộc không kích, đồng thời kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nêu rõ, mục đích của LHQ trong nghị quyết về Li-bi là bảo đảm an toàn cho người dân Li-bi. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự của phương Tây đang gây thương vong cho những người vô tội, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U.Cha-vết cho rằng, chiến dịch quân sự của liên quân là nhằm vào các mỏ dầu của Li-bi. Chính phủ Cu-ba cáo buộc các thế lực phương Tây âm mưu tạo cớ để xâm lược Li-bi và khẳng định những thế lực này phải chịu trách nhiệm về những thương vong mà họ gây ra đối với dân thường Li-bi. Tổng thống Bô-li-vi-a E.Mô-ra-lết cũng đưa ra quan điểm tương tự như ông Cha-vết khi nói, cuối cùng điều họ (liên quân) quan tâm là kiểm soát dầu mỏ Li-bi. Bộ Ngoại giao Bê-la-rút cũng yêu cầu chấm dứt ngay lập tức mọi hành động quân sự chống Li-bi, khẳng định, các cuộc không kích bằng bom và tên lửa xuống lãnh thổ Li-bi đang vượt khỏi khuôn khổ Nghị quyết 1973 và đi ngược lại mục đích chính được ghi trong nghị quyết này. Bê-la-rút cho rằng tìm giải pháp cho cuộc xung đột là công việc nội bộ của Li-bi và phải được chính nhân dân Li-bi thực hiện mà không có bất cứ sự can thiệp quân sự nào từ bên ngoài. Bộ Ngoại giao In-đô-nê-xi-a kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ dân thường vô tội Li-bi đang trở thành nạn nhân của vòng xoáy bạo lực. Chính phủ I-ran cũng lên án các cuộc không kích Li-bi và đặt câu hỏi về mục tiêu thật sự của phương Tây khi tiến công nước này. Phong trào Xã hội vì Hòa bình (MSP) tại An-giê-ri kêu gọi phương Tây ngừng ngay việc sử dụng vũ lực chống Li-bi. Tổng thống Nam Phi G.Du-ma tuyên bố không ủng hộ lập luận đòi thay đổi chế độ ở Li-bi. Sau khi khẳng định Nam Phi 'nói không' với những hành động giết hại dân thường, phản đối học thuyết thay đổi chế độ và sự chiếm đóng của nước ngoài đối với Li-bi, ông nhấn mạnh tôn trọng sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Li-bi, phản đối bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào ở Li-bi. Tổng thống U-gan-đa U.Mu-xê-vê-ni đã lên án chính sách hai mặt của phương Tây trong vấn đề Li-bi. Tổng thống Dim-ba-bu-ê R.Mu-ga-bê cho rằng, nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ phê chuẩn hành động quân sự như vậy không nên được thông qua.
Công luận lên tiếng
Tờ Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc viết rằng, cuộc tiến công của liên quân có thể là điểm mới trong căng thẳng giữa Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn. Tờ báo so sánh cuộc tiến công Li-bi với cuộc xâm lược của Mỹ vào I-rắc năm 2003, trong đó bình luận rằng, 'cơn giông bão thấm đầy máu' mà I-rắc đã đi qua trong tám năm qua và nỗi khổ đau khôn tả của người dân I-rắc là bài học và là lời cảnh báo. Cuộc tiến công quân sự Li-bi, tiến hành sau các cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, là lần thứ ba một số nước đã tiến hành hành động quân sự xâm phạm chủ quyền các nước khác. Tờ báo bán chạy hàng đầu El Khabar ở An-giê-ri đăng bài bình luận trang nhất tiêu đề 'khi dầu trộn lẫn với máu người Li-bi', trong đó khẳng định 'sự bất đồng quốc tế về việc can thiệp quân sự, kết quả của một cuộc chạy đua giành mỏ dầu ở Li-bi' và Pháp, một nước thực dân cũ ở cả An-giê-ri và Tuy-ni-di đã 'khoanh vùng phần của sư tử' sau khi dẫn đầu hành động quân sự và thực hiện không kích Li-bi. Ngay trong lòng nước Mỹ, nhiều tờ báo cũng đưa tin và bài viết phản đối chiến dịch quân sự tại Li-bi. Trang mạng của tờ Bưu điện Húp-phinh-tơn bình luận, Ô-ba-ma đã có quyết định sai lầm khi tham gia tiến công Li-bi. Tờ Nước Mỹ ngày nay cho rằng, thành công của chiến dịch quân sự này vẫn còn mơ hồ. Tờ Thời báo Niu Oóc cho rằng, chiến dịch quân sự này làm gia tăng gánh nặng và 'chủ nghĩa chống Mỹ'.
Nội bộ phương Tây bất đồng
Nội bộ Mỹ và phương Tây cũng chia rẽ về vấn đề Li-bi. Các nghị sĩ QH đảng Dân chủ và Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma khi ông chưa đưa ra kế hoạch rõ ràng liên quan chiến dịch tiến công Li-bi, nhất là vào thời điểm chi phí cao cho các hoạt động quân sự càng làm tăng gánh nặng cho ngân sách liên bang vốn đã bị thâm hụt lớn. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mu-len cho rằng, chiến dịch quân sự của phương Tây có thể kết thúc trong bế tắc với nhà lãnh đạo lâu năm của Li-bi M.Ca-đa-phi. Chủ tịch Hạ viện Mỹ G.Bô-e-nơ, Chủ tịch Ủy ban Các dịch vụ vũ trang Hạ viện Mỹ H.Mắc Kê-ôn và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ I.R.Lê-ti-nen đều đưa ra nhiều nghi vấn đối với cuộc không kích Li-bi. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa tỏ ra không hài lòng khi họ không nhận được đề nghị tham vấn đối với vấn đề Li-bi từ Tổng thống Ô-ba-ma, như quy định của Nghị quyết 1973 của LHQ. Họ kêu gọi triệu tập cuộc thảo luận tại QH và có thể bỏ phiếu về chiến dịch của Mỹ tại Li-bi. Hạ nghị sĩ Dân chủ M.Hon-đa nêu rõ, những mỏ dầu lớn của Li-bi chứ không phải vấn đề nhân quyền là động lực thúc đẩy các cuộc tiến công của liên quân vào Li-bi. Ông cho rằng Lầu năm góc 'đã hành động dựa trên những tính toán về năng lượng của Li-bi'. Thủ tướng Anh cũng đối mặt làn sóng phản đối của người dân. Các bộ trưởng và giới quân sự Anh mâu thuẫn về mục đích của chiến dịch quân sự chống Li-bi. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng phản đối tiến công Li-bi, khiến NATO trong cuộc họp ngày 20-3 đã không nhất trí được về sự tham gia của khối này vào chiến dịch quân sự chống Li-bi. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ R.T. Éc-đô-gan kêu gọi 'chấm dứt sớm nhất có thể' hành động can thiệp quân sự đa quốc gia ở Li-bi. Ông Éc-đô-gan nhấn mạnh, Li-bi cần nhanh chóng ổn định trở lại và tự quyết định con đường của mình. Tổng thống Síp Đ.Crít-xtô-phi-át phản đối việc sử dụng những căn cứ quân sự Anh tại khu vực Địa Trung Hải để tiến công Li-bi. Ông thừa nhận rằng, trong cuộc họp bất thường mới nhất, các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) đã không đạt được nhất trí về giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()